Hội thảo "Kinh nghiệm của Nhật Bản về cải cách hệ thống tư pháp hình sự"

13/03/2024 08:01

(kiemsat.vn)
Ngày 12/3/2024, tại Hà Nội, VKSND tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Cải cách hệ thống tư pháp hình sự Nhật Bản”.

Toàn cảnh Hội thảo.

Đồng chủ trì Hội thảo có TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao Việt Nam; ông Seto Takeshi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo, Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Cùng tham dự Hội thảo về phía VKSND tối cao Việt Nam có đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao; PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát VKSND tối cao và các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia đại diện cho các đơn vị của VKSND tối cao và VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về phía Đoàn công tác Bộ Tư pháp Nhật Bản có ông Kono Ryuzo, Cố vấn trưởng Dự án Jica; bà Inokura Minako, Thư ký thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; GS. Okuda Yoshinori, chuyên gia của UNAFEI; GS. Furukawa Yuho, chuyên gia của UNAFEI cùng các chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Đào tạo, Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi cho biết, chương trình trao đổi chuyên gia giữa VKSND tối cao Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản được triển khai thực hiện hàng năm, bắt đầu từ năm 2000. Từ năm 2014, các chương trình nghiên cứu tại Nhật Bản của Viện kiểm sát Việt Nam do Viện Nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực châu Á - Viễn Đông của Liên Hợp quốc (UNAFEI) phối hợp với Bộ Tư pháp Nhật Bản thực hiện.

Trong thời gian qua, đã triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hợp tác; trong đó đã tập trung vào lĩnh vực trao đổi đoàn các cấp, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về cải cách tư pháp, triển khai thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu tội phạm học; xây dựng pháp luật và hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao Việt Nam.

Theo TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát vừa có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, đồng thời phải kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý đối với các vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc VKSND có thể gặp các hành vi vi phạm, xâm phạm như hành vi can thiệp, gây áp lực, cản trở, chống đối việc thực hành công vụ… Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp, làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động đúng đắn của Viện kiểm sát là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình cải cách tư pháp.

Đại biểu tham gia Hội thảo phát biểu ý kiến trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến kinh nghiệm về cải cách hệ thống tư pháp hình sự tại Nhật Bản.

Tại Hội thảo các chuyên gia đến từ Bộ Tư pháp Nhật Bản và Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á Viễn Đông của Liên hợp quốc (UNAFEI) giới thiệu và trao đổi kinh nghiệm về cải cách hệ thống tư pháp hình sự tại Nhật Bản và tổng quan về chế độ công tố của Nhật Bản - Từ góc độ ngăn chặn sự can thiệp quá mức đối với Công tố viên, bao gồm hành vi tham nhũng.

Ông Seto Takeshi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo, Bộ Tư pháp Nhật Bản.

GS. Okuda Yoshinori, chuyên gia của UNAFEI.

Bên cạnh đó, các đại biểu của VKSND tối cao Việt Nam cũng trình bày tham luận về quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam và các quy định của pháp luật Việt Nam về tăng cường bảo vệ Thẩm phán, Kiểm sát viên và công chức thực thi pháp luật trong hoạt động tư pháp; khái quát về cơ chế bảo vệ Viện kiểm sát, Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của pháp luật Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang