Giải pháp hạn chế việc Tòa án hủy án để điều tra, xét xử lại

12/01/2017 02:24

Những năm qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉ lệ án Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên hủy, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại có giảm nhưng chưa bền vững và chưa đồng đều ở các đơn vị. Để nâng cao hiệu quả công tác này, chúng tôi nhận diện một số dạng vi phạm trong việc VKS truy tố, Tòa cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại và đưa ra giải pháp nhằm hạn chế việc Tòa án hủy án để điều tra, xét xử lại.

Vi phạm thủ tục tố tụng hình sự

Vi phạm, thiếu sót trong việc không mời Luật sư, người bào chữa trong các trường hợp pháp luật quy định; định giá tài sản chiếm đoạt không đúng quy định pháp luật; xử lý vật chứng không đúng quy định tại Điều 76 BLTTHS, vi phạm trong việc giám hộ; không trưng cầu giám định đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại khoản 3 Điều 155 BLTTHS.

Vụ án: Ngày 25.7.2016, tại phiên toà hình sự phúc thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án Lê Ngọc Khoa cùng đồng bọn phạm tội “Cướp tài sản” theo Điều 133 BLHS vì vi phạm thủ tục tố tụng. Nội dung vụ án: Ngô Xuân Khánh, Phạm Tấn Lực, Trần Hoàng Dinh, Nguyễn Hữu Trịnh, Nguyễn Thành Quang, Nguyễn Hữu Tài, Lê Ngọc Khoa, Võ Công Thành, Hà Nam Thắng, Trần Minh Tiến và Nguyễn Hoàng Lộc có mối quan hệ bạn bè quen biết với nhau, chơi chung một nhóm và rủ nhau lên Công viên 29/3, thuộc phường Thạc Gián , quận Thanh Khê, Tp Đà Nẵng đánh các cặp nam nữ đang tâm sự để cướp tài sản.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKSND Tp Đà Nẵng thấy rằng các bị cáo đều là người chưa thành niên phạm tội. Trong đó, có các bị cáo Võ Công Thành, Lê Ngọc Khoa và Nguyễn Thành Quang (sinh năm 2000) trong quá trình điều tra, hỏi cung đều yêu cầu Cơ quan điều tra chỉ định Luật sư bào chữa và cơ quan điều tra đã cấp Giấy chứng nhận Luật sư bào chữa cho các bị can. Tuy nhiên, từ ngày cấp Giấy chứng nhận Luật sư cho đến khi kết thúc điều tra vụ án (2 tháng), CQĐT không tiến hành hỏi cung các bị can để cho các luật sư tham gia bảo vệ cho các bị can cũng như các bị can có đồng ý với Luật sư đã được chỉ định bảo vệ cho mình hay không. Hồ sơ không thể hiện cơ quan điều tra có thông báo cho Luật sư biết kết luận hành vi của các bị can phạm vào tội gì. Như vậy là trái với quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS và Điều 58 BLTTHS, Điều 9 Chương II Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12.07.2011 và Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02.10.2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là không  đảm bảo quyền lợi của các bị can và quyền, nghĩa vụ của luật sư khi tham gia bào chữa cho các bị can là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Tại phiên toà phúc thẩm, KSV đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 250 BLTTHS tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm số 41/2016/HSST ngày 15.04.2016 của Toà án nhân dân quận Thanh Khê để điều tra lại từ đầu đối với các bị cáo Lê Ngọc Khoa, Nguyễn Hữu Tài, Võ Công Thành, Nguyễn Thành Quang và không xét đơn kháng cáo của các bị cáo. Hội đồng xét xử phiên toà phúc thẩm đã tuyên hủy 1 phần bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với vụ án trên.

Bị cáo phạm một tội khác hoặc có người đồng phạm

Một số vụ án thể hiện các dạng như sau: Yêu cầu thay đổi tội danh vì cho rằng bị can phạm một tội khác với tội danh VKS đã truy tố; yêu cầu khởi tố bổ sung vì cho rằng còn bỏ lọt người phạm tội và hành vi phạm tội; còn vụ án Toà án trả hồ sơ để yêu cầu truy tố người đồng phạm khác vì cho rằng còn bỏ lọt người phạm tội.

Vụ án: Ngày 25.5.2016, tại phiên toà hình sự phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án Nguyễn Thị Yến phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS vì bỏ lọt tội phạm. Nội dung: Nguyễn Thị Yến không có nghề nghiệp ổn định, không có khả năng xin việc làm và thẩm quyền bố trí công việc cho người khác nhưng Yến tự giới thiệu với mọi người là kế toán trưởng tại Sở xây dựng thành phố Đà Nẵng. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2013 đến tháng 12/2014, Yến lợi dụng sự tin tưởng của người khác, đã nhiều lần nhận tiền xin việc làm của nhiều người rồi chiếm đoạt tiền sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân. Sau khi nhận tiền, Yến không có hành động cụ thể nào để xin việc mà hứa hẹn nhiều lần nhằm trốn tránh, không chịu hoàn trả lại tiền. Tổng số tiền Nguyễn Thị Yến chiếm đoạt của các bị hại là 444.500.000 đồng.Bản án hình sự sơ thẩm số 22/2016/HSST ngày 05.03.2016 của TAND quận T áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 BLHS xử phạt Nguyễn Thị Yến 09 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 14.03.2016, bị cáo Nguyễn Thị Yến có đơn kháng cáo xin được xét xử theo trình tự phúc thẩm để giảm nhẹ hình phạt.Những người bị hại là bà Phan Thị Thu, bà Trần Thị Như Ý, bà Trần Thị Thu Thúy, bà Lê Nguyễn Minh Nghĩa có đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xem xét vai trò của Nguyễn Thế Hùng (chung sống như vợ chồng với bị cáo Yến).

Tại phiên toà phúc thẩm ngày 25.5.2016, Nguyễn Thị Yến và Nguyễn Thế Hùng cùng khai nhận việc cùng nhau lừa đảo xin việc nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại, trong hồ sơ vụ án cũng có tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi trên của Nguyễn Thế Hùng. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố đã phát biểu quan điểmcho rằng: hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo và người bị hại thấy rằng việc không xét đến hành vi phạm tội của Nguyễn Thế Hùng trong vụ án này là thiếu sót; các cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố để điều tra, xử lý Nguyễn Thế Hùng theo pháp luật là bỏ lọt tội phạm. Hội đồng xét xử phiên toà phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với vụ án trên.

Những sai sót nêu trên có nhiều nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về  các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có trách nhiệm của VKS và Kiểm sát viên.

Nguyên nhân chủ quan:

– Năng lực, trình độ của một số Kiểm sát viên còn hạn chế khi được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiềm sát điều tra vụ án do đó, trong quá trình kiểm sát điều tra vụ án còn lúng túng, chưa bám sát được tiến độ điều tra, không kịp thời phát hiện những chứng cứ còn thiếu hoặc phát hiện những vi phạm trong quá trình thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra kịp thời.

– Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra vụ án chưa làm hết trách nhiệm; một số trường hợp như: Trưng cầu giám định trong trường hợp theo quy định pháp luật bắt buộc phải trưng cầu giám định nhưng CQĐT không thực hiện mà KSV không phát hiện kịp thời để ban hành yêu cầu điều tra hoặc việc xác định những vấn đề quan trọng về nhân thân của bị can, bị cáo  trong một số loại án… đây là lỗi chủ quan của KSV.

– Một số đơn vị phân công KSV kiểm sát điều tra vụ án chưa phù hợp với trình độ, năng lực và kinh nghiệm; Lãnh đạo Viện trực tiếp chỉ đạo giải quyết án chưa sâu sát hoạt động của KSV kiểm sát điều tra, thiếu kiểm tra tiến độ nên hiệu quả chỉ đạo còn hạn chế và không kịp thời, do vậy, vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra chậm được khắc phục. Việc triển khai thực hiện chuyên đề nghiệp vụ còn mang tính hình thức; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, thiếu tác dụng giáo dục.

Nguyên nhân khách quan:

– Tính chất thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, có nhiều bị can tham gia và hành vi phạm tội xảy ra, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm; nhiều loại tội phạm mới xuất hiện, nhiều thủ đoạn phạm tội mới được thực hiện, nhiều vụ án liên quan đến các hoạt động chuyên ngành rất phức tạp hoặc có liên quan đến nước ngoài… trong khi hoạt động giám định ở một số lĩnh vực chuyên ngành chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

– Quan điểm đánh giá về chứng cứ, tội danh, đường lối xử lý còn thiếu thống nhất giữa những người tiến hành tố tụng và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là đối với những vụ án lớn phức tạp.

– Quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự có nhiều vấn đề còn bất cập so với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; công tác hướng dẫn, giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên và đồng bộ, dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất, …

Một số giải pháp:

Một là, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và trình độ của KSV; lựa chọn phân công KSV kiểm sát điều tra phù hợp; lưu ý khi phân công các KSV chưa có kinh nghiệm (như mới bổ nhiệm hoặc luân chuyển từ khâu công tác khác sang… ), phân công KSV có năng lực và kinh nghiệm trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra ngay từ khi CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Hai là, KSV được phân công phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu để kiểm sát chặt chẽ việc phê chuẩn và chủ động đề ra yêu cầu điều tra. Phải bám sát tiến độ điều tra, đề ra yêu cầu điều tra nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót về chứng cứ hoặc vi phạm tố tụng. Trước khi kết thúc điều tra vụ án, KSV phải phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên rà soát lại toàn bộ chứng cứ buộc tội chứng cứ gỡ tội và các thủ tục tố tụng đối với vụ án, bị can; khi cần thiết có thể trực tiếp cùng với Điều tra viên hỏi bản cung tổng hợp để đánh giá đầy đủ tính chất; mức độ phạm tội của từng bị can trong vụ án. Đồng thời, khắc phục những thiếu sót, sơ hở trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu để kết luận hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án. Sau khi kết thúc điều tra, KSV tiếp tục nghiên cứu kỹ hồ sơ, phát hiện kịp thời những mâu thuẫn trong vụ án; thực hiện việc phúc cung tổng hợp đối với từng bị can, nhất là đối với những bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chối tội, phản cung hoặc có mâu thuẫn giữa các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để từ đó đề xuất đường lối xử lý vụ án, bị can có căn cứ và thận trọng.

Ba là,  đối với từng vụ án bị Tòa án hủy, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hoặc đình chỉ có trách nhiệm của KSV cần nghiêm túc kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân (KSV, Lãnh đạo Viện chỉ đạo).

Bốn là, khi kiểm sát một số hoạt động điều tra,KSV cần lưu ý:Các dạng vi phạm, sai sót thường gặp; yêu cầu điều tra cần làm rõ có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của bị can không (có biểu hiện không bình thường về thần kinh …); đối với vụ án có đông người tham gia hoặc liên quan, KSV cần thận trọng đánh giá chứng cứ để cùng điều tra viên xác định diện khởi tố; cần thận trọng khi phê chuẩn khởi tố bị can đối với các tội phạm có cấu thành tội phạm có dấu hiệu gần giống nhau; vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; trong quá trình giải quyết vụ án có khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, phương hướng điều tra tiếp, đường lối xử lý hoặc sự nhận thức khác nhau về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì KSV cần kịp thời báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo Liên ngành cùng cấp để thống nhất giải quyết; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Liên ngành cấp trên./.

Tác giả: Hữu Linh

VKSND thành phố Đà Nẵng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang