Hai trạm thu phí BOT Quốc lộ 5 bị đề nghị xoá bỏ

19/09/2017 03:07

Theo Hiệp hội vận tải hàng hoá Hải Phòng, một chuyến hàng container từ Hải Phòng đến Hà Nội có chi phí đường bộ là 3,6 triệu đồng.

Ngày 19/9, tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với lãnh đạo thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, đã kiến nghị Chính phủ xem xét việc xoá bỏ hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5 (cũ) nối Hà Nội – Hải Phòng.

Hai trạm thu phí BOT Quốc lộ 5 bị đề nghị xoá bỏ

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, kiến nghị xoá bỏ hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5 nối Hà Nội – Hải Phòng. Ảnh: V.V.T

Theo ông Thanh, hiệp hội vận tải hàng hoá Hải Phòng phản ánh đang gặp nhiều khó khăn; có tới 30-50% phương tiện dừng hoạt động, trả phù hiệu để không phải nộp các khoản phí.

Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Thanh nói, có việc chi phí vận tải đường bộ quá cao. Cụ thể, một chuyến hàng container từ Hải Phòng đến Hà Nội có chi phí đường bộ là 3,6 triệu đồng; đường sắt là 2,8 triệu đồng; hàng không là 2,6 triệu đồng.

“Giá đi đường bộ quá cao, do phí chồng lên phí. Với phí BOT hiện nay, mỗi tấn hàng từ Hải Phòng chuyển lên Hà Nội có chi phí trên 30 nghìn đồng”, ông Thanh nói.

Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho hay, bên cạnh Quốc lộ 5 cũ, doanh nghiệp và người dân có thể đi đường cao tốc nhưng “phí đắt quá”. Theo ông, chính vì phí cao tốc quá cao, nên khi Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn hỏi giám đốc cảng Đình Vũ (Hải Phòng) là các doanh nghiệp vận tải thường chọn đi cao tốc hay Quốc lộ 5 cũ, câu trả lời là: “Khoảng 80% phương tiện không chọn cao tốc”.

“Cách làm triệt để nhất là xoá bỏ hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5 cũ, tuy nhiên chúng tôi biết kiến nghị này khó thực hiện vì sẽ tạo gánh nặng tài chính cho Nhà nước”, ông Thanh nói và cho biết, Hiệp hội đưa ra thêm 2 phương án. Một là, giảm phí qua trạm. Mức phí cho xe tiêu chuẩn hiện là 40 nghìn đồng mỗi lượt, quá cao so với chỉ 10 nghìn đồng trước đây. Hai là, miễn phí đường bộ thu theo đầu phương tiện đối với xe container và xe chở khách chạy tuyến cố định.

Chung ý kiến với Hiệp hội vận tải ôtô, đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng cho rằng, phí cầu đường quá cao cộng với phí sử dụng cơ sở hạ tầng cảng biển của Hải Phòng tăng trong thời gian qua đã “khiến cho doanh nghiệp phía Bắc gặp nhiều khó khăn”.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết đã ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội vận tải ôtô và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng xem xét.

Theo ông, đây là lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ Giao thông, do vậy Tổ công tác của Thủ tướng cũng sẽ trao đổi với Bộ này để cùng tham gia giải quyết.  “Ý kiến cá nhân tôi là đề xuất của Hiệp hội có phần hợp lý. Chủ trương của Chính phủ, của Thủ tướng hiện là nỗ lực giảm chi phí chính thức và không chính thức của doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

hai-tram-thu-phi-bot-quoc-lo-5-bi-de-nghi-xoa-bo-1

Tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí trên Quốc lộ 5. Ảnh: Huy Mạnh

Từ ngày 4/9, trạm thu phí số 1 Quốc lộ 5 liên tục xảy ra tình trạng nhiều lái xe dùng tiền lẻ (loại 200 đồng, 500 đồng) mua vé qua trạm và có hành vi được đơn vị quản lý trạm cho là gây ùn tắc giao thông.

Công an tỉnh Hưng Yên đã triệu tập một số tài xế và doanh nghiệp liên quan tới sự cố ùn tắc giao thông, mất trật tự ở trạm thu phí trên Quốc lộ 5.

Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội – Hải Phòng, dài khoảng 100 km, có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Mức phí qua trạm BOT hiện thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt.

Từ đầu năm 2016, dự án nâng cấp quốc lộ 5 theo hình thức BOT được chuyển giao cho Vidifi; nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí. Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 105 km cũng do Vidifi đầu tư, thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015.

Trước nhiều ý kiến cho rằng không thể thu phí trên quốc lộ 5 bù cho chi phí đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế giải thích Nhà nước đang nợ nhà đầu tư 4.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc. Đó là tiền giải phóng mặt bằng mà đáng lẽ Nhà nước phải bỏ ra, song do ngân sách không có nên phải để cho doanh nghiệp thu phí quốc lộ 5 bù đắp.

Vinh An/vnexpress

Bài viết liên quan>>>

Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về việc thu phí BOT trạm Bến Thủy

Lái xe trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí: Vì đâu nên nỗi?

Chấn động:Gian lận phí ở trạm Mỹ Lộc, nhân viên bỏ túi hàng chục tỷ?

Theo nhẩm tính của cánh lái xe thì số tiền vé rơi vào túi nhân viên lên tới hàng chục tỷ đồng/năm với số lượng xe qua trạm không có vé lớn như này?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên giám sát các dự án BOT

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ra nghị quyết lập đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thưc hợp đồng - xây dựng - kinh doanh- chuyển giao (BOT)”.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang