Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể và chặt chẽ các căn cứ tạm giam

16/09/2016 02:07

Khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: 1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây: a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; b) Bị can, bị cáo […]

Khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định:

1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Việc quy định các căn cứ chung chung, như: “cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử” hay “cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố xét xử” đã dẫn đến vướng mắc trong nhận thức, áp dụng; bởi vì cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau như: Tiêu hủy chứng cứ, làm giả hiện trường, thông đồng với nhau về những lời khai gian dối, mua chuộc, khống chế người làm chứng, người bị hại hoặc các hình thức khác.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể và chặt chẽ hơn các căn cứ tạm giam. Theo đó, tại khoản 2 Điều 119 quy định:

Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Như vậy, bênh cạnh việc kế thừa một số căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như: Căn cứ bỏ trốn, hay tiếp tục phạm tội , khoản 2 Điều 119 đã bổ sung thêm căn cứ “có dấu hiệu bỏ trốn”, hoặc “có dấu hiệu tiếp tục phạm tội” (điểm c, d); đồng thời thay thế các căn cứ chung chung bằng căn cứ cụ thể tại các điểm a, b, đ.

Điều 119 cũng bổ sung khả năng áp dụng biện pháp này đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã (khoản 3)./.

Hồng Phong

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang