Từ một vụ án: ngẫm về công tác phòng ngừa tội phạm

31/03/2018 10:49

(kiemsat.vn)
Phòng ngừa tội phạm là không để tội phạm xảy ra, làm tốt công tác phòng ngừa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ngày 21/6/2017, TAND huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử sơ thẩm hình sự vụ án Cố ý gây thương tích đối với bị cáo Nguyễn Trọng Đại.

Vào lúc 23 giờ ngày 01/4/2016, Nguyễn Trọng Đại  đã đem theo cây và dao đến nhà của Thắng ở khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn để đánh nhau với Thắng. Trong lúc đánh nhau, Đại dùng dao đâm vào vùng hông của Thắng gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 11%. Vụ việc đang được giải quyết thì Đại tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và bỏ trốn, đến ngày 25/01/2017 bị bắt theo lệnh truy nã, ngày 26/4/2017 bị Tòa án nhân dân huyện Năm Căn xử phạt 03 năm tù về tội Trộm cắp tài sản. Qua xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đại 02 năm tù về tội Cố ý gây thương tích.

 

Bị cáo Đại trước vành móng ngựa

Bị cáo Đại sinh năm 1994, học đến lớp 5 thì nghỉ, không có nghề nghiệp, gia đình có đến bốn anh chị em đều có tiền án, tiền sự, riêng đối với Đại đến nay chỉ mới 23 tuổi nhưng đã có một “bề dày” nhiều tiền án, tiền sự.

Con đường vi phạm pháp luật rồi trở thành tội phạm của bị cáo Đại được bắt đầu từ khi chỉ mới 13 tuổi, và bị đưa đi trường giáo dưỡng. Vừa ra khỏi trường giáo dưỡng không được bao lâu lại tiếp tục trở vào, rồi cứ tiếp tục như thế cho đến khi Đại đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì lại vào tù chấp hành án, chấp hành xong án thì lại tiếp tục phạm tội rồi lại vào tù với các hành vi và tội phạm về trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh nhau, cố ý gây thương tích…Chỉ trong vòng 10 năm, Đại liên tục được cải tạo, giáo dục trong trường giáo dưỡng và trong nhà tù.

Có thể nhận thấy rằng, một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm đó chính là sự phát triển của nhiều tệ nạn xã hội, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ngày càng gia tăng; đối tượng phạm tội thường ở tuổi thanh niên, có trình độ học vấn thấp, đa số không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương rất khó tìm được việc làm, không nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, của cộng đồng để tái hòa nhập, vì vậy mà dễ tái phạm khi bị rủ rê lôi kéo.

Một số cấp ủy chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong phòng chống tội phạm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, chưa coi công tác này là nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cơ quan mà vẫn còn tư tưởng khoán trắng cho lực lượng chức năng, để cho đến khi tội phạm xảy ra rồi mới đẩy chuyển cho các cơ quan tư pháp xử lý; các giải pháp phòng ngừa xã hội, biện pháp kinh tế, giáo dục chưa được phối hợp chặt chẽ nên việc giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phát sinh phạm tội còn hạn chế; công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội, người vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư hiệu quả còn thấp; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả chưa cao, trong đó vai trò của tổ chức đoàn thanh niên chưa thật sự phát huy hiệu quả, thiếu sự phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn để điều tra, nắm bắt tình hình, phân loại đối tượng thanh niên để kết hợp với gia đình có biện pháp động viên, giáo dục, quản lý phù hợp.

Cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ là nhiệm vụ riêng của Công an, Viện kiểm sát hay Tòa án mà đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Chính vì vậy để nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm thì giải pháp căn bản là cần phải tạo công ăn việc làm, hạn chế tình trạng thất nghiệp, không có việc làm ổn định. Các cấp chính quyền địa phương cần có chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân, ưu tiên giải quyết việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng đã chấp hành xong hình phạt tù, đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng về, đây là giải pháp rất quan trọng, làm tốt công tác này không những giải quyết được các vấn đề xã hội mà còn xóa bỏ những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

Các lực lượng công an cần tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, quản lý nhân hộ khẩu, thường xuyên kiểm danh, kiểm diện, gọi hỏi răn đe, giáo dục các đối tượng thuộc diện quản lý; các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là tổ chức đoàn thanh niên phải phát huy hơn nữa vai trò xung kích trong tham gia phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, chú trọng công tác quản lý đoàn viên, thanh niên, tăng cường các hoạt động giao lưu kết nghĩa với các đơn vị trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, hướng thanh niên vào các hoạt động có ích, đồng thời cảm hóa, giúp đỡ thanh niên vi phạm tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng, động viên họ tích cực rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

                                                                       Phạm Thị Hồng Yến

                                                                   VKSND huyện Năm Căn

LL

Nguyễn Văn A phạm tội Cố ý gây thương tích?

(Kiemsat.vn) - Dùng dao đâm người gây thương tích 40% trong khi giải quyết mâu thuẫn về đất đai, bị cáo bị TAND huyện Đ xử phạt 15 tháng tù tội Cố ý gây thương tích. Quyết định này của TAND huyện Đ đã áp dụng đúng tội danh đối với bị cáo?
lên đầu trang