Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc với VKSND tối cao

13/06/2024 14:12

(kiemsat.vn)
Sáng ngày 13/6/2024, tại VKSND tối cao, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng Đoàn công tác đến thăm và làm việc với VKSND tối cao.

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Đồng chí khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều đóng góp quan trọng cùng toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Đặng Khánh Toàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Tô Ân Xô, Trợ lý Uỷ viên Bộ Chính trị; đồng chí Trần Đăng Quỳnh, Trợ lý Uỷ viên Bộ Chính trị; đồng chí Đinh Tiến Hải, Thư ký Uỷ viên Bộ Chính trị; đồng chí Nguyễn Việt Đức, Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Lê Xuân Khánh, Vụ trưởng Vụ Quản trị - Tài vụ - Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Lê Duy Tường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước...

Đại biểu VKSND tối cao tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải. Cùng tham dự còn có các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm sát VKSND tối cao, Kiểm sát viên VKSND tối cao, lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao 1, 2, 3.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành hữu quan, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật; tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Hằng năm, kết quả các mặt công tác cơ bản đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao, năm sau cao hơn năm trước.

Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, toàn ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định “chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm” là nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hình sự; tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với điều tra, bảo đảm các nguyên tắc của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, như nguyên tắc “suy đoán vô tội”, “trọng chứng hơn trọng cung”, “bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội”, “chứng cứ đến đâu xử lý đến đó"; thực hiện các biện pháp tố tụng bảo đảm chặt chẽ, tăng cường phúc cung trước khi quyết định truy tố; Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên ngay từ đầu của giai đoạn thụ lý tin báo, tố giác tội phạm và khởi tố, điều tra, truy tố.

VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao trong trực tiếp chỉ đạo, giải quyết những vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ và chỉ đạo toàn Ngành chủ động thực hiện trách nhiệm công tố, xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. VKSND tối cao đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành các tiêu chí phân hóa, xử lý đối tượng trong một số vụ án như vụ Việt Á, vụ đăng kiểm... bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả, vừa xử lý nghiêm minh, vừa bảo đảm tính nhân văn, thuyết phục, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và các cơ quan tư pháp.

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao.

Về công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, trong những năm gần đây, số vụ án, vụ việc trong lĩnh vực này tăng nhanh (từ 10 - 15%/năm) nên ngành Kiểm sát nhân dân đã xác định đây là một trong những khâu công tác đột phá nhằm tập trung xử lý những bức xúc của xã hội; đã chỉ đạo toàn Ngành tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động; đã yêu cầu Viện trưởng VKSND các cấp phải trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, bố trí, sắp xếp, đào tạo Kiểm sát viên có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và áp dụng nhiều biện pháp đổi mới về nghiệp vụ để thực hiện đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao.

Bên cạnh đó, công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, vượt nhiều chỉ tiêu so với yêu cầu của Quốc hội. Hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực; kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận quan tâm; không để xảy ra trường hợp oan thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương, đánh giá cao thành tích ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong thời gian qua.

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị trên thế giới và trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước cùng lúc chúng ta phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong khi các thế lực thù địch gia tăng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng nước ta. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp, đa dạng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã giữ ổn định kinh tế, tiếp tục vượt khó, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại có nhiều thành tựu nổi bật, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới và quan trọng nhất là niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, với quyết tâm cao và việc lựa chọn đúng đắn các biện pháp công tác trọng tâm, trọng điểm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành Kiểm sát nhân dân đã hoàn thành tốt các yêu cầu cải cách tư pháp của Ðảng, hằng năm cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao; góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân cần nghiêm túc đánh giá rút kinh nghiệm, có giải pháp tích cực, hữu hiệu, khắc phục những hạn chế, thiếu sót thời gian qua; tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân.

Cơ bản thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp của ngành Kiểm sát đã đề ra, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị, cấp ủy, tổ chức đảng và Lãnh đạo VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết của Trung ương; đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Bám sát nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; chú trọng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với những tư tưởng, biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nội dung các đề án, dự thảo văn kiện, nghị quyết của Trung ương. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật về tư pháp; đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp hình sự theo Chương trình, Kế hoạch của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan rà soát, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Phá sản doanh nghiệp;... đây là những đạo luật phản ánh rõ nét bản chất dân chủ của nền tư pháp nước ta, là cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Khẩn trương tổ chức nghiên cứu, bảo đảm chất lượng các Đề án đã được Trung ương giao (về hoàn thiện cơ chế khởi kiện dân sự, khởi kiện hành chính để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước, lợi ích của các chủ thể dân sự là nhóm dễ bị tổn thương; cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật và xử lý trách nhiệm đối với trường hợp vi phạm trong việc ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng) để tham mưu với Đảng đưa vào nội dung Văn kiện Đại hội XIV- đây là những đề xuất về chính sách mới, rất quan trọng cần phải sớm được nghiên cứu và triển khai thực hiện để khắc phục khoảng trống pháp lý, tạo cơ chế “phòng ngừa từ sớm, từ xa”, nhằm hạn chế tối đa việc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chú trọng cả hai mặt không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế hoặc ngược lại; tạo điều kiện, môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình hoạt động, phải đề cao và thực thi các nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà Hiến pháp giao cho ngành Kiểm sát nhân dân.

Theo Chủ tịch nước, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát không chỉ là phát hiện sai phạm, mà quan trọng hơn, là phải phát hiện cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó. Thông qua mỗi vụ án, vụ việc cụ thể, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Ðảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu, kể cả sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật. Đặc biệt, VKSND tối cao cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Chủ tịch nước trong việc xem xét ân giảm án tử hình, giảm án tha tù và xem xét việc đặc xá.

Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Ngành là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định; tổ chức thực hiện nghiêm Đề án 06 trong ngành Kiểm sát, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu xây dựng Viện kiểm sát hiện đại; phối hợp nghiên cứu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước có giải pháp ưu tiên đầu tư, trước hết là ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan tố tụng; tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương để nâng cao năng lực hoạt động của Ngành, phục vụ thiết thực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều đóng góp quan trọng cùng toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời tin tưởng rằng, trong thời gian tới, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục có những bước phát triển cao hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, thực hiện mục tiêu Cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với tập thể Lãnh đạo Viện và Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao.

Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu, tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Tô Lâm. Đồng thời khẳng định trong thời gian tới, VKSND tối cao sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành có liên quan tham mưu Chủ tịch nước các giải pháp, biện pháp nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Chủ tịch nước và kiến nghị của Ngành, giải quyết khó khăn, vướng mắc, góp phần tạo sự phát triển tích cực cho toàn hệ thống chính trị.

Quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ của VKSND

(Kiemsat.vn) - Ban cán sự đảng VKSND tối cao vừa có Quyết định số 18-QĐ/BCSĐ ngày 15/5/2024 ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ của VKSND.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang