Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

27/07/2020 08:30

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngày nay, chiến tranh đã đi qua, đất nước hoà bình, thống nhất, nhưng hàng triệu thân nhân liệt sĩ mãi mãi không gặp lại người thân yêu nhất của mình. Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau, hy sinh thầm lặng của người mẹ nơi hậu phương lớn lao bấy nhiêu.

Những hy sinh thầm lặng

Những người mẹ chấp nhận chia ly, tiễn chồng, con lên đường để rồi ngày đêm lặng lẽ chăm sóc gia đình, làm kinh tế, làm hậu phương cho tuyến đầu. Những người mẹ không ngại hiểm nguy, âm thầm nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tiếp lương, tải đạn. Những người mẹ trực tiếp đối mặt với quân thù, đánh giặc, bị giặc bắt, tra tấn, tù đày và trở thành thương binh...

Đất nước hòa bình, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH) và để giáo dục truyền thống cách mạng và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Sau 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng gần 140.000 BMVNAH. Đến nay, 4.962 mẹ đang sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng.

Là một trong 300 BMVHAH tham dự buổi gặp mặt đại biểu BMVHAH toàn quốc ngày 25.7, mẹ Lê Thị Bê (83 tuổi, ngụ xã Tân Phước Tây, Tân Trụ, Long An) có chồng hy sinh từ năm 1968. Trong suốt những năm chống Mỹ, mẹ vừa một mình nuôi con vừa nuôi giấu cán bộ, từng bị địch bắt tra tấn dã man và bị đày ra Côn Đảo năm 1974. Đặc biệt, mẹ Bê có mẹ chồng và mẹ đẻ đều là BMVNAH. Một gia đình có 3 người mẹ đều có chung nỗi đau mất cha, mất chồng, mất con.

Nhớ lại những tháng ngày bị giam ở Côn Đảo, mẹ Lê Thị Bê kể, mỗi buổi sáng bị địch bắt đi chào cờ của chúng, mẹ không đi. Chúng vẫn bắt mẹ thực hiện, nhưng mẹ không sợ, vẫn quyết không chào cờ địch. Mẹ còn vận động chị em khác làm theo. “Thời gian ở lâu, chúng bắt mẹ lên tòa án, song mẹ không đi. Mẹ nói có làm gì đâu mà đi toà. Cuối cùng, chúng bỏ đói, không cho mẹ ăn cơm. Khi chúng sợ mẹ chết, chúng cho mẹ ăn” - mẹ Bê cho biết thêm. 

Chúng ta không khỏi tự hào khi xem những hình ảnh mẹ Ngô Thị Quýt (95 tuổi, ở phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh). Những ngày cả nước gồng lên chống đại dịch COVID-19, BMVNAH 95 tuổi vẫn cần mẫn may hàng trăm chiếc khẩu trang để tặng người nghèo, lan tỏa tình yêu thương, tình người trong gian khó.

Bên cạnh đó, mẹ Lê Thị Chi (91 tuổi, ở Đà Nẵng) có chồng và con trai đầu hy sinh trong chiến tranh. Sống không khá giả gì, nhưng trong đợt phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, mẹ đã đem toàn bộ số tiền tiết kiệm là 5 triệu đồng ủng hộ phòng chống dịch. 

Đời đời nhớ ơn sự hy sinh của các mẹ

Phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu BMVNAH toàn quốc ngày 25.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong 73 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ (TBLS), người có công (NCC) với cách mạng và tổ chức cuộc vận động toàn dân tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc gia đình TBLS, NCC với cách mạng. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ưu đãi với NCC được ban hành, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Sự hy sinh cao cả, kiên trung của các mẹ chính là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho các thế hệ mai sau đời đời nhớ ơn, tri ân và biết ơn sâu sắc”. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các TB, bệnh binh, thân nhân LS, NCC với cách mạng và bày tỏ sự kính trọng, biết ơn BMVNAH trong cả nước ta. 

“Tuy nhiên, hiện cả nước còn nhiều TB, bệnh binh còn những vết thương giày vò, nhiều LS chưa tìm được hài cốt, chưa xác định danh tính, vẫn còn trường hợp chưa được hưởng những chính sách ưu đãi, nhiều trường hợp thân nhân LS gặp khó khăn trong cuộc sống… đây là những trăn trở, day dứt khôn nguôi trong nỗi lòng của chúng ta” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thực hiện tốt chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; phụng dưỡng, chăm lo sức khỏe cho đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho các BMVNAH ở mức tốt nhất, tuyệt đối không để các mẹ cô đơn, thiếu thốn, ốm đau, không người chăm sóc hằng ngày; quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn. 

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VI ngành Kiểm sát nhân dân

(Kiemsat.vn) - Sáng nay, 24/7, tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VI ngành Kiểm sát nhân dân. Kiemsat.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng.

VKSND tỉnh Lào Cai tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 21/7/2020, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang