Khải Silk bán lụa Trung Quốc – xử lý thế nào?

27/10/2017 10:16

(kiemsat.vn)
Vụ việc hàng lụa Trung Quốc “đội lốt” Made in Việt Nam và mang nhãn hiệu “Khaisilk” đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận xã hội. Đặc biệt, nhiều người cảm thấy tổn thương vì niềm tự hào hàng Việt, tình yêu dành cho hàng Việt bị đặt nhầm chỗ. Vậy, dưới góc độ pháp luật, vụ việc này sẽ bị xử lý thế nào?

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Văn phòng Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin liên quan đến sản phẩm khăn lụa thương hiệu Khải silk để kịp thời xử lý.

Ngay sau khi vụ việc bị cộng đồng mạng và báo chí phanh phui, rất nhiều người bày tỏ các phản ứng nặng, nhẹ khác nhau. Nhiều người thậm chí còn cho rằng đó là hành vi lừa đảo. Một số cho rằng đó là hành vi gian dối với người tiêu dùng. Thậm chí, một số còn cho rằng đó là hành vi kinh doanh hàng giả.

Cắt mác Made in China, đính mác Made in Vietnam. Ảnh: Đặng Như Quỳnh

Có thể xử lý hình sự?

Có ý kiến cho rằng vụ việc có dấu hiệu của tội danh quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự – “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”! Nếu xét về bản chất của hàng giả theo hai yếu tố chính, là giả mạo về công dụng, chất lượng và giả mạo về nhãn mác sở hữu trí tuệ, thì vụ việc này không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Về công dụng và chất lượng sản phẩm, nếu chúng ta đối chiếu với các quy định của Luật chất lượng, sản phẩm hàng hóa thì hoàn toàn không thể kết luận được lụa có nguồn gốc từ Trung Quốc không đảm bảo yêu cầu về chất lượng như tên gọi “lụa” và so với chất lượng trung bình của sản phẩm.

Dấu hiệu “Made in China” bị bóc đi và thay vào đó là “Made in Vietnam- Khaisilk” rất khó bị coi là nhãn hiệu hàng hóa bị giả mạo. Khu vực địa lý China (Trung Quốc), quá rộng, không được coi là chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với sản phẩm lụa bởi đơn giản, không phải khu vực nào của TQ cũng có thể sản xuất lụa. Dù rằng, lụa Trung Quốc có thể nổi tiếng, được biết đến, nhưng được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam lại là một chuyện khác. Và ngược lại cũng vậy, “Made in Vietnam” cũng không được bảo hộ cho sản phẩm lụa. Vì thế, hành vi gỡ “Made in China” để thay bằng “Made in Vietnam”  không thể coi là giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể hơn, đối chiếu với định nghĩa về hàng giả quy định tại khoản 8, Điều 3, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chúng ta cũng thấy không thể coi lụa Made in China gắn Made in Vietnam là hàng giả với hai tiêu chí công dụng, chất lượng và sở hữu trí tuệ.

Vụ việc cũng không thể xử lý hình sự theo tội danh “Lừa dối khách hàng” theo quy định của Điều 162 Bộ Luật hình sự. Bởi vì, cấu thành của tội danh ngoài việc đánh tráo hàng hóa thường được hiểu là hàng đánh tráo phải không tốt bằng, xấu hơn hàng ban đầu. Trường hợp vụ việc Khải silk không thể kết luận được là hàng lụa Trung Quốc kém tốt hơn hàng lụa Việt Nam. Ngoài ra, yếu tố về thiệt hại nghiêm trọng cũng khó chứng minh.

Đối với tội “quảng cáo gian dối”. Quan điểm của tác giả cũng là không thể xử lý được vì hành vi gian dối trong việc thay đổi chỉ dẫn nơi sản xuất thật khó để coi là gian dối trong quảng cáo.

Vậy hành vi thay chỉ dẫn vi phạm quy định nào?

Những người chỉ đạo việc thay dấu hiệu, chỉ dẫn “Made in China” và thay bằng “Made in Vietnam- Khaisilk” đã nhắm vào đúng sự tự hào về chất lượng hàng lụa Việt Nam, sự tin cậy về chất lượng hàng lụa truyền thống Việt Nam, dùng hàng Việt của người tiêu dùng. VIệc này đã mang lại một ưu thế rõ ràng so với những sản phẩm lụa ghi trung thực “Made in China” (Chỉ tại thị trường Việt Nam). Cùng với đó, với cách làm thương hiệu bài bản nên “Khaisilk” được người tiêu dùng biết đến như là một thương hiệu Việt về sản phẩm lụa, có nguồn gốc Việt Nam, mang đậm yếu tố truyền thống Việt Nam. Từ đó, mặt hàng này có thể sẽ bán chạy hơn so với các mặt hàng cùng loại. Đặc biệt là so với các mặt hàng lụa nhập khẩu.

Một cửa hàng của Khải Silk. Ảnh: Tri thức trẻ

Đây chính xác là hành vi cạnh tranh không trung thực để đạt ưu thế trên thị trường. Gọi tên chính xác là “hành vi cạnh tranh không lành mạnh”. Hành vi này được quy định tại Luật Cạnh tranh: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với với chuẩn mực thông thường về đạo đức, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng”

Với việc gắn dòng chữ “Made in Vietnam- Khaisilk”, doanh nghiệp này đã làm người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đó là hành vi bị cấm theo Điều 39, Điều 40 Luật Cạnh tranh. Cụ thể: “Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, và các yêu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”

Và như thế, người tiêu dùng đã bị nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xử hàng hóa. Những quyền được biết về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đã bị vi phạm theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chế tài nào cho hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của Khải silk?

Hành vi vi phạm đó bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đó là nguyên tắc được quy định vế tố tụng cạnh tranh trong Luật Cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người tiêu dùng bị thiệt hại bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cạnh tranh điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. Quá trình tiến hành điều tra  xử lý được thưc hiện theo các thủ tục về tố tụng cạnh tranh. Lưu ý là thủ tục tố tụng cạnh tranh được thực hiện bởi cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan quản lý cạnh tranh, chứ không phải cơ quan xét xử. Tuy nhiên, kết quả của quá trình tố tụng cạnh tranh chỉ đem lại hình phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Một cửa hàng bán lụa của Khải silk (ảnh: Báo Lao động)

Mức phạt tiền hiện được quy định tại Điều 5 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP với mức cao nhất là 200.000.000 đồng. Các hình phạt bổ sung có thể bao gồm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị buộc khắc phục hậu quả. (Điều 117 Luật Cạnh tranh)

Luật Cạnh tranh cũng quy định tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Như vậy, việc bồi thường thiệt hại, Luật cạnh tranh đã để ngỏ cho người bị thiệt hại lại phải khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại theo quy định của tố tụng dân sự. Tất nhiên, kết quả của quá trình tố tụng cạnh tranh là một chứng cứ quan trọng để tòa dân sự sử dụng và quyết định mức độ bồi thường.

Cũng liên quan đến bồi thường thiệt hại, người tiêu dùng cũng có thể căn cứ vào các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để khởi kiện đòi bồi thường. Việc khởi kiện cũng được dẫn chiếu áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Như vây, theo quan điểm của cá nhân người viết bài này, vi phạm đạo đức kinh doanh khi sử dụng không trung thực chỉ dẫn “Made in Vietnam” của doanh nghiệp Khải silk là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi này khó có thể xử lý hình sự, nhưng sẽ bị xử lý về mặt hành chính và bị buộc bồi thường thiệt hại cho những tổ chức (doanh nghiệp cùng kinh doanh mặt hàng), cá nhân có liên quan (cá nhân người tiêu dùng).

Ls. Lê Ngọc Sơn

Xem thêm>>>

Khải Silk “trà trộn” hàng Trung Quốc: Thế này còn biết tin ai?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang