Hà Nội: Lộn xộn hoạt động phòng khám tư

03/04/2018 09:46

(kiemsat.vn)
Hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Thủ đô đang bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng “đụng đâu sai đó” tại các phòng khám tư khiến nhiều người lo ngại về chất lượng dịch vụ y tế và sự an toàn của người bệnh.

Càng phạt càng… nhờn luật

Không thể phủ nhận, sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân đã giúp giảm tải cho các bệnh viện, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở chăm sóc sức khỏe có chất lượng với các dịch vụ khám chữa bệnh hợp lý thì tình trạng hoạt động “chui”; không niêm yết giá; “chặt chém” người bệnh; ghi chép hồ sơ, bệnh án không đầy đủ; không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực khám chữa bệnh; bác sĩ không có giấy phép hành nghề; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; cố tình “móc túi” người bệnh… vẫn diễn ra rất phổ biến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác kiểm tra phòng khám tư nhân Thiên Tâm (Ảnh: SGGP)

Như thông tin từ An ninh thủ đô, vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, CATP Hà Nội kiểm tra đột xuất một số phòng khám tư nhân có yếu tố người nước ngoài đã phát hiện hàng loạt sai phạm.

Kiểm tra tại phòng khám đa khoa Thiên Hòa ở Trung Hòa, Cầu Giấy, đoàn phát hiện một số hóa chất trong quá trình xét nghiệm không có hóa đơn, chứng từ. Việc ghi chép trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân còn chưa đầy đủ. Ngoài ra, việc niêm yết bảng giá dịch vụ còn thiếu, biển hiệu sai quy định.

Còn tại phòng khám đa khoa Đông Phương ở đường Quang Trung, quận Hà Đông, nhiều bông băng, gạc dùng trong điều trị không rõ nguồn gốc. Ngoài những ghi nhận về sai phạm trong hành chính, đoàn kiểm tra còn phát hiện đội ngũ nhân viên tư vấn online ở đây không đủ trình độ, chưa được đăng ký hành nghề nhưng vẫn nhận là bác sĩ và tư vấn điều trị bệnh.

Theo thông tin của TNVN, đại diện Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, thời gian qua, hàng loạt phòng khám tư sai phạm đã bị cơ quan chức năng xử tạm đình chỉ nhưng không ít cơ sở vừa bị xử phạt xong lại “nhởn nhơ” hoạt động. Đơn cử như trường hợp phòng khám Thiên Tâm (Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) cuối năm 2016 đã bị xử phạt 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng do thực hiện dịch vụ kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, ghi chép sổ sách bệnh án không đầy đủ, các mẫu hồ sơ không đúng quy định và không có đơn thuốc. Song đến tháng 4/2017, cơ sở này lại tiếp tục tái phạm.

Đầu tháng 3/2017, như Tuổi trẻ đưa tin, vụ việc thai phụ Trần Thị Thu Tr. ở Quảng Ninh tử vong sau khi khám phụ khoa tại phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) đã gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói, trước đó, phòng khám này từng bị “sờ gáy” và xử phạt tới 6 lần về các vi phạm hành chính (quảng cáo dịch vụ khám bệnh, bán thuốc khi chưa được cấp phép, sử dụng bác sĩ Trung Quốc hành nghề trái phép, sử dụng thuốc và thiết bị y tế nhập lậu…) nhưng vẫn tiếp tục được hoạt động cho đến khi xảy ra việc gây chết người này.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các phòng khám liên tục vi phạm vẫn ung dung tồn tại, thậm chí phát triển mạnh?

Những lỗ hổng cho vi phạm

Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã đưa ra các hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh với mức nộp phạt từ 200 nghìn đồng đến 80 triệu đồng (Mục 2, từ Điều 28 đến Điều 36). Nghị định đã tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan chức năng, người thực thi công vụ xử lý các vi phạm pháp luật hành chính liên quan đến lĩnh vực này. Nhưng không phải cơ sở nào cũng sợ xử phạt hành chính. Các phòng khám sẵn sàng nộp phạt rồi tái phạm vì lợi nhuận thu về lớn hơn nhiều số tiền nộp phạt.

Theo VOV, lý giải tình trạng “nhờn luật” của các cơ sở y tế tư nhân, ông Nguyễn Quang Trung (Trưởng Phòng hành nghề y dược, Sở Y tế Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ mạnh, hình phạt chưa đủ sức răn đe. Có vi phạm cơ quan chức năng được phép đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của bác sĩ, nhưng có những lỗi đoàn kiểm tra chỉ được lập biên bản, xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của bác sĩ hoặc phòng khám trong một thời gian nhất định. Quy định hiện hành chỉ cho phép đóng cửa phòng khám khi họ có giấy phép nhưng không hoạt động trong 12 tháng hoặc giấy phép hoạt động cấp không đúng thẩm quyền. Đó là một bất cập lớn  tạo “lỗ hổng” cho các cơ sở vi phạm.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đột xuất kiểm tra tại các phòng khám tư nhân (Ảnh: Sức khỏe đời sống)

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Thực tế cho thấy, muốn quản lý tốt hoạt động y tế tư nhân thì các cơ sở cần được kiểm tra ít nhất 3 tháng một lần, tránh tình trạng cơ sở cố tình khám chữa bệnh vượt giới hạn cho phép. Để đáp ứng yêu cầu đó, một loạt vấn đề cần đặt ra là: tăng cường nhân lực cho phòng y tế quận, huyện, thị xã; tăng cường tập huấn kỹ năng thanh tra, kiểm tra cho cán bộ y tế cơ sở; phối hợp giữa trạm y tế xã, phường trong việc phát hiện sai phạm của các cơ sở để có thể kịp thời xử lý sai phạm.

Cần quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương, bắt buộc chính quyền phải vào cuộc, đôn đốc công tác thanh kiểm tra các phòng khám, nhất là đơn vị đã phát hiện sai phạm.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra tại một Phòng khám tư (Ảnh: Vietnamnet)

Việc niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề của người hành nghề, danh sách nhân sự tham gia hành nghề tại cơ sở cũng như số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội ở những vị trí thuận lợi, dễ quan sát phải được các cơ sở y tế tư nhân chấp hành nghiêm chỉnh để phục vụ công tác giám sát của các cơ quan chức năng và của người dân.

Bên cạnh đó, công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề y, dược tư nhân cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước có liên quan theo phân cấp đối với hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn phụ trách, xử lý nghiêm đối với các cơ sở y tế có hành vi cố tình vi phạm hoặc vi phạm tái diễn nhiều lần các quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề.

Cuối cùng, việc nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân trong việc sử dụng dịch vụ này là hết sức quan trọng vì chính người dân là chủ thể quyết định sự tồn tại của các phòng khám. Nếu có sự chung tay, tham gia giám sát, quản lý hoạt động khám chữa bệnh của người dân thì tình trạng vi phạm sẽ giảm. 

Xem thêm bài viết >>>

http://kiemsat.vn/nha-bao-bi-hanh-hung-khi-nao-het-bat-an-49448.html

http://kiemsat.vn/tu-mot-vu-an-ngam-ve-cong-tac-phong-ngua-toi-pham-45749.html

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang