Hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước

08/05/2025 17:09

(kiemsat.vn)
Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 003/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.

Thông tư này hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 44/2025/NĐ-CP).

Theo Thông tư, nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận để xác định tiền lương và tỷ suất lợi nhuận là lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thì được sử dụng chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí sau khi loại trừ tác động của các yếu tố khách quan, nếu có để thay cho chỉ tiêu lợi nhuận và tính tỷ suất lợi nhuận khi xác định tiền lương); năng suất lao động và chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hoặc vốn góp của chủ sở hữu tại doanh nghiệp (sau đây gọi là tỷ suất lợi nhuận) được xác định theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Quản lý lao động, thang lương, bảng lương

Các yếu tố khách quan quy định tại Điều 4 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP tác động trực tiếp làm tăng hoặc giảm năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận thì doanh nghiệp tính toán loại trừ khi xác định tiền lương và thù lao, trong đó việc tính toán, loại trừ tác động của yếu tố khách quan phải được lượng hóa thành giá trị, số liệu cụ thể theo nguyên tắc: yếu tố khách quan làm tăng năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận thì phải giảm trừ, yếu tố khách quan làm giảm năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận thì được cộng thêm vào năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận khi xác định tiền lương, thù lao.

Doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lao động, tổ chức tuyển dụng, sử dụng lao động và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP; xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP.

Hằng năm doanh nghiệp rà soát lại các mức lương của người lao động và Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên chuyên trách trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương hiện hành. Trường hợp các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương hiện hành bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 6 thì được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP; trường hợp không bảo đảm thì doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP.

Xác định quỹ tiền lương thực hiện

Căn cứ quỹ tiền lương đơn giá xác định theo công thức (12) tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này, doanh nghiệp xác định quỹ tiền lương thực hiện gắn với năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện hằng năm như sau:

1. Doanh nghiệp có lợi nhuận thực hiện không thấp hơn lợi nhuận bình quân thì quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương đơn giá và điều chỉnh theo năng suất lao động như sau:

a) Mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân đơn giá so với tiền lương bình quân của các năm trước bằng hoặc thấp hơn mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động thực hiện so với năng suất lao động bình quân thì quỹ tiền lương thực hiện tối đa được xác định bằng quỹ tiền lương đơn giá;

b) Mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân đơn giá so với tiền lương bình quân của các năm trước cao hơn mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động thực hiện so với năng suất lao động bình quân thì quỹ tiền lương thực hiện tối đa được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương đơn giá sau khi giảm trừ, bảo đảm mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân đơn giá so với tiền lương bình quân của các năm trước không vượt quá mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động thực hiện so với năng suất lao động bình quân.

Tiền lương bình quân đơn giá được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương đơn giá và số lao động (bao gồm cả Ban điều hành) bình quân năm thực tế sử dụng; Tiền lương bình quân của các năm trước được xác định trên cơ sở tổng các quỹ tiền lương thực hiện để tính đơn giá tại Điều 10 Thông tư này và tổng số lao động (bao gồm cả Ban điều hành) bình quân năm thực tế sử dụng của các năm liền trước năm đầu tiên áp dụng đơn giá.

2. Doanh nghiệp có lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận bình quân thì được tính thêm tiền lương vào quỹ tiền lương thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này theo nguyên tắc vượt 1% lợi nhuận thì được tăng thêm tối đa 2% quỹ tiền lương thực hiện, nhưng phần tiền lương tăng thêm không quá 20% phần lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch và không quá 02 tháng tiền lương bình quân tính bằng quỹ tiền lương thực hiện tại khoản 1 Điều này chia cho số lao động bình quân năm thực tế sử dụng và chia cho số tháng thực tế doanh nghiệp hoạt động trong năm.

3. Doanh nghiệp có lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận bình quân, sau khi xác định quỹ tiền lương thực hiện trên cơ sở quỹ tiền lương đơn giá và điều chỉnh theo năng suất lao động theo nguyên tắc tương tự như doanh nghiệp có lợi nhuận năm thực hiện không thấp hơn lợi nhuận bình quân quy định tại khoản 1 Điều này thì phải giảm trừ quỹ tiền lương thực hiện này tương ứng theo tỷ lệ (%) hoặc theo giá trị tuyệt đối của phần lợi nhuận thực hiện thấp hơn so với lợi nhuận bình quân, bảo đảm quỹ tiền lương thực hiện sau khi giảm trừ không thấp hơn quỹ tiền lương tính trên cơ sở số lao động bình quân thực tế sử dụng và mức tiền lương chế độ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP.

4. Doanh nghiệp không có lợi nhuận hoặc lỗ thì quỹ tiền lương thực hiện được tính trên cơ sở số lao động bình quân thực tế sử dụng và mức tiền lương chế độ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP. Trường hợp giảm lỗ (kể cả năm thực hiện không có lợi nhuận) so với lợi nhuận bình quân thì doanh nghiệp căn cứ vào mức độ giảm lỗ để xác định quỹ tiền lương, bảo đảm tương quan chung và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.

5. Năng suất lao động bình quân, lợi nhuận bình quân theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này được xác định theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Tiền thưởng, phúc lợi

Tiền thưởng, phúc lợi đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Tiền thưởng, phúc lợi của người lao động, Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, trong đó tiền lương của Ban điều hành làm việc theo chế độ bổ nhiệm làm cơ sở để xác định tiền thưởng là mức tiền lương từ quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và Ban điều hành theo quy chế trả lương của doanh nghiệp.

Tiền thưởng, phúc lợi đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết: Tiền thưởng, phúc lợi của người lao động, Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, trong đó tiền lương của Ban điều hành làm việc theo chế độ bổ nhiệm làm cơ sở để xác định tiền thưởng là mức tiền lương từ quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và Ban điều hành theo quy chế trả lương của doanh nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2025. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01/01/2025.

Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

(Kiemsat.vn) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 07/5/2025, Quốc hội nghe dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Theo dự thảo, không quy định Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy

(Kiemsat.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 08/5/2025, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang