Bốt gác ngân hàng và pháp luật

02/03/2017 04:19

Tối 27.2, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu lực lượng quản lý đô thị trả lại các bốt gác cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh trên đường Võ Văn Kiệt. Đây không phải là điều khó đoán trước. Cái khó đoán trước có lẽ là hệ lụy của nó đối với chiến dịch lập lại trật tự kỷ cương cho hè phố ở TP Hồ Chí Minh và trong cả nước.

Trước hết, sự thỏa hiệp của ông Hải cho thấy, việc thực thi pháp luật khó khăn biết nhường nào. Căn cứ pháp luật để dỡ bỏ các bốt gác nói trên là hoàn toàn đầy đủ. Luật Giao thông đường bộ tại Khoản 3, Điều 8 nghiêm cấm: “Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép”. Trong lúc đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã không xuất trình được giấy tờ khẳng định việc xây dựng các bốt gác trên hè phố là đã được cho phép. Như vậy, việc phá dỡ các bốt gác chỉ là để bảo đảm thực thi một lệnh cấm rõ như ban ngày của pháp luật. Việc này thuộc thẩm quyền của mọi cấp chính quyền địa phương (trong đó có cấp quận). Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các cấp chính quyền địa phương đều được giao nhiệm vụ: “Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn”. Thế nhưng, có vẻ như một cơ quan cấp quận cưỡng chế một cơ quan cấp Trung ương không phải là dễ.

Hai là, sự thỏa hiệp của ông Hải cũng cho thấy bảo đảm công bằng, nhất quán trong việc thực thi pháp luật chẳng dễ chút nào. Công trình của những người dân, của các doanh nghiệp đã bị tháo dỡ một cách dứt khoát và triệt để. Thế thì tại sao công trình của cơ quan nhà nước lại không? Nguyên tắc mọi chủ thể, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật tuyên bố thì dễ, nhưng thực thi quả thực là không dễ.

phá dỡ bốt gác ngân hàng
               Phá dỡ bốt gác ngân hàng Nguồn: ITN

Công bằng mà nói, Chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước là rất quan trọng và phải được bảo vệ. Tuy nhiên, làm điều này thế nào để không vi phạm pháp luật và không tạo ra một đặc quyền, một sự phân biệt đối xử so với những người dân cũng rất quan trọng. Nên chăng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước có thể bố trí vị trí ở trong tòa nhà để tiến hành công việc bảo vệ cho đến khi xin được giấy phép đặt trạm gác ở vỉa hè hoặc chuyển trụ sở đến nơi có thể đặt trạm gác mà không vi phạm pháp luật. Suy cho cùng, bảo vệ một chi nhánh ngân hàng là quan trọng, nhưng bảo vệ pháp luật cũng quan trọng không kém, nếu như chúng ta không muốn nói là quan trọng hơn.

Cuối cùng, hợp pháp thì đồng thời cũng phải hợp lý. Đa số người dân xâm chiếm vỉa hè không phải vì họ muốn vi phạm pháp luật, mà vì họ có nhu cầu phải làm như vậy vì đời sống dân sinh. Việc lập lại trật tự vỉa hè chỉ có thể hiệu quả và bền vững, nếu các nhu cầu dân sinh của người dân cũng đồng thời được giải quyết. Cụ thể, ở những nơi có vỉa hè rộng thì nên kẻ sơn để bố trí không gian hợp lý nhằm đáp ứng cả nhu cầu đi lại và nhu cầu để xe máy, thậm chí nhu cầu kinh doanh của người dân. Ở những nơi vỉa hè quá hẹp thì nên nhanh chóng quy hoạch và xây những bãi đậu xe lân cận để người dân có nơi gửi xe.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng/Báo Đại biểu nhân dân

Các ngân hàng rốt ráo xử lý “cục máu đông” nợ xấu

(Kiemsat.vn) – Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực từ 15/8/2017 đã giúp các tổ chức tín dụng, Ngân hàng có đủ cơ sở pháp lý xử lý “cục máu đông” nợ xấu. Trong vòng một tháng trở lại đây, liên tục nhiều tài sản bảo đảm đang được các chủ nợ “nhịn đau” bán rẻ, thu hồi vốn.

Ngân hàng Ocean Bank sẵn sàng trả khách hàng số tiền 400 tỷ bị “bốc hơi”

(Kiemsat.vn) – Sau 5 năm gửi tiền, khách hàng mang 17 cuốn sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 400 tỷ đến rút thì Ngân hàng mới phát hiện số tiền trên không xuất hiện trên hệ thống. Bộ Công an đã khởi tố ba cán bộ Ocean Bank Hải Phòng
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang