Giới thiệu một số nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử

17/08/2023 17:09

(kiemsat.vn)
Ngày 22/6/2023, Quốc hội đã ban hành Luật số 19/2023/QH15, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Trong đó có một số nội dung mới đáng chú ý:

Luật mới không quy định về nội dung của giao dịch điện tử

Điều 1 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 nêu rõ, luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử và không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch điện tử. Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Như vậy, giao dịch điện tử trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử

Điều 6 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định có 08 hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử: (1) Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (2) Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; (3) Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; (4) Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; (5) Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật; (6) Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; (7) Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; (8) Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

Bổ sung điều kiện chuyển đổi văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu

Một điểm mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 là việc bổ sung thêm quy định về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 12, thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các điều kiện:

- Thông tin trong đó được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy;

- Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu.

- Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.

- Trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì phải có thêm chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thêm loạt quy định mới về chứng thư điện tử

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã sửa khái niệm về chứng thư điện tử. Theo quy định mới, chứng thư điện tử là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử (Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phát hành nhằm xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử).

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định về giá trị pháp lý của chứng thư điện tử (Điều 19): Thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện: Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành; thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh và trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.

Chữ ký số có thể được xác định là chữ ký điện tử

Khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, chữ ký số được công nhận là chữ ký điện tử nếu đáp ứng đủ các điều kiện:

- Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu

- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận.

- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký.

- Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện.

- Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số.

- Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần; không làm thay đổi dữ liệu cần ký.

"Dịch vụ tin cậy" lần đầu được đưa vào luật nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử

Đây là một loại dịch vụ mới được ghi nhận tại Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Theo Điều 28 của Luật, dịch vụ tin cậy bao gồm: Dịch vụ cấp dấu thời gian; dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu; dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

Điều 31 của Luật quy định: Tổ chức kinh doanh dịch vụ tin cậy cần thực hiện các trách nhiệm như: Công bố công khai quy trình đăng ký sử dụng dịch vụ, biểu mẫu và chi phí liên quan; bảo đảm kênh tiếp nhận thông tin và cung cấp dịch vụ liên tục 24/24 và 07 ngày trong tuần; thực hiện chế độ lưu trữ hồ sơ, tài liệu và kết nối, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo bằng phương tiện điện tử; bảo đảm trang thiết bị trong hệ thống thông tin được cấp mã quản lý, sẵn sàng kết nối kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về dịch vụ tin cậy…

Về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử

Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử. Luật quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Điều 36 của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử: Các bên có quyền thỏa thuận sử dụng thông điệp dữ liệu, phương tiện điện tử một phần hoặc toàn bộ trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó và việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ quy định của lật này, quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước gồm: Giao dịch điện tử trong nội bộ cơ quan nhà nước; giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về dữ liệu mở, Điều 43 của Luật quy định, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ. Cơ quan nhà nước công bố dữ liệu mở để cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Về hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, Điều 44 của Luật quy định: Cơ quan nhà nước phải bảo đảm kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc kết quả hoạt động công vụ khác không thuộc phạm vi bí mật nhà nước đều có văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản giấy, có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh. Cơ quan nhà nước phải tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; các lĩnh vực hoạt động của cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra; cơ quan nhà nước phải sẵn sàng phương án trong tình huống khẩn cấp, trong tình huống xảy ra sự cố gián đoạn hoạt động trên môi trường mạng trực tuyến và phương án ứng cứu, khắc phục sự cố, duy trì hoạt động giao dịch bình thường và cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của pháp luật để tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử

So với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã bổ sung quy định cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quán hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử đặc biệt là với các nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử có quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam lớn và rất lớn...

Theo đó, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử được phân loại theo chủ quản hệ thống thông tin; chức năng, tính năng của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam.

Về tài khoản giao dịch điện tử, Luật quy định: Tài khoản giao dịch điện tử được sử dụng để thực hiện giao dịch điện tử, nhằm lưu trữ lịch sử giao dịch và bảo đảm chính xác trình tự giao dịch của chủ tài khoản, có giá trị chứng minh lịch sử giao dịch của các bên tham gia theo quy định tại khoản 4 Điều này. 

VKSND tỉnh Thanh Hoá phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã

(Kiemsat.vn) - Ngày 13/8/2023, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, thực hiện khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Đinh Xuân Hướng, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Như Thanh (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã) và Nguyễn Mạnh Sơn (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sông Mã) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Khai mạc phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 14/8/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 25 để xem xét cho ý kiến về 20 nội dung và tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Theo chương trình, phiên họp lần thứ 25 diễn ra trong thời gian 7 ngày chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 14 đến ngày 18/8, đợt 2 từ ngày 24 đến ngày 25/8.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang