Đảng bộ VKSND tối cao dự Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị

11/05/2024 08:08

(kiemsat.vn)
Ngày 10/5/2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đảng bộ VKSND tối cao dự Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị tại điểm cầu VKSND tối cao.

Hội nghị được triển khai trên toàn quốc với điểm cầu Trung ương tại Hội trường A2, số 9 Nguyễn Cảnh Chân, quận Ba Đình, Hà Nội; điểm cầu các Ban, Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Trung ương; Điểm cầu tại các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương...

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có đồng chí Trần Hữu Thanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ VKSND tối cao; các Ban tham mưu, giúp việc Đảng uỷ VKSND tối cao; các đảng viên thuộc các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ VKSND tối cao; các cáo viên và cộng tác viên dư luận xã hội thuộc Đảng bộ VKSND tối cao;…

Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân trong triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết; đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết; đồng chí Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo Chương trình hành động của Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện Nghị quyết.

Các báo cáo tại Hội nghị đã truyền đạt những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết; quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết đã đề ra; xác định nội dung, nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Những năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay; đặt ra những yêu cầu về việc xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời gian tới.

Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, triển khai thực hiện; chú trọng theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra; chuẩn bị thật tốt các điều kiện, nguồn lực với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

PV

Hoàn thiện pháp luật lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cam kết lao động trong Hiệp định EVFTA

(Kiemsat.vn) - Tiếp nhận các cam kết lao động trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và chuyển hóa các cam kết này thành pháp luật lao động trong nước để áp dụng một cách hiệu quả là yêu cầu đặt ra cho Việt Nam. Tuy đã có những thay đổi căn bản, nhưng pháp luật lao động nói chung, Bộ luật lao động năm 2019 nói riêng cần tiếp tục hoàn thiện để những cam kết về lao động theo EVFTA được triển khai trên thực tế.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang