Công trình xanh – Trồng nhiều cây xanh đã đủ?

26/05/2023 15:25

(kiemsat.vn)
Công trình xanh đã trở thành một thuật ngữ khá phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng và đủ. Nhiều người nghĩ rằng xanh là trồng nhiều cây xanh. Thực tế, đằng sau mỗi công trình xanh là tổng hoà của rất nhiều yếu tố.

Công trình xanh hay kiến trúc xanh theo khái niệm khoa học thường gọi là kiến trúc phát triển bền vững, kiến trúc sinh thái hoặc kiến trúc thân thiện với môi trường. Kiến trúc xanh là thiết kế không chỉ có khả năng chống lại các tác động tiêu cực từ môi trường mà còn có thể tận dụng lợi thế về địa hình, khí hậu để tạo nên một công trình tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng tài nguyên, mang đến môi trường sống ôn hoà, tinh thần thoải mái, nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng.

Xanh là thích ứng với môi trường…

Mặc dù triết lý về kiến trúc xanh mới được nhắc đến nhiều hơn trong những năm gần đây, nhưng thực tế quan điểm về loại hình kiến trúc này đã xuất hiện khá lâu trên thế giới. Oscar Niemeyer, kiến trúc sư người Brasil, là một trong những gương mặt quan trọng nhất của trào lưu kiến trúc hiện đại thế kỷ 20 đã từng nói “Tôi tin rằng kiến trúc không nên nói quá nhiều, nên giữ im lặng và để cho thiên nhiên trong vỏ bọc của ánh sáng mặt trời và gió lên tiếng”.

Còn tại Việt Nam, từ xa xưa dân gian đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xây nhà, tạo ra những công trình thân thiện, thích ứng với môi trường. Các ngôi nhà truyền thống của Việt Nam thường ưu tiên lựa chọn hướng Nam và Đông Nam làm hướng chính của căn nhà. Các ngôi nhà có thiết kế hoà hợp với thiên nhiên, khoáng đạt, thông thoáng, có sân vườn rộng trồng nhiều cây xanh, hành lang đón nắng, ngói lợp âm dương tạo sự thoáng mát. Các công trình cũng ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng có độ bền cao, thân thiện với môi trường như tre, nứa, ngói, gạch…

Một dẫn chứng cho việc kế thừa kiến trúc bản địa ở Việt Nam là trụ sở Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được xây từ trước năm 1945, thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard. Là một người Pháp, nhưng khi đến Việt Nam, kiến trúc sư đã rất chú trọng đến kinh nghiệm dân gian để ứng dụng vào công trình này. Công trình được xây dựng bằng bê tông theo cách thức phương Tây nhưng lại có cửa sổ lá sách cao, mở rộng để gia tăng sự thông thoáng và đón sáng tự nhiên phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa.

Học hỏi kinh nghiệm xây nhà truyền thống, những công trình hiện đại đã ứng dụng nhiều giải pháp thông minh giúp căn nhà thích ứng tốt hơn với điều kiện môi trường. Một ví dụ điển hình liên quan đến thiết kế, có thể kể đến dự án The Van Phu Victoria nằm trong Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông là dự án có thiết kế độc đáo với ba toà tháp hình elip xoay nghiêng 45 độ. Góc nghiêng của ba toà tháp đã giúp cho 100% các căn hộ tại đây có thể đón sáng trực tiếp, thông gió, thoáng khí tự nhiên nhưng tránh được nắng chiếu trực diện mùa hè và gió lạnh mùa đông.

The Van Phu Victoria của chủ đầu tư Văn Phú - Invest có thiết kế xoay nghiêng độc đáo

Cũng có thể thấy sự kế thừa kinh nghiệm dân gian trong nhiều khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam, với mái tam giác, trần cao, lợp ngói hoặc cọ, phủ xanh sân vườn bằng cây bản địa, sử dụng gỗ tre nứa làm tường vách ngăn… để tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên, cũng như góp phần điều hoà không khí. 

Kiến trúc bản địa vốn “xanh”, vì từ xa xưa con người buộc phải thích ứng với môi trường xung quanh. Việc kế thừa những kinh nghiệm quý báu, kết hợp với thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại sẽ giúp công trình ngày này có thể tự vận hành mà không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên.

… Xanh là tiết kiệm tài nguyên

Hiện trên thế giới có nhiều bộ tiêu chuẩn công trình xanh khác nhau, với nhiều chứng chỉ uy tín như EDGE (của IFC, thành viên Nhóm Ngân hàng thế giới), LEED (của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore)… Hầu hết các chứng chỉ này đều đánh giá công trình ở tổng quan các yếu tố gồm năng lượng, địa điểm bền vững, vật liệu - rác thải, nước và chất lượng không khí trong nhà.

Trong đó, EDGE là một trong những chứng chỉ uy tín hàng đầu thế giới, được áp dụng ở nhiều quốc gia với hệ thống đánh giá hướng đến tiêu chí sử dụng tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, nước, sử dụng vật liệu xanh, giảm phát thải khí nhà kính ở mỗi công trình.

Để nhận được chứng chỉ EDGE các chủ đầu tư phải chứng minh công trình của mình có tiềm năng giảm mức tiêu thụ năng lượng ít nhất 20% so với các công trình bình thường thông qua công cụ đánh giá của EDGE. Phần mềm EDGE sẽ cho biết các số liệu về chi phí, điều kiện khí hậu của các vùng miền để cho ra kết quả cụ thể. Các công trình đạt được chứng chỉ này sẽ tiết kiệm được năng lượng rất lớn.

Trồng nhiều cây xanh xung quanh công trình (Minh hoạ: Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông)

Theo đó, để đạt được các tiêu chí công trình xanh khắt khe, việc trồng nhiều cây xanh trong không gian, khuôn viên là chưa đủ, mà còn phải sử dụng đa dạng các giải pháp xanh hoá công trình, tạo nên sự đồng bộ, tương hỗ lẫn nhau.

Nếu một số chủ đầu tư lựa chọn giảm mật độ xây dựng, phủ xanh bằng công viên, thảm cỏ, phủ xanh tường mái thì một số đơn vị lại tối ưu hoá diện tích nhỏ hẹp của công trình bằng giải pháp phủ xanh đa chiều. Tiêu biểu, dự án The Terra - An Hưng tại Hà Đông, Hà Nội, do diện tích có hạn nên chủ đầu tư Văn Phú - Invest tối đa hoá mảng xanh bên trong công trình theo đường thẳng, đường ngang, đường chéo tạo nên môi trường vi khí hậu ôn hoà.

Với các công trình hiện đại được cấp chứng chỉ xanh quốc tế, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài sẽ khó thấy được “tính xanh” bởi yếu tố cấu thành nên “chất xanh” nằm ở vật liệu và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên trong mỗi công trình. Các vật liệu được ứng dụng cho loại công trình này thường có chi phí đắt đỏ, mức đầu tư ban đầu cao nên không phải chủ đầu tư nào cũng có thể đáp ứng và lựa chọn.

Chủ đầu tư sử dụng kính low-e bao phủ bề mặt công trình (Minh hoạ: dự án Grandeur Palace - Giảng Võ)

“Chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng và áp dụng một cách tối ưu các vật liệu xanh vào công trình nhà ở trong đô thị. Cụ thể, vỏ công trình được tính toán chi tiết về các lớp vật liệu giảm nhiệt cho tường, vật liệu không phát thải và sử dụng kính low-e cho cửa sổ. Ngoài ra, giải pháp cơ điện cũng được cân nhắc sử dụng đồng bộ như lắp đặt các thiết bị giúp tiết kiệm năng lượng tối đa cho công trình.

Không gian căn nhà sẽ thiết kế theo hình dàn đều, tập trung vào khu vực lõi, tạo ra nhiều điểm thoáng, khe sáng, đón nắng và gió tự nhiên, giúp căn hộ lấy tối đa được ánh sáng.”, đại diện Văn Phú – Invest, một doanh nghiệp có hầu hết các công trình được cấp chứng chỉ xanh quốc tế EDGE chia sẻ.

Thiết kế theo hình dàn đều, tập trung vào khu vực lõi giúp các phòng nhận được tối đa ánh sáng và thông gió

Có thể nói, nhiều công trình hiện nay thoạt nhìn dễ lầm tưởng là công trình xanh bởi có nhiều cây cối, không gian nước nhân tạo mát mẻ, nhưng thiết kế bên trong lại bất hợp lý, quá trình vận hành tiêu tốn năng lượng. Đây chính là nguy cơ của xu thế kiến trúc mang tính thời thượng nhưng ít được nghiên cứu, chọn lọc mà chỉ tập trung vào vẻ trang trí bề ngoài. Thực tế, công trình xanh là sự tổng hoà của nhiều yếu tố phức tạp và đòi hỏi sự đồng bộ cũng như quyết tâm cao từ các chủ đầu tư, nhằm hướng tới tương lai bền vững.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang