Cao Việt B phạm tội cướp tài sản hay Công nhiên chiếm đoạt tài sản?

14/12/2019 10:46

(kiemsat.vn)
Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) có nhiều sửa đổi, bổ sung so với BLHS năm 1999 trong đó có nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu, tuy nhiên trong thực tiễn giải quyết các tội phạm xâm phạm sở hữu vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm và cách giải quyết khác nhau.

Nội dung vụ án:

Cao Việt B (SN 1992) quê quán xã VT, huyện VL, tỉnh QT. Ngày 05/12/2018, B vào quán game số 14, đường NT, thành phố ĐH để chơi (B là người nghiện game). Khoảng 19 giờ, B gọi điện thoại cho ông Lê Văn K, là người lái xe ôm (do nhiều lần đi xe ôm của ông K nên quen biết nhau) hẹn đến đón B.

Khoảng hơn 20 giờ ông K đến chờ trước quán, gần 21 giờ B chơi game xong, đi ra cửa gặp ông K, ông K hỏi B đi đâu thì B nói đi nhậu, ông K rủ về nhà mình nhậu thì B đồng ý. Sau đó ông K chở B về nhà ở xã GB, huyện GL, tỉnh QT (do ông K đã ly thân vợ nên ở một mình). Khoảng 23 giờ thì ông K trải chiếu giữa phòng và hai người cùng ngồi uống rượu, được một lúc thì ông K nói muộn rồi nên đi chốt các cửa lại và tiếp tục ngồi uống. Đến khoảng 01 giờ ngày 06/12/2018, ông K có hành động dùng tay vuốt ve vào tay, chân của B, tưởng đùa nên B gạt tay ông K ra. Một lúc sau ông K tiến lại quỳ gối gần trước mặt B dùng tay ôm B và nói “Anh là người đồng tính, anh thích con trai, cho anh làm tý”, (ý ông K muốn quan hệ tình dục đồng tính). B dùng tay đẩy ra nhưng ông K vẫn cứ ôm, B nhìn qua bên phải của mình thấy có mấy hòn đá cuội to bằng nắm tay trong chậu cây cảnh nên đã dùng tay phải cầm lấy một hòn đá đập từ trên xuống 03 đến 04 cái vào phía sau đầu của ông K làm ông ngã xuống nền nhà. B thả hòn đá xuống nền nhà rồi lấy tiếp một hòn đá khác ở tay phải và nói “tới đây nữa là tao đập đó”. Ông K đứng dậy và nói “ tau đi uống thuốc”, rồi lấy thuốc cảm cúm để uống. Sau đó ông K đi về phía giường ngủ ở nhà dưới, B nghe ông K vừa đi vừa nói: “ để tau gọi người” , ông K ngồi lên giường đưa tay định lấy chiếc điện thoại đang xạc pin ở đầu giường thì B chạy lại dùng hòn đá cầm trên tay tiếp tục đánh 03 đến 04 cái vào vùng đầu và mặt của ông K rồi dùng tay trái lấy chiếc điện thoại nhãn hiệu FPT bỏ vào túi quần nhằm mục đích không cho ông K gọi người đến đánh mình. Bị đánh ông K ngã xuống nền nhà và nói “rứa thôi mi đi đi, đừng lấy cấy chi của tau là được”, B nghe ông K kêu lạnh nên lấy cái chăn trên giường đắp cho ông K và nói đưa đi cấp cứu nhưng ông K không chịu đi. B thấy con dao ở trên mâm cơm nên B cầm lấy đứng cách vị trí ông K khoảng 1,5m chỉ về phía ông K và nói “tau chưa chém là may đó”, ông K sợ quá không dám gọi người và cũng không dám chống cự lại.

Sau đó B mở chốt cửa nhà trên lấy xe mô tô của ông K ra dựng ngoài sân rồi quay vào lấy tiếp chiếc áo khoác của ông K để trên ghế, đi ra mặc áo khoác vào và điều khiển xe mô tô bỏ chạy. Đi được khoảng 1km B vứt điện thoại đã lấy của ông K vào bụi cây bên đường, đi 03km nữa B tiếp tục lấy mũ bảo hiểm và túi bao gai đựng hai bộ quần áo mưa treo trước xe vứt ở ven đường và chạy vào thành phố H, tỉnh TTH. Khi đến thành phố H, B mua một bộ quần áo mới rồi thuê nhà nghỉ tắm rửa và thay quần áo cũ. Kiểm tra trong túi áo khoác của ông K thấy có 2.000.000 đồng nên B đã lấy số tiền đó rồi gom quần áo cũ của mình cùng với áo khoác của ông K bỏ vào túi ni lon. Sau đó B bán chiếc xe máy với giá 1.500.000 đồng.

Tổng số tài sản mà B đã chiếm đoạt của ông K qua định giá tài sản là 5.885.000 đồng và 2.000.000 đồng tiền mặt B lấy của ông K ở túi áo khoác.

Sau khi vụ án xảy ra, xung quanh hành vi phạm tội của Cao Việt B tồn tại hai quan điểm khác nhau về tội danh:

Quan điểm thứ nhất:

Cao Việt B phạm tội “Cướp tài sản” theo Điều 168, BLHS năm 2015. 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”

Trong vụ án trên hành vi của Cao Việt B là cầm hòn đá cuội ở chậu cây cảnh đánh vào đầu ông K làm ông K bị thương và lấy điện thoại của ông K bỏ vào túi quần của mình rồi tiếp tục lấy dao chỉ thẳng vào mặt ông K làm ông K sợ hãi không dám phản kháng, sau đó lấy chìa khóa xe máy của ông K và áo khoác trong đó có 2.000.000 đồng cùng một số tài sản khác rồi bỏ trốn. Khi hết tiền, B đã bán xe mô tô của ông K được 1.500.000 đồng tiêu xài cá nhân. Tổng số tài sản mà B đã chiếm đoạt của ông K qua định giá tài sản là 5.885.000 đồng và 2.000.000 đồng tiền mặt B lấy của ông K ở túi áo khoác.

Hành vi dùng đá đánh nhiều lần vào đầu và không cho ông K gọi điện thoại; dùng dao chỉ vào mặt đã làm tê liệt ý chí của ông K. Do vậy, có đủ cơ sở kết luận hành vi của Cao Việt B đã phạm vào tội “ Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 2, Điều 168 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ hai (đồng thời cũng là quan điểm của tác giả bài viết):

Cao Việt B không phạm tội “Cướp tài sản” theo Điều 168 BLHS mà phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, vì:

Đối với tội cướp tài sản thì mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội mà còn phải có mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới là tội cướp tài sản. Như vậy, ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được.

Trong vụ án trên, mục đích của Cao Việt B khi dùng đá đánh vào đầu ông K và dùng dao đe dọa ông K không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích không cho ông K thực hiện các hành vi sàm sỡ, chấm dứt ý định quan hệ tình dục của ông K và ngăn chặn không cho ông K gọi người đến đánh mình; đồng thời việc dùng dao đe dọa ông K nhằm cảnh cáo ông K không được có ý định quan hệ tình dục đồng tính. Ý thức chiếm đoạt tài sản của Cao Việt B hình thành sau khi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực đối với ông K nên không thỏa mãn các yếu tố của tội Cướp tài sản.

Điều 172 BLHS năm 2015 quy định: “1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...”

Trong tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản về hành vi. Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai. Được hiểu là việc chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội không cần che giấu hành vi phạm tội, hành vi đó được thực hiện trước mặt người bị hại và những người khác.

Việc thực hiện hành vi chiếm đoạt này thường là do người phạm tội biết người bị hại không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tài sản đó (như biết bị hại là người già yếu, người bị hại là trẻ em…).

Mặt khác, việc thực hiện hành vi chiếm đoạt xảy ra bình thường (không nhanh chóng như đối với tội cướp giật tài sản) người phạm tội rời khỏi nơi thực hiện tội phạm. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa tội cướp giật tài sản với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Như vậy trong vụ án trên hành vi dùng vũ lực đe dọa dùng vũ lực của Cao Việt B không có mục đích chiếm đoạt tài sản nên không có căn cứ để xử lý B về tội “Cướp tài sản”, sau khi bị B dùng đá đánh vào đầu và dùng dao đe dọa hành vi này của Cao Việt B làm cho ông K lo sợ nên dẫn đến hạn chế khả năng bảo vệ tài sản, khi thấy ông K kêu đau và nằm xuống giường lúc này B có ý định đưa ông K đi cấp cứu nhưng ông K không đồng ý, nhận thấy khả năng hạn chế của ông B trong việc bảo vệ tài sản nên Cao Việt B đã lấy chiếc xe máy và một số tài sản khác, hành vi trên của Cao Việt B thỏa mãn các dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 BLHS năm 2015.

Trên đây là những quan điểm trong việc giải quyết vụ án liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang