Cảnh báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ
(kiemsat.vn) Hiện nay, cùng với xu hướng toàn cầu hóa, sự phát triển bùng nổ của không gian mạng đã giúp cho con người dễ dàng giao lưu, kết nối với nhau hơn. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là làm xuất hiện một loại tội phạm mới - Tội phạm công nghệ cao.
TP. HCM: 16 năm ròng rã cầu cứu các cơ quan chức năng để đòi lại phần đất bị doanh nghiệp chiếm giữ
Bình Dương đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm
Sai phạm trong tuyển dụng, hơn 500 cán bộ tại Hà Tĩnh sẽ phải thi lại công chức
Tội phạm công nghệ cao (hay còn gọi là “tội phạm ảo”, “tội phạm không gian ảo”, “tội phạm sử dụng công nghệ cao”) là "Hành vi phạm pháp có chủ đích đối với một cá nhân, một nhóm người hay một tổ chức nào đó, gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của nạn nhân hoặc gây hại về mặt vật chất hoặc tinh thần cho nạn nhân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bằng những công nghệ hiện đại liên quan đến mạng viễn thông như Internet (việc này cũng bao gồm các nhóm chat, email, mạng xã hội,....) và điện thoại (các công nghệ Bluetooth, 3G, SMS, MMS,...). Các hoạt động tội phạm công nghệ cao ngày nay đều là những mối đe dọa tới an ninh và nền kinh tế của quốc gia”.
Thực trạng về tội phạm công nghệ cao - Hình thức tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam ngày càng có dấu hiệu gia tăng, với phương thức, thủ đoạn vô cùng tinh vi, phức tạp. Điều này gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng nói chung và nhất là các Cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thụ lý, giải quyết.
Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, từ đầu năm 2019 đến ngày 31/8/2020, các Cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp thành phố đã tiếp nhận 32 tin báo về tội phạm, chủ yếu liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Messenger hay việc giả danh cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vô hình chung đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng Nhân dân cũng như ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Qua công tác thực hành quyến công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ nhận thấy các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng những phương thức cụ thể, như sau:
Thứ nhất, giả danh nhân viên Bưu điện, Ngân hàng, kỹ sư, quân nhân, chính trị gia làm quen rồi kết bạn với bị hại, đặc biệt là phụ nữ. Chúng đánh vào tâm lý “cô đơn”, “ nhẹ dạ, cả tin” của bị hại rồi tâm sự chuyện riêng tư nhằm tạo lòng tin, hứa hẹn tặng quà, nhờ cấp phát hàng từ thiện, gợi ý chuyện hùn vốn làm ăn sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền. Hoặc các đối tượng đánh vào tâm lý của một bộ phận thanh niên “ham chơi, nhát làm”, muốn hưởng thụ nhưng lại lười lao động, sẵn sàng “mua vui cho quý bà” để có tiền tiêu xài cá nhân.
Cụ thể là vụ việc đối tượng Nguyễn Xuân Lộc đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 09 bị hại. Từ ngày 26/6/2019 đến ngày 09/7/2019, với cùng một thủ đoạn, Lộc đã chiếm đoạt của các bị hại với tổng số tiền 62.447.000 đồng. Nảy sinh ý định từ trước, Lộc đã lập ra nhiều tài khoản Zalo, Facebook tên “Nam Hoàng Đại”, “A Trường” và đăng bài viết vào trang “phòng chat Cần Thơ” với nội dung “cần tuyển trai trẻ phục vụ quý bà”. Khi người nam nào có nhu cầu thì Lộc sẽ nhắn tin cho họ số điện thoại của Mai (Lộc đã nhờ Mai từ trước nhưng không nói về ý định lừa đảo của mình). Lúc này, Mai sẽ cho các bị hại biết số điện thoại của “ A Trường” (do Lộc đóng giả). Khi bị hại liên lạc với “ A Trường” sẽ được cung cấp thông tin nhà nghỉ lên phòng gặp bạn, khi lên gặp bị hại thì Lộc đóng giả là nhân viên phục vụ và yêu cầu những người này phải giao điện thoại, trang sức để gửi lại tại quầy tiếp tân (Lộc nêu lí do là sợ đem điện thoại bị quay phim, ghi hình; trang sức thì sợ gây thương tích ảnh hưởng đến tính mạng). Sau khi lấy được tài sản thì Lộc rời khỏi nhà nghỉ và lấy tiền tiêu xài.
Thứ hai, bằng hình thức thông báo trúng thưởng, các đối tượng gọi điện thoại yêu cầu bị hại chuyển tiền. Sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản thì phát hiện giải thưởng là giả và mất luôn số tiền đã chuyển. Thời gian qua, cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Cần Thơ cũng nhận được 02 tin báo về phương thức lừa đảo này.
Thứ ba, giả bán hàng online, khi bị hại đặt hàng thì yêu cầu nạp thẻ cào để làm phí vận chuyển, phí đảm bảo nhưng sau đó khóa tài khoản, không giao hàng và chiếm đoạt tiền.
Điển hình là vụ việc xảy ra vào ngày 12/8/2020, anh Lê Khắc Tình nhận được lời mời kết bạn và tin nhắn qua mạng xã hội Zalo từ tài khoản tên “Cơ sở thớt gỗ” với nội dung chào hàng thớt gỗ, cối, chày gỗ. Anh Tình đã đặt mua hàng gồm 700 chiếc thớt gỗ tròn, 500 chiếc thớt gỗ vuông, 400 chiếc chày, 400 chiếc cối với tổng số tiền là 39.400.000 đồng. Ngày 14/8/2020, anh Tình chuyển tiền mua hàng vào tài khoản 060056179413 tên Võ Quốc Việt, Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi anh Tình chuyển tiền mua hàng xong thì phát hiện tài khoản Zalo “Cơ sở thớt gỗ” đã bị khóa và số điện thoại liên lạc với tài khoản cũng bị chặn. Đến ngày 20/8/2020, vẫn không thấy ai giao hàng, anh Tình biết mình bị lừa nên đến Công an phường Long Hòa, quận Bình Thủy trình báo sự việc.
Thứ tư, các đối tượng sử dụng công nghệ để “hack” và chiếm quyền sử dụng tài khoản xã hội Facebook, Messenger rồi đóng giả chủ tài khoản. Sau đó, chúng viện ra những lý do cấp thiết để lừa người thân, bạn bè của bị hại chuyển tiền gấp hoặc nạp thẻ cào điện thoại để chiếm đoạt.
Thứ năm, đây là một phương thức được sử dụng khá phổ biến và rất nhiều nạn nhân đã bị lừa với thủ đoạn này. Cụ thể, các đối tượng giả danh là cán bộ ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để điện thoại, chụp hình các Quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng rồi gửi qua mạng xã hội để thông báo cho bị hại biết họ có liên quan đến đường dây tội phạm (ma túy, rửa tiền, buôn lậu...). Bị hại muốn chứng minh mình không liên quan đến vụ án thì phải chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng cung cấp để điều tra, xác minh để không bị bắt giam. Sau đó, các đối tượng này sử dụng chứng minh nhân dân giả để làm thẻ ATM, hay sử dụng sim điện thoại rác, tài khoản Facebook, Zalo, Messenger ảo để liên lạc và cung cấp số tài khoản ngân hàng để bị hại chuyển tiền rồi chiếm đoạt .
Gần đây nhất, ngày 23/6/2020, anh Hoàng Gia Nam có nhận cuộc gọi từ số 0909.663.695 tự xưng là người Bưu cục, thông báo anh Nam đang nợ tiền Thẻ tín dụng đăng ký tại Ngân hàng VietBank CN Đà Nẵng số tiền 45.986.350 đồng và yêu cầu trong thời gian 02 giờ phải thanh toán cho Ngân hàng, nếu không sẽ gửi hồ sơ sang Cơ quan điều tra. Sau đó, có 01 đối tượng kết bạn zalo và gửi hình ảnh thẻ ngành Công an (họ và tên: Dương Mạnh Hùng, sinh ngày 17/5/1986, số thẻ 168-379, cấp ngày 27/10/2011, Cơ quan: PC02 Công an thành phố Đà Nẵng) cho Nam. Đối tượng này yêu cầu Nam khai báo số tài khoản của Nam mở tại Ngân hàng Vietcombank và điền thông tin tại trang web: wwwww.84vn113.com. Sau đó, anh Nam đã thực hiện theo yêu cầu, lúc này trong tài khoản anh có 33.700.000 đồng. Tuy nhiên, đối tượng trên tiếp tục hù dọa và yêu cầu anh Nam nạp thêm vào tài khoản số tiền 150.000.000 đồng. Ngân hàng Vietcombank nhiều lần gửi tin nhắn báo mã OTP cho Nam và anh cũng cung cấp mã này cho các đối tượng. Tuy nhiên, khi anh Nam kiểm tra lại tài khoản thì phát hiện đã mất tổng số tiền là 183.600.000 đồng trong tài khoản.
Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội
Từ thực tế tiếp nhận và xử lý tin báo về loại tội phạm này nhận thấy: các đối tượng sử dụng công nghệ cao với thủ đoạn chuyên nghiệp, có tổ chức và đan xen nhiều phương thức thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, số lượng người dân bị các đối tượng lừa đảo ngày càng tăng, số tiền chiếm đoạt ngày càng có giá trị lớn. Qua phân tích và đánh giá, có ba nguyên nhân lớn dẫn đến sự gia tăng của loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, sự phát triển “bùng nổ” của khoa học công nghệ trong thời đại 4.0 dẫn đến công tác quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều sơ hở, chưa theo kịp với diễn tiến của tình hình thực tiễn xã hội.
Thứ hai, công tác tuyên truyền đến quần chúng Nhân dân liên quan đến các hành vi, thủ đọan lừa đảo qua mạng xã hội ( Zalo, Facebook, Messenger) chưa sâu sát và thường xuyên.
Thứ ba, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ bản thân các nạn nhân, hầu hết chưa ý thức đầy đủ và tầm quan trọng của công tác bảo mật thông tin, chủ quan với các cảnh báo an ninh, an toàn thông tin mạng, mất cảnh giác, không bảo mật thông tin cá nhân dẫn đến bị tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội
Giải pháp phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội
Thời gian tới, để góp phần kéo giảm tình hình tội phạm liên quan đến công nghệ cao và nhất là đảm bảo công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội xảy ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ có hiệu quả, cần có sự chung sức, chung tay của các cấp, các ngành và nhất là các Cơ quan tư pháp thành phố.
Một là, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội; liên tục đưa ra cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật cũng như đẩy mạng phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật, liên quan đến lừa đảo qua mạng xã hội. Kịp thời xác minh, xử lý triệt để các nguồn tin liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng xã hội.
Hai là, khuyến cáo người dân không nên công khai các hình ảnh và thông tin cá nhân như: tên tuổi, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ cư trú, số điện thoại... của mình lên mạng xã hội, không cung cấp mật khẩu, tài khoản cá nhân cho người khác; khi sử dụng mạng xã hội phải cảnh giác những tài khoản lạ, tài khoản là người nước ngoài khi họ chủ động kết bạn, không chuyển tiền cho người khác khi chưa kiểm tra, xác thực thông tin chính xác của người được nhận, đặc biệt là các trường hợp chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại, mua bán hàng online. Bên cạnh đó, người dân cần phải đề cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội, tích cực thông tin, tố giác kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội.
Lừa tiêm vaccine COVID-19 giả, “y tá dởm” lĩnh 4 năm tù
Hơn 3 năm chưa xử xong vì bị đơn liên tục lấy lý do hoãn tòa
-
1VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
2VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
3Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
4VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
5VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
6Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
7VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
-
8VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
9VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
Bài viết chưa có bình luận nào.