Dự án BT gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước: Do lỗ hổng pháp lý hay thiếu minh bạch?

06/08/2018 10:21

(kiemsat.vn)
Rất nhiều Dự án BT “nổi tiếng” khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả của các dự án BT này cũng như cái giá phải trả liệu có tương xứng, phải chăng Nhà nước và xã hội đã thất thoát một nguồn lực khổng lồ?

Để việc phát triển hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, hệ thống thoát nước, các công trình phúc lợi xã hội được nhanh chóng, đáp ứng các nhu cầu sử dụng hạ tầng của xã hội phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, hình thức hợp tác đầu tư đối tác công  tư PPP đều được các nước sử dụng như là một giải pháp giải bài toán phát triển hạ tầng nhanh chóng trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế. Hình thức thức này nhằm giúp Nhà nước không phải bỏ ra một nguồn vốn ngay lập tức, do chưa tích lũy được, và xã hội có hạ tầng dùng ngay để phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế, xã hội. Hình thức đầu tư đối tác công tư ở Việt Nam được ưa chuộng nhất là hình thức đầu tư BT (Xây dựng - Chuyển giao) mà biểu hiện cụ thể là các dự án “đổi đất lấy hạ tầng”. 

Ảnh minh họa

Những dấu hỏi về các Dự án BT

Theo Báo Tiền phong, qua công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã “chỉ mặt” hàng loạt dấu hiệu buông lỏng quản lý, dẫn đến thất thoát tài sản thông qua việc duyệt quỹ đất đối ứng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án BT.

Số liệu được công bố  cho thấy, hàng loạt các Dự án BT đội vốn so với lúc ký kết Hợp đồng như Dự án nút giao thông Long Biên; Dự án đường nối Lê Đức Thọ - Xuân Phương, dự án đường trục Nam Hà Tây, Dự án Nhà máy xử  lý nước thải Yên Sở…

Thế nhưng, các dự án đổi đất lấy hạ tầng đều được Nhà nước trả Nhà đầu tư bằng Quỹ đất sạch mà không thông qua đấu giá. Từ các khu đất sạch này, Nhà đầu tư đã hình thành nên các khu Đô thị, các khu nhà thương mại để kinh doanh và thu lời. Điều đáng nói là việc định giá các khu đất để trao trả cho Nhà đầu tư  thường là áp dụng giá đất tại thời điểm ký Hợp đồng. Cơ quan có thẩm quyền đã không  tính đến biến động của giá đất đến khi công trình hoàn thành, không tính đến yếu tố địa tô tăng lên khi nhiều con đường, cơ sở hạ tầng lại được làm đến chính khu đất giao cho Nhà đầu tư. 

Ngoài ra, việc lựa chọn các Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT thường là hình thức chỉ định Nhà đầu tư (không đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư).

Như vậy, cơ chế lựa chọn Nhà đầu tư, cơ chế xác định giá trị công trình, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã làm cho Nhà đầu tư hưởng lợi kép từ việc xác định chi phí thực hiện công trình cao lên và được đổi lại đất với giá hời, còn Nhà nước và xã hội đang chịu thiệt hại.

Như vậy, những câu hỏi của dư luận xã hội dành cho các dự án BT thường là, tại sao các Dự án BT lại đội vốn, tại sao khi hoàn trả giá trị các công trình hạ tầng cho nhà đầu tư là đất sạch mà không thông qua đấu giá? 

Việc cơ quan quản lý Nhà nước lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện Dự án theo hình thức chỉ định thầu mà không thông qua đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư với lý do tính cấp bách của Dự án rõ ràng là không minh bạch và dư luận có quyền nghi ngờ việc chỉ định. Việc nhà đầu tư tự dự toán giá trị công trình mà thiếu cơ chế kiếm toán, giám  sát, nhà đầu tư tự tổ chức thi công, tự lựa chọn nhà thầu thi công cũng là một cơ chế không minh bạch rất đến việc đội giá công trình lên cao hơn thực tế. 

Những lỗ hổng pháp lý 

Nghị định 15/2015/NĐ-CP về hình thức đầu tư đối tác công tư, và trước đó là các Nghị định 108/2009/NĐ-CP đều có cơ chế cho phép Nhà đầu tư tự đề xuất Dự án đầu tư theo hình thức BT. Trong bối cảnh một số cán bộ, công chức của cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa hành động tận tâm vì lợi ích xã hội thì cơ chế này hoàn toàn có thể dẫn đến sự lạm dụng để Nhà đầu tư cài cắm các lợi ích của mình vào việc đề xuất Dự án.

Một lổ hổng lớn nữa là cơ chế cho phép chỉ định thầu để lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT đã dẫn đến sự lợi dụng và tạo cơ chế không minh bạch trong việc lựa chọn người thực hiện dự án. Tồn tại cơ chế này rõ ràng là trái với Luật Đấu thầu. Cần phải xác định rõ ràng dù đó là nguồn vốn tư nhân, nhưng Nhà nước hoàn lại cho tư nhân thì bắt buộc vẫn phải thực hiện việc đấu thầu. Tương tự, việc Chủ dự án BT được tự lựa chọn đơn vị thi công mà Nghị định cũng không bắt buộc phải thực hiện đấu thầu cũng là một kẽ hở để công trình đội vốn.

Luật Đất đai quy định rõ giao đất sạch phải thông qua đấu giá nhưng quy định về BT dường như không áp dụng đã được cả hai phía, nhà đầu tư, lẫn cơ quan quản lý, lạm dụng và gây thất thoát lớn cho nhà nước, cho xã hội.

Nghị định 68/2018/NĐ-CP về hình thức đầu tư đối tác công tư thay cho Nghị định 15/2015/NĐ-CP  đã loại bỏ cơ chế lựa chọn Nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu và một loạt các cơ chế minh bạch hơn. Tuy nhiên, Nghị định vẫn tồn tại cơ chế Dự án BT do Nhà đầu tư đề xuất, cho Nhà đầu tư tự lựa chọn nhà thầu thi công và chưa giải được bài toán xác định giá trị đất hoàn cho Nhà đầu tư.

Để hoàn thiện hơn chính sách đúng đắn về hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, thiết nghĩ, cần một đạo luật điều chỉnh toàn diện về các vấn đề để tạo cơ chế minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của xã hội và lợi ích của Nhà đầu tư góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Xem thêm>>>

GS Đặng Hùng Võ: Có nhiều lỗ hổng rất lớn ở khung pháp lý về dự án BT

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang