Nhà báo bị hành hung: Khi nào hết bất an?

30/03/2018 13:55

(kiemsat.vn)
Hơn lúc nào hết, mỗi phóng viên, nhà báo cần một điểm tựa để xả thân tác nghiệp. Nếu việc hành hung nhà báo không được loại trừ, sẽ làm giảm nhiệt huyết chống tiêu cực trong mỗi cây bút, khi những tổn thương và áp lực vẫn đè nặng lên họ.

Khốn đốn.... vì tác nghiệp

Mấy năm trở lại đây, liên tiếp xảy ra việc phóng viên, nhà báo bị hành hung, cản trở trong quá trình tác nghiệp. Rất nhiều vụ việc đã làm dậy sóng dư luận.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Ngày 6/11/2016, phóng viên của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và phóng viên chuyên trang Pháp Luật Plus của Báo Pháp luật Việt Nam phải nhập viện cấp cứu do bị một nhóm côn đồ vây đánh khi đang thu thập thông tin tại khu giết mổ động vật tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).Như báo Lao động đưa tin, ngày 23/3/2016, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung ở khu vực chung cư Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), phải nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, một ngón tay bị dập nát.

Ngông cuồng hơn là các đối tượng trong vụ việc ba phóng viên của Báo Long An và Đài PT-TH Long An bị hăm dọa, chửi bới, tấn công ngày 27/9/2017 khi đang chụp hình, quay phim về tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa.

Một vụ việc rất đáng chú ý khác xảy ra vào ngày 11/3/2018, phóng viên Hứa Vĩnh Nhân báo Giao thông bị một nhóm 5-6 người giam giữ, đánh đập suốt 2 giờ đồng hồ khi thu thập thông tin tại quán Bar Lost and Found quận Hải Châu (Đà Nẵng).

Cùng ngày, trong lúc điều tra phản ánh tình trạng khai thác quặng trái phép tại rừng đầu nguồn xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh), 2 phóng viên của báo Khánh Hòa là Tạ Văn Long và Phạm Thế Anh đã bị nhiều đối tượng côn đồ giam lỏng, đánh đập và phá điện thoại.

Mới đây nhất là trường hợp phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay bị một đối tượng chặn xe đánh vào mặt đòi đập máy ảnh, ép xóa ảnh khi đang ghi hình xe quá tải tung hoành ở khu dân cư tại TP.Quy Nhơn (Bình Định). Đối tượng dùng những lời lẽ thóa mạ và liên tục dùng dao dọa “chém đứt người” phóng viên.

Trao đổi với báo Nông thôn ngày nay, Luật sư Võ Công Hạnh - Công ty luật Công Khánh (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế) nêu quan điểm: “Hành vi côn đồ hung hãn này có dấu hiệu cấu thành tội Đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017)”.

Những vụ “khủng bố” nhà báo có chiều hướng gia tăng cả về mức độ lẫn tần suất, gây bức xúc trong dư luận xã hội nói chung và đội ngũ những người làm báo nói riêng nhiều năm nay.

Đáng lo ngại hơn, hành vi đe dọa, khủng bố, trả thù không chỉ nhằm trực tiếp vào phóng viên mà còn với cả gia đình họ. Một phóng viên từng bị hành hung cho biết: “Sau sự việc, bản thân tôi và gia đình chịu áp lực lớn và đảo lộn hoàn toàn cuộc sống. Hiện tôi vẫn cảm thấy hoang mang và chưa thể quay về công việc như bình thường”.

Phóng viên VTV bị cản trở tác nghiệp, phá hỏng máy quay hơn tỉ đồng (nguồn internet)

Vì đâu nên nỗi?

"Bạo lực” thường xảy ra khi nhà báo tác nghiệp chống tiêu cực. Những đối tượng liên quan rất liều lĩnh, sẵn sàng "lấy tính mạng" của các phóng viên để xóa bằng được chứng cứ nhằm che đậy, bưng bít hoạt động phi pháp.

Có thể nói, hành vi xâm phạm sức khỏe, tinh thần, danh dự và nhân phẩm người làm báo gây thiệt hại cho cả xã hội. Bởi tấn công nhà báo là can thiệp vào quyền được tiếp cận thông tin của người dân và sự tôn nghiêm của pháp luật... Nhiều vấn đề bất cập của đời sống sẽ vẫn nằm trong góc tối nếu hoạt động của nhà báo bị đe dọa, cản trở.

Sự thờ ơ của một số cơ quan chức năng khiến nhiều vụ việc “chìm xuồng”, rơi dần vào quên lãng. Đó là nguyên nhân khiến “nạn” tấn công nhà báo ngày càng táo tợn hơn. Nhiều nhà báo và gia đình họ vẫn phải sống, làm việc trong sự lo lắng, thấp thỏm. 

Luật pháp Việt Nam có đầy đủ quy định để bảo vệ nhà báo. Vậy tại sao, nhiều vụ hành hung người làm báo không bị nghiêm trị đến nơi đến chốn? Việc xử lý vi phạm thường nghiêng về các biện pháp hành chính khiến dư luận không đồng tình. Đơn cử như với trường hợp phóng viên Đài phát thanh truyền hình Long An và báo Long An bị hành hung tại khu vực Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa khá nghiêm trọng vừa qua, hai đối tượng vi phạm chỉ phải chịu mức xử phạt hành chính mỗi người 750.000 đồng về “hành vi đánh nhau”.

Ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Qua công tác kiểm tra của Hội nhận thấy, việc các nhà báo bị tấn công mức xử lý đưa ra còn quá nhẹ, hoặc giải quyết không thỏa đáng, không đủ sức răn đe. Một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm hoặc làm cho qua chuyện. Có những vụ việc, cho đến nay, Hội vẫn chưa nhận được hồi âm dù đã nhiều lần gửi công văn đôn đốc yêu cầu điều tra”, theo thông tin của Thanh niên.

Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng nhà báo bị cản trở, hành hung, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. 

Bản thân mỗi nhà báo cũng phải sẵn sàng tinh thần tự vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp. Nâng cao các kỹ năng xử lý tình huống đối với những sự vụ “nóng”, nhạy cảm, có liên quan đến các đối tượng manh động, côn đồ hung hãn. Với những vụ việc như vậy, nhà báo nên đi theo nhóm, hoặc có thể phối kết hợp với chính quyền địa phương. Nếu quá trình hành nghề phát hiện ra những dấu hiệu, nguy cơ mất an toàn của bản thân như bị đe dọa thì có thể thông báo với Cơ quan chủ quản và Cơ quan Công an để có những biện pháp điều tra kịp thời ngăn chặn.

Luật Báo chí sửa đổi (có hiệu lực từ 01/01/2017) và Luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ 1-7-2018) là cơ sở giúp các nhà báo có thêm hành lang pháp lý an toàn, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi thực thi nhiệm vụ. Cụ thể tại khoản 12, Ðiều 9 về "Các hành vi bị nghiêm cấm", Luật Báo chí quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: "Ðe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật".

Trước đó, ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 159/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, khoản 1, 2, 3 Ðiều 7 của Nghị định về "Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí" quy định:

"1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;

b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;

c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên".

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang