Hà Nội: Ẩn họa từ “điểm đen” đường ngang dân sinh

16/08/2018 14:28

(kiemsat.vn)
Những điểm giao cắt, đường ngang dân sinh bất hợp pháp khiến hiểm họa luôn rình rập. Tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu người và phương tiện tham gia giao thông thiếu quan sát khi tàu chạy qua.

Tai nạn trực chờ

Đường ngang dân sinh là khu vực người dân sinh sống, qua lại hàng ngày. Tuy nhiên, có nhiều đường ngang do người dân tự mở trái phép, theo thời gian, những lối đi tắt trở thành đường đi cố định, vô hình trung trở thành tiền lệ xấu. Việc mở đường ngang dân sinh trái phép đang là rào cản cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, dẫn đến nhiều bất cập trong tổ chức giao thông. Mặt khác, do mở chui, tạm bợ nên chỗ tiếp giáp đường sắt thường lồi lõm, xe qua lại rất dễ bị đổ, ngã hoặc chết máy, chỉ trong tích tắc có thể gặp "tử thần" khi tàu hỏa tới.

Tại một đoạn đường ngang dân sinh trên đường Phùng Hưng (Hà Nội), người dân còn bắc ván để dễ bề đi lại (Ảnh: Vietnam+)

Hà Nội là một trong những địa phương có mạng lưới đường sắt lớn nhất cả nước với chiều dài khoảng 160km.

Tuy nhiên, hiện hầu hết các tuyến đều chưa có hành lang riêng, thậm chí nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến đường sắt còn đùa giỡn, hóng mát, sửa xe máy, làm đồ gỗ… ngay trên đường ray, vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn giao thông đường sắt. Theo ghi nhận của Lao động thủ đô, dọc theo các tuyến đường sắt trên địa bàn Hà Nội có 580 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Trong số này chỉ có 184 điểm giao cắt hợp pháp phòng vệ bằng người gác. Còn lại, có tới 396 điểm dân sinh tự phát và không có phòng vệ cảnh báo. 

Dù lực lượng chức năng đã huy động nhân lực, thực hiện tuần tra tuyến và cắt cử cán bộ trực chốt tại các điểm giao cắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao nhưng nhiều vụ tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra. 

Hệ lụy là những vụ tai nạn do va chạm với tàu hỏa xảy ra ở những “điểm đen” giao cắt với đường ngang dân sinh (Ảnh: VTC)

Ghi nhận của báo Pháp luật VN, dọc theo đường Ngọc Hồi (đoạn từ chùa Tứ Kỳ đến cầu Văn Điển) thuộc địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì, Hà Nội có hàng chục đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt. Nhưng số đường ngang có người gác chắn barie cảnh báo phương tiện dừng khi có đoàn tàu chạy qua rất ít. Dọc đường sắt còn có lối vào các khu dân cư, người đi đường vô tư, thoải mái băng qua đường tàu hỏa.

Vào khoảng 0h45 ngày 28/5/2018, tại tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Văn Điển (Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hàng số hiệu 7301 với ôtô tải BKS 29H-005xx. Cú đâm của đoàn tàu đã khiến ôtô tải bị mắc kẹt vào đầu máy tàu. Hay vụ va chạm tương tự khác giữa tàu chở hàng đang lưu thông theo hướng Bắc - Nam với xe ôtô mang biển số 17A-025.46 vào khoảng 22h45 ngày 27/4/2018, tại đoạn đường sắt khu vực cầu Quán Gánh (xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội). Nguyên nhân đều do xe tải băng qua đường sắt tại đường ngang tự mở, lái xe thiếu quan sát khi có tàu tới.

Trước đó, vào khoảng 15h40 ngày 6/2/2018, một vụ tai nạn tàu hoả nghiêm trọng đã xảy ra tại đoạn đường bộ giao với đường sắt trên đường Lê Duẩn (Hà Nội), khiến 1 người đàn ông tử vong tại chỗ….

Không chỉ ở Hà Nội, thực trạng đường ngang trái phép còn phổ biến trên cả nước và là nguyên nhân chính trong những vụ tai nạn thương tâm nhiều năm qua.

Theo Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện cả nước có 5.726 đường ngang dân sinh và lối đi dân sinh, nhưng chỉ có 1.511 đường ngang hợp pháp. Có đến 4.211 lối đi, đường ngang dân sinh không được cấp có thẩm quyền cho phép, không nằm trong quy hoạch và không có biển cảnh báo.

Kiên quyết xóa các điểm “thần chết”

Vietnamplus đưa tin, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đảm bảo an toàn giao thông sáu tháng đầu năm 2018 vào ngày 05/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình khẳng định dứt khoát phải xóa sổ đường ngang trái phép: “Các đơn vị liên quan cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt; xây dựng đề án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”.

Đường ngang dân sinh là những "điểm đen" về tai nạn giao thông (Ảnh: internet).

Chỉ ra tồn tại cố hữu của các vụ tai nạn giao thông đường sắt, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, nhiều địa phương chưa tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí; nguồn vốn do Nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang.

Thừa nhận công tác triển khai các đường gom, xóa bỏ đường ngang dân sinh, bảo đảm hành lang an toàn giao thông gặp rất nhiều khó khăn, theo ông Khuất Việt Hùng, hiện chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt; thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. 

“Nếu không làm xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thì sẽ vẫn còn tai nạn. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chưa nhận thấy xử lý đối với hộ dân, cá nhân tổ chức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã, huyện theo quy định pháp luật về vi phạm hành lang an toàn với đường sắt...,” ông Hùng nhấn mạnh, dẫn theo Vietnamplus .

Nhiều người dân ở Thường Tín, Hà Nội sinh hoạt ngay trên đường sắt (Ảnh: Báo Giáo dục và thời đại)

Trong khi hạ tầng giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô chưa đồng bộ, ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông cũng là yếu tố rất đáng lo ngại. Vượt gác chắn, qua đường ngang không quan sát, không chấp hành hiệu lệnh của người cảnh giới… là những vi phạm thường thấy tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt. Vì vậy, ngoài việc xóa các “điểm đen” giao cắt với đường ngang dân sinh, người dân sống ven các tuyến đường sắt và người tham gia giao thông cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về giao thông, tuân thủ hiệu lệnh của lực lượng chức năng và tín hiệu đèn cảnh báo giao thông đường sắt. 

Điều 25, Luật Giao thông đường bộ đã qui định những trường hợp cụ thể theo đặc điểm từng đường ngang: “Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước”. Để bảo vệ tính mạng bản thân, người lưu thông qua những đoạn đường giao nhau này nên cảnh giác, cẩn trọng quan sát và chủ động nhường tàu như Luật định.

Điều quan trọng là phải có sự phối hợp giữa ngành đường sắt và chính quyền địa phương nơi có đường sắt hay điểm giao cắt. Trên tinh thần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan cần chung tay đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết chấm dứt hoạt động của các lối đi bất hợp pháp.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền giáo dục các quy định về an toàn giao thông đường sắt, đưa nội dung, quy định liên quan vào đào tạo trong các cấp học cũng cần được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đường sắt 2017, đến năm 2020, các đơn vị quản lý đường sắt phải hoàn thành hồ sơ quản lý đối với các đường ngang dân sinh tự mở; tập trung xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao; thu hẹp chiều rộng xuống dưới 03 mét đối với toàn bộ các lối đi tự mở có chiều rộng từ 03 mét trở lên. Đến năm 2025 hoàn thành xóa bỏ toàn bộ các đường ngang dân sinh qua đường sắt.

Xem thêm>>>

Biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tai nạn đường sắt

Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động, đảm bảo an toàn đường sắt

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang