Đầu xuân xin đừng… quá chén

16/02/2018 11:05

(kiemsat.vn)
Dù vui xuân đến mấy chúng ta cũng không nên uống rượu đến say, càng không nên uống thường xuyên, làm quen dần với tên “đệ nhất hung thần” này.

Ngày xuân, ít nhiều nhà nào cũng có rượu. Thực ra, nhấp một vài ly rượu nhỏ khai vị trong bữa cỗ đầu xuân cũng hay hay, nó gây hưng phấn làm ta thấy vui xuân, vui tết hơn. Nhưng hãy coi chừng, dù vui xuân đến mấy chúng ta cũng không nên uống rượu đến say, càng không nên uống thường xuyên, làm quen dần với tên “đệ nhất hung thần” này.

Uống rượu ngày tết (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Do các tác dụng kích thích và gây hưng phấn, trước đây đã có một thời người ta tưởng rượu là bạn của con người, giúp ta thêm sức khỏe và can đảm. Ngày nay khoa học đã chứng minh rượu không phải là bạn mà là một kẻ thù độc ác, nó phá hủy cơ thể ta một cách ngấm ngầm, và đến một lúc nào đó, người nghiện rượu gục xuống cùng một căn bệnh nặng, rất khó chữa.

Có thể nói, không một cơ quan, tế bào nào trong cơ thể con người lại không bị tác động của rượu. Rượu được hấp thụ qua máu, 20% qua ngay dạ dày, số còn lại qua đường ruột. Sau 1-2 giờ nồng độ cồn trong máu lên đến cực đại, một lượng cồn bị đốt cháy trong cơ thể thành bioxyt cacbon, phần còn lại đọng trong cơ thể nhiều ngày. Vào đến các tổ chức, cồn tấn công tất cả các tế bào của cơ thể. Cơ quan phải chịu đựng nhiều nhất là hệ thần kinh trung ương. Lượng cồn còn lại ở trong máu đến não. Các tế bào thần kinh vốn rất nhạy cảm trước bất cứ chất độc nào, nên cồn đã gây ra những rối loạn trầm trọng trong sự hoạt động của vỏ não, làm cho vỏ não không còn kiểm soát và điều chỉnh được hoạt động của các trung tâm dưới vỏ nữa. Các trung tâm này thoát ra khỏi sự kiểm soát của vỏ não, lâm vào tình trạng bị kích thích và tất cả hoạt động trở nên hỗn loạn, vô tổ chức. Cũng vì vậy, người say rượu có tình trạng “tửu nhập ngôn xuất” nói cười huyên thuyên, hay đập phá, gây ẩu đả… Sau giai đoạn kích thích này, họ sẽ thiếp đi trong một giấc ngủ sâu, không có phản ứng gì với môi trường chung quanh, thân nhiệt hạ, mạch thưa thớt.

Ở người nghiện rượu mãn tính, những rối loạn không xảy ra rõ rệt như trên, nhưng các bộ phận của cơ thể đã bị rượu phá hoại nghiêm trọng hơn nhiều. Dưới ảnh hưởng của cồn, cơ tim bị thoái hóa và một phần trong tổ chức cơ tim được thay thế bằng mỡ.

Một trong những hậu quả bi thảm của nghiện rượu là bệnh xơ gan, một cơ quan rất quan trọng có nhiệm vụ ngăn cản các chất độc do máu đem từ ruột hoặc từ ngoài đến. Rượu đã phá hủy chức phận này của gan. Gan bị thoái hóa và một phần tế bào bị thay thế bởi các tế bào liên kết và mỡ. Bệnh xơ gan xuất hiện và thường kết thúc bằng cái chết.

Trên đây chúng tôi mới nói đến những tác hại của rượu về mặt sức khỏe và bệnh tật. Tác hại của rượu về mặt đạo đức xã hội còn lớn hơn rất nhiều, nó không chỉ giết dần giết mòn người nghiện mà còn là nguyên nhân của nhiều loại tai nạn và tội ác. Người ta đã thống kê cho thấy số tai nạn giao thông là do những người uống rượu gây ra, kể cả lái xe và khách bộ hành là chiếm tỷ lệ rất cao.

Nhà bác học Đi-giông đã viết trong một tạp chí y học Pháp: “Rượu là nguyên nhân của vô số những tội ác: 90% trong số những vụ hỏa hoạn cố ý, 55% số tội phạm, 95% số bị thương và ẩu đả, 55% số tội chống lại đạo đức xã hội”.

Nói đến tai nạn và tội ác do rượu gây ra thực là vô cùng.

Mỗi chúng ta hãy vì sức khỏe và phòng ngừa những hậu quả vi phạm pháp luật có thể xảy ra, nhắc nhau không bao giờ quá chén!

Hương Liên

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang