Cần có thời gian cho KSV hoàn thiện luận tội tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

12/01/2017 10:17

Quá trình xét hỏi, KSV phải bổ sung vào bản đề cương luận tội những điểm phát sinh trong quá trình xét hỏi, ghi nhận những chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và sử dụng làm chứng cứ để luận tội. Đồng thời loại bỏ những điểm không còn phù hợp với kết quả xét xử để tăng tính thuyết phục của luận tội.

Sau khi đọc bài viết “Một số kỹ năng cơ bản đối đáp, tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm hình sự” của tác giả Đỗ Minh Tuấn (Phó Chánh Thanh tra VKSND thành phố Hà Nội) đăng trên tạp chí Kiểm sát. Theo tôi, bài viết đã đem đến cho KSV những kỹ năng căn bản bổ ích. Tôi đã từng là KSV, nay với cương vị là một Thẩm phán, tôi rất tâm đắc nội dung trong bài viết:  “Chú ý: Quá trình xét hỏi, KSV phải bổ sung vào bản đề cương luận tội những điểm phát sinh trong quá trình xét hỏi, ghi nhận những chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và sử dụng làm chứng cứ để luận tội. Đồng thời loại bỏ những điểm không còn phù hợp với kết quả xét xử để tăng tính thuyết phục của luận tội.”

Những kỹ năng trên là cơ sở để đánh giá trình độ, kinh nghiệm và sự thành công của KSV tại phiên tòa.

Theo quy định của BLTTHS, trong phần thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, trước khi xét hỏi KSV công bố cáo trạng; sau khi kết thúc việc xét hỏi, KSV trình bày luận tội, bị cáo và những người tham gia tố tụng trình bày ý kiến của mình về nội dung bản luận tội; KSV đối đáp lại những ý kiến của những người tham gia tố tụng.

Trong quá trình xét hỏi được diễn ra giữa nhiều người tiến hành tố tụng với nhiều người tham gia tố tụng (Chủ tọa, Kiểm sát viên, Luật sư, Hội thẩm… với bị cáo, người làm chứng, người bị hại….), KSV cũng như Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đều phải tập trung theo dõi toàn bộ quá trình xét hỏi để cập nhật, đánh giá làm rõ các chứng cứ và tình tiết của vụ án.

Giai đoạn xét hỏi được diễn ra liên tục, KSV phải tập trung kiểm sát toàn bộ hoạt động xét xử, chứ không chỉ tập trung riêng cho việc bổ sung, chỉnh sửa đề cương luận tội. Như vậy, tại phiên tòa không có một khoảng thời gian nào để việc KSV bổ sung, hoàn thiện đề cương luận tội. Nên trong thực tiễn, khi KSV trình bày luận tội còn thiếu logic, lý lẽ lập luận chưa mạch lạc, có khi giọng điệu của KSV còn lúng túng, nhất là khi đối đáp, tranh tụng. Có KSV bí quá nên chỉ buông một câu: “KSV giữ nguyên quan điểm như bản luận tội mà tôi vừa trình bày trước Tòa”.

Có thể thấy, đề cương bản luận tội mà KSV chuẩn bị rất công phu trước khi mở phiên tòa vẫn chỉ là “án bỏ túi”, chưa đủ cơ sở cho KSV trình bày được mạch lạc, tự tin (cả khi trình bày lẫn khi đối đáp, tranh tụng). Bản luận tội phải thông qua quá trình xét hỏi, điều tra công khai các chứng cứ, tình tiết của vụ án tại phiên tòa được KSV kiểm tra sử dụng, bổ sung kịp thời mới là cơ sở chắc chắn, tự tin để bảo vệ cáo trạng (toàn bộ hay một phần), là cơ sở để tranh tụng và buộc tội bị cáo, là cơ sở để kiểm sát các quyết định của HĐXX trong vụ án đó… Đây là giai đoạn quan trọng nhất để thể hiện những kỹ năng trong hoạt động tố tụng của KSV đối với một vụ án hình sự sơ thẩm.

Trong quá trình xét xử, sau việc xét hỏi thì KSV phải trình bày luận tội ngay, không có một khoảng thời gian nào cho việc KSV bổ sung, cân nhắc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa; bổ sung, điều chỉnh các nội dung vào đề cương luận tội? Với những vụ án đơn giản, ít bị cáo, chứng cứ rõ ràng thì việc chuẩn bị đề cương luận tội là đơn giản và chủ động được các tình huống, không mất nhiều thời gian cho việc bổ sung đề cương luận tội. Nhưng với những vụ án phức tạp (có nhiều bị cáo, có bị cáo đã thành niên, có bị cáo chưa thành niên; áp dụng cả BLTTHS, BLHS, BLDS mới và cũ; rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn với một hoặc một số bị cáo; nhiều chế định pháp luật – phạm tội nhiều lần, có tính chất côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, ….) thì rất khó khăn cho KSV bổ sung vào dự thảo để bảo đảm một bản luận tội có sức thuyết phục tại phiên tòa.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, các KSV ngày càng phải nâng cao kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa, tôi đề nghị bổ sung quy định: Sau khi kết thúc phần xét hỏi phải có một khoảng thời gian để KSV bổ sung, hoàn thiện đề cương luận tội như khoảng thời gian HĐXX nghị án. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng hướng dẫn, xin trao đổi kinh nghiệm của cá nhân tôi là tại phiên tòa nếu thấy cần thiết thì KSV bằng cách nào đấy trao đổi với chủ tọa phiên tòa cho giải lao để KSV có thời gian bổ sung đề cương luận tội trước khi trình bày. Mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các độc giả.

 Phạm Ngọc Ánh

Thẩm phán TAQS khu vực 2, Hải quân.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang