Đâu là giải pháp cho nạn mua bán nội tạng?

24/05/2018 14:02

(kiemsat.vn)
Mua bán, môi giới nội tạng người, đặc biệt là mua bán thận đang rộ lên ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Bất chấp pháp luật, những “chợ đen” mua bán tạng vẫn ngang nhiên diễn ra ngày một “nhộn nhịp”.

Chiêu trò kinh doanh “núp bóng” hiến tạng nhân đạo

Thực tế cho thấy, không khó để tìm thấy những lời rao bán hay thông tin liên hệ mua bán thận trên mạng.

Theo phản ánh của Zing.vn, chỉ với lời rao ngắn ở nhóm “Hội Hiến - Ghép thận” trên mạng xã hội, chưa đầy một phút sau, sẽ có hàng chục cò mồi vào hỏi thăm và dụ dỗ để họ hỗ trợ đi bán giá cao. Tiếp đó là hành trình đi khắp các bệnh viện, làm đủ các xét nghiệm để phục vụ cho việc bán thận dưới hình thức hiến tạng nhân đạo.

Các thành phố lớn là mảnh đất màu mỡ của loại tội phạm mới này. Một số đối tượng tỉnh ngoài đến Hà Nội tìm những thanh niên khỏe mạnh có nhu cầu bán thận rồi tập hợp lại và thuê nhà ở. Sau đó, họ câu kết với các “cò” ở TP HCM, Đà Nẵng, Nam Định làm giấy tờ đưa người vào Bệnh viện Trung ương Huế bán thận với giá 150 - 200 triệu đồng cho người có nhu cầu.

Những người bán thận trong một đường dây mua bán nội tạng người đang chờ đến lượt. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Như Dân trí đã thông tin trong bài viết “Xuất hiện website “ma” lừa bệnh nhân hiến tạng”, một đơn vị tự xưng là tổ chức phi lợi nhuận ráo riết kêu gọi cộng đồng hiến các bộ phận cơ thể. Họ không chỉ mở website hientangvietnam.xyz mà còn lập cả facebook với tên tự xưng Tổ chức hiến nội tạng Việt Nam.

 “Mình đang cần bán một quả thận để có tiền chữa bệnh cho mẹ”; “Tôi đang cần gan và thận nhóm máu B, xin liên hệ 0965335…, hậu tạ cao…” - hàng loạt thông tin mua và bán của các thành viên xuất hiện trên trang facebook đó.

Điều đáng nói là cả hai trang tin trên đều không có địa chỉ rõ ràng, không cơ quan chủ quản. Việc vận động cộng đồng đăng ký hiến tạng là hành động vi phạm pháp luật.

Theo phản ánh của Tuổi Trẻ, ngày 04/01/2016, Bộ Công an đã thành lập ban chuyên án BT914 để bóc gỡ đường dây buôn thận xuyên quốc gia. Quá trình điều tra, C45 đã xác định được nhiều đối tượng tham gia ở các địa bàn khác nhau, bao gồm cò môi giới, bác sĩ và lãnh đạo của bệnh viện.

Thị trường mua bán nội tạng trái phép ngày càng lộ liễu hơn vì nhu cầu ghép tạng ngày càng cao (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Nguyên nhân sâu xa của vấn nạn mua bán tạng là do cầu vượt quá cung. Ngành ghép tạng nước ta đang phải đối mặt với thực trạng thiếu trầm trọng nguồn mô, tạng để cấy ghép. Mỗi năm có thêm hàng ngàn người bị suy thận giai đoạn cuối cần phải ghép thận, trong khi người hiến tặng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khả năng tìm được nguồn cung cấp tạng hợp pháp (người thân cho tạng hoặc người hiến tặng) quá hiếm, nên hầu hết người cần ghép tạng phải tìm đến các đường dây cung ứng “chui”.

Khi qua các đường dây này, nội tạng đến được người cần ghép với giá cao ngất, còn người “bán” dưới danh nghĩa “hiến” kia cũng chỉ nhận được một số “phí” chỉ khoảng 2/3 hoặc, thậm chí là một nửa so với chi phí thực người bệnh bỏ ra vì phải qua tay “cò”.

Những hệ lụy đau lòng

Hầu hết những người chọn cách bán đi một bộ phận cơ thể mình đều là người túng quẫn, bế tắc trong cuộc sống cần tiền để trang trải.

Trong số đó, có không ít người bất đắc dĩ trở thành cò dắt mối, phục vụ, làm giàu cho các “ôm trùm”. Để rồi, mạng lưới và chân rết của đường dây buôn bán nội tạng người như vòi bạch tuộc ngày càng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Phía sau những cuộc mua bán ấy là nỗi đau, là nước mắt muộn mằn của những phận người trót bán đi một phần sự sống của chính mình.

Một quả thận bán đi, một món tiền nhận lại, một cơ thể rệu rã suốt cuộc đời (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Rất nhiều người lâm vào cảnh “sống không bằng chết”, nợ vẫn chồng nợ, sức khỏe suy kiệt. Với những vụ mua bán thận trái phép, vấn đề đảm bảo sức khỏe cho người bán thận không được quan tâm. Các trường hợp môi giới chui lủi thường không cung cấp đúng các thông tin cần thiết, thực hiện gấp gáp hoặc thậm chí xét nghiệm, phẫu thuật tại các cơ sở kỹ thuật không đầy đủ khiến rủi ro càng cao hơn nữa.

Anh Phạm Đình T, với một người đã bán thận được hai tháng cho biết: “Hiện sức khỏe tôi tụt dốc không phanh, phải nhập viện điều trị. Những cơn đau kéo dài khiến tôi không thể làm bất kể việc nào nặng nhọc. Nợ cũ mới xong lại vướng nợ mới. Tôi không biết sẽ sống tiếp như thế nào”.

Nhiều nạn nhân cũng rơi vào tình trạng như anh T. Có thể vì không đủ kiến thức để nhận biết tác hại của việc bán thận, bán nội tạng, hoặc biết rõ hậu quả nhưng vì lâm vào đường cùng nên đành nhắm mắt làm liều. Không còn khả năng lao động, cơ thể khuyết tật vật vã trong đau yếu, khổ sở. Sau cùng, thứ chờ đợi họ là cuộc sống vô định không biết rồi sẽ về đâu.

Trái ngược với nghịch cảnh đó, những đối tượng môi giới nội tạng người lại ung dung sống từ lợi nhuận siêu “khủng” từ việc kinh doanh vô nhân đạo này.

Cần minh bạch hóa quá trình hiến - nhận nội tạng người

Hệ thống pháp luật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nghiêm cấm hoàn toàn việc mua bán, kinh doanh nội tạng người do những hệ quả khôn lường về mặt xã hội.

Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

Bởi lẽ việc hiến tặng nội tạng là hành động mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả giữa người với người. Khi thương mại hóa, biến bộ phận cơ thể người thành món hàng để mua bán, trao đổi thì đã mất đi ý nghĩa căn bản của việc hiến tặng, hoàn toàn trái với đạo đức xã hội.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Muốn giải quyết vấn nạn mua bán nội tạng người trái phép, phải nhìn nhận gốc rễ vấn đề là cân bằng được tỉ lệ cung - cầu. Nhưng việc tăng nguồn hiến mô tạng không phải chuyện ngày một, ngày hai mà cần rất nhiều thời gian và một chiến lược bài bản. Muốn vậy phải làm tốt công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi quan niệm về việc người chết phải “toàn thây”.

Một vấn đề nữa đặt ra là cần minh bạch hóa quá trình hiến - nhận nội tạng, tức là phải công khai rõ ràng thông tin người cho và người nhận nội tạng.

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là đơn vị có nhiệm vụ chính trong việc điều phối việc lấy, ghép mô, tạng để cứu chữa người bệnh theo đúng quy định của pháp luật và đạo đức. Nếu việc hiến tặng hoàn toàn thông qua Trung tâm sẽ kiểm soát phòng chống mua bán mô tạng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó là vai trò của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường giám sát, điều tra, xử lý nghiêm hành vi mua bán nội tạng để sớm xóa bỏ tình trạng này.

Điều 154, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về việc xử lý những hành vi mua bán, môi giới mua bán hay môi giới hiến tặng vì mục đích thương mại:

Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm tù. Trường hợp phạm tội thuộc khung tăng nặng thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm hoặc từ 12 đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Xem thêm >>>

Đến năm 2020, không có đơn thuốc không bán kháng sinh

Vụ VN Pharma: Huỷ toàn bộ bản án, điều tra lại

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang