Bộ Y tế: Đề xuất 3 phương án bán rượu, bia theo giờ

28/05/2018 10:08

(kiemsat.vn)
Dự thảo lần 2 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vừa được công bố, Bộ Y tế đưa ra ba phương án điều chỉnh khung giờ cấm bán rượu bia. Đề xuất này liệu có khả thi?

Theo cổng thông tin Báo điện tử Chính phủ, ngày 25/5/2018, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo góp ý dự án luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Hội thảo có sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)...

Quang cảnh Hội thảo (nguồn internet)

Bà Trần Thị Trang, Vụ phó Pháp chế Bộ Y tế, cho biết dự thảo đề xuất cấm khuyến mại rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; cấm dùng rượu bia làm giải thưởng cho các cuộc thi; cấm cung cấp rượu bia miễn phí. Đồng thời, nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu rượu bia từ 15 độ trở lên. Loại dưới 15 độ thì cấm quảng cáo trên phương tiện giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, kênh truyền hình, phim... có đối tượng người xem là trẻ em. Cấm quảng cáo bia trên mạng xã hội.

Bà Trang lý giải, nhu cầu sử dụng rượu bia có xu hướng tăng nhanh, nhất là bia. Mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm (5 năm trước chỉ 3,8 lít). Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt tiêu thụ 7 lít cồn một năm. Trên thế giới, mức tiêu thụ chỉ tăng từ 6,1 lít lên 6,2 lít và ổn định trong 15 năm qua.

Tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia cũng cao nhất thế giới và  ngày càng tăng với cả hai giới. Số nam, nữ trên 15 tuổi có sử dụng rượu bia trong 30 ngày qua tăng từ 70% và 6% năm 2010 lên 80% và gần 12% năm 2015. Người trẻ tuổi uống rượu bia đang gia tăng, trong đó tuổi vị thành niên, thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm.

Hiện luật quảng cáo chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên, quy định quản lý bia như quản lý các đồ uống khác. Trong khi đó bia và rượu có tác hại như nhau khi quy ra nồng độ cồn nguyên chất. Vì thế, bà Trang cho rằng cần kiểm soát việc quảng cáo bia cho phù hợp.

"Việt Nam đang được xem là thị trường rất hấp dẫn với hãng rượu bia, chỉ sau Mexico. Chúng ta cũng chưa có quy định hạn chế với thanh thiếu niên, nên bất cứ giờ nào các em cũng tiếp cận được với quảng cáo bia", bà Trang nhấn mạnh.

Dự thảo liệu có khả thi?

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, việc cấm quảng cáo bia, rượu sẽ dẫn tới những thiệt hại cho phát triển du lịch, kinh tế, xã hội. Điều này không nhất quán với chủ trương của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Sản xuất bia, rượu giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp quan trọng vào ngân sách với khoảng 50 nghìn tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước Giải Khát Việt Nam (VBA) cho biết.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Một số doanh nghiệp dẫn chứng, kinh nghiệm tại các quốc gia trên thế giới cho thấy việc cấm quảng cáo sẽ không có hiệu quả đối với một nhóm có hành vi lạm dụng đồ uống có cồn. Đặc biệt, số liệu thống kê và kinh nghiệm ở các nước khác cũng cho thấy, việc cấm quảng cáo đồ uống có cồn/bia thực tế không có tác động đến lượng tiêu thụ các sản phẩm này.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, chỉ cần thắt chặt quản lý kiểm soát rượu thủ công, vì ở nước ta, rượu không kiểm soát, trong đó đa số là rượu thủ công chiếm tới 75%. Rượu chất lượng kém là nguyên nhân gây ra ngộ độc.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật do lạm dụng rượu bia như lái xe khi say rượu, bạo lực gia đình, gây rối trật tự…

Kiến nghị bỏ phương án bán rượu bia theo giờ

Cũng tại Hội thảo lần này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dự thảo Luật nên bỏ phương án bán rượu, bia theo giờ. Vì việc cấm sẽ khiến người tiêu dùng có xu hướng uống nhiều hơn hoặc thiếu trách nhiệm trước giờ cấm. Việc này còn thiếu tính khả thi trong hoạt động giám sát, kiểm tra, đặc biệt vào khung giờ cấm ban đêm.

Đại diện EuroCham cũng kiến nghị Bộ Y tế bỏ quy định về khoảng cách bán kính tối thiểu 500 m giữa các điểm kinh doanh rượu bia vì đây là đề xuất chưa khoa học, không phù hợp với xu hướng phát triển đô thị với việc thay thế các cửa hàng bán lẻ bằng các trung tâm thương mại, siêu thị và có thể tạo nên một cơ chế độc quyền khi mỗi trung tâm thương mại hay siêu thị chỉ được có một cửa hàng bán lẻ rượu, bia. Việc này cũng không hiệu quả trong việc hạn chế lạm dụng rượu bia vì người tiêu dùng sẵn sàng di chuyển thêm 50 m để mua rượu bia.

 

Dự thảo luật đưa ra 3 phương án về thời gian cấm bán rượu, bia.

Phương án 1 là chỉ được bán rượu, bia vào 11-14h và 17-22h hằng ngày; trừ trường hợp bán tại khu vực bay quốc tế và khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia 6-22h hằng ngày, trừ khu vực bay quốc tế và tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.

 

 

Xem thêm >>>

Đầu xuân xin đừng… quá chén

Vướng lao lý chỉ vì bia rượu

Phạm tội khi say rượu có được giảm nhẹ TNHS không?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang