Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Rực rỡ sắc màu

03/12/2018 15:48

(kiemsat.vn)
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 vừa diễn ra trong 3 ngày, từ 30/11 đến 2/12/2018. Đây là cơ hội cho ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên phát triển và cũng là dịp để du khách được đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng - di sản phi vật thể của nhân loại.

Festival văn hóa cồng chiêng năm 2018 là ngày hội lớn của các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức tại Gia Lai. Ảnh Đình Văn

Lễ khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018 bắt đầu với chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Huyền thoại đất và người Gia Lai; cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên; cồng chiêng Tây Nguyên nhịp nối những trái tim với 11 màn ca vũ tiếp nối nhau. Chương trình thu hút hàng nghìn người tham dự, mang đến một không khí lễ hội tưng bừng nơi phố núi.

Lễ khai mạc đầy sắc màu văn hóa của người Tây Nguyên. Ảnh Đình Văn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự Lễ khai mạc Festival. Ảnh Đình Văn

Đời sống người Tây Nguyên gắn liền với cồng chiêng và săn bắn. Ảnh Đình Văn

Tiếng cồng chiêng ngân lên giữa đại ngàn Tây Nguyên trong đêm khai mạc. Ảnh Đình Văn

Đây là lần thứ 2 lễ hội Festival Văn hóa Cồng chiêng được tổ chức tại Tây Nguyên. Bên cạnh các chương trình ca múa nhạc, các hoạt động đặc sắc khác như: Phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống; trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian; triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc Việt Nam; công bố tour du lịch cộng đồng; tổ chức khảo sát du lịch và tọa đàm “Liên kết phát triển tour du lịch Gia Lai với các địa phương”; cà phê đường phố; ẩm thực Tây nguyên và ẩm thực 3 miền… cũng đã diễn ra.

Nằm trong chương trình Festival Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên còn diễn ra lễ hội đường phố vô cùng đặc sắc. Hơn 26 đoàn nghệ nhân thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng và 17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai Các vừa diễu hành vừa trình diễn nhạc cụ và đi cà kheo, diễn tấu cồng chiêng trên đường.

Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Gia Lai tổ chức, để lại nhiều ấn tượng đẹp. Ảnh Đ.K.T

Nền văn hóa bản địa sẽ được truyền lại cho lớp trẻ, kế cận. Ảnh Đ.K.T

Du khách mãn nhãn những điệu múa cồng chiêng của người Tây Nguyên. Ảnh Sơn Trịnh

Những cô gái, chàng trai say đắm bên điệu múa cồng chiêng. Ảnh Đình Văn

Trang phục cổ xưa của người bản địa được tái hiện tại Festival. Ảnh Đ.K.T

Không gian văn hóa cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm là hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là sản phẩm du lịch bản địa.

Tổng hợp theo báo Lao động

Xem thêm>>>

Hà Nội: Tháng 6 với “Lời ru từ đại ngàn Tây Nguyên” 

Nhớ tháng 3 Tây Nguyên năm ấy

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang