Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính

18/10/2019 12:20

(kiemsat.vn)
Sáng ngày 18/10/2019, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 và tập huấn nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự năm 2019. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, lãnh đạo một số các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng phụ trách lĩnh vực dân sự, hành chính và toàn thể lãnh đạo và công chức các Phòng 9, 10 VKSND cấp tỉnh; Viện trưởng, Phó Viện trưởng phụ trách lĩnh vực dân sự, hành chính và công chức giải quyết án hành chính, dân sự của VKSND cấp huyện cùng tham dự hội nghị…

Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật TTHC năm 2015 và tập huấn nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự năm 2019 được tổ chức trực tuyến kết nối từ điểm cầu trung tâm VKSND tối cao đến các điểm cầu Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh, VKSND cấp cao 2, 3 và VKSND cấp tỉnh.

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc qua 3 năm triển khai thi hành Luật TTHC năm 2015 trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính nói chung và công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai nói riêng, công tác kiểm sát việc thi hành án hành chính, công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính; trao đổi, làm rõ các vấn đề về lý luận, thực tiễn; tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đưa ra các giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành án hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Luật TTHC năm 2015.

Đối với ngành Kiểm sát, Luật TTHC năm 2015 cũng đã mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Viện kiểm sát, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Kiểm sát viên để chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định tố tụng của Kiểm sát viên; mở rộng quyền kiến nghị của Viện kiểm sát khi phát hiện vi phạm pháp luật; thực hiện việc phát biểu về nội dung giải quyết vụ án...

Đồng chí Phan Văn Tâm, Vụ trưởng Vụ 10 VKSND tối cao báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Tâm, Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10), VKSND tối cao đã trình bày báo cáo tóm tắt sơ kết 3 năm thi hành Luật TTHC năm 2015 và công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai.

Theo đó, sau hơn 03 năm triển khai thi hành, Luật TTHC năm 2015, ngành KSND đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác thi hành Luật TTHC năm 2015. Về cơ bản, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, triển khai Luật TTHC được kịp thời, thực hiện một cách nghiêm túc ở tất cả các cấp kiểm sát; công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các mặt, kiểm sát 100% các vụ án hành chính do tòa án thụ lý; đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong thi hành Luật TTHC.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, hạn chế, một số quy định chưa cụ thể, chưa đầy đủ, còn mâu thuẫn nhưng vẫn chưa được hướng dẫn, xử lý kịp thời, việc nhận thức và áp dụng pháp luật trong nhiều trường hợp còn chưa được thống nhất, nên cần phải được sơ kết, đánh giá trong phạm vi toàn quốc để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo sự đồng thuận, nhận thức chung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai thi hành Luật TTHC năm 2015.

Cũng theo báo cáo, trong thời gian từ ngày 01/7/2016 đến nay, số vụ khiếu kiện về đất đai ngày càng tăng, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng số đơn thư khiếu kiện hành chính, với tính chất ngày càng phức tạp, đông người, có nơi xảy ra điểm nóng, tập trung vào các vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cưỡng chế thu hồi đất; cấp, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất …

Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu do công tác quản lý đất đai thời kỳ trước đây còn chưa chặt chẽ, nhiều sơ hở, thiếu sót, nhất là trong việc cấp quyền sử dụng đất vi phạm về trình tự, thủ tục, cấp không đúng đối tượng, sai về diện tích, bị chồng lấn…Ở một số địa phương, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước chưa làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đất đai, chưa chú trọng đối thoại; việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… còn có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục, không thực hiện đầy đủ chính sách về đền bù dẫn đến bức xúc, bất bình trong nhân dân; công tác giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước có lúc, có nơi còn chậm.

Đồng chí Phan Văn Tâm cũng đã giới thiệu quy trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính; Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản; trình bày những vấn đề cần rút kinh nghiệm về những bản án, quyết định bị Tòa án xét xử tuyên hủy, sửa nghiêm trọng trong lĩnh vực hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản trong 3 năm.

Tại Hội nghị các ý kiến tham luận do đại diện lãnh đạo các đơn vị, VKSND địa phương trình bày, gồm: VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, VKSND TP Hà Nội, VKSND TP. Hồ Chí Minh, VKSND tỉnh Bình Dương và VKSND tỉnh Quảng Ninh trao đổi nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội nghị; đánh giá cao các tài liệu được Vụ 10 và các đơn vị liên quan chuẩn bị tại Hội nghị, đồng thời yêu cầu Vụ 10 phối hợp với các đơn vị liên quan tập hợp ý kiến tham luận của VKS địa phương làm tốt công tác này, biên tập thành tài liệu để toàn Ngành tham khảo, học tập..

Đồng chí Viện trưởng nhấn mạnh, người đứng đầu VKS các cấp phải quan tâm, quán triệt và nhận thức về tầm quan trọng của công tác này để quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thông qua việc đào tạo bồi dưỡng, chọn lựa, phân công, kèm cặp và có chính sách hợp lý đối với cán bộ.

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị

Trong chiều cùng ngày, Hội nghị tiếp tục dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Hội nghị đã được nghe đồng chí Vương Văn Bép, Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9), VKSND tối cao giới thiệu quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự; Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm; những vấn đề cần rút kinh nghiệm về các bản án, quyết định bị Tòa án xét xử tuyên hủy, sửa nghiêm trọng trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình trong 3 năm.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao đã trao đổi, giải đáp vướng mắc về pháp luật và nghiệp vụ trong công tác giải quyết, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Vai trò của VKSND trong Tố tụng hành chính theo luật Tố tụng hành chính năm 2015

Luật Tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10, ngày 25/11/2015 (sau đây gọi tắt là Luật TTHC năm 2015) gồm 23 chương, 372 điều với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng; trong đó, đáng chú ý có nhiều quy định mới, bổ sung về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong tố tụng hành chính. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính nhằm làm rõ vai trò của VKSND trong tố tụng hành chính theo Luật TTHC năm 2015.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên theo Luật Tố tụng hành chính 2015

(Kiemsat.vn) - Chức năng, nhiệm vụ trên của VKS trong tố tụng hành chính được thực hiện thông qua vai trò của Viện trưởng VKS, KSV và KTV, mà cụ thể là thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những chủ thể này.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang