Bình Dương – hình mẫu về mở cửa, thu hút đầu tư

19/04/2022 19:20

(kiemsat.vn)
Đó là nhận xét của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại phiên thảo luận về chuyên đề Kinh tế - Phát triển đô thị trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ thành tựu và triển vọng” chiều 19-4 do Tỉnh uỷ Bình Dương phối hợp cùng Hội đồng lý luận Trung ương và Tạp chí Cộng sản tổ chức.

Đại biểu chủ trì hội thảo phiên chuyên đề Kinh tế - Phát triển đô thị

Bình Dương 25 năm không ngừng phát triển

Kế thừa những thành quả của tỉnh Sông Bé, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, lại được tạo điều kiện thuận lợi bởi các cơ chế, chính sách của Trung ương, Bình Dương đã lựa chọn những cách làm mới, đúng đắn, sáng tạo để trở thành một trong những địa phương phát triển thành công nhất cả nước. Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương trong 25 năm qua nổi bật như:

GRDP bình quân đầu người hiện nay đạt gần 7000 USD/người/năm, thuộc vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 103 lần sau 25 năm. Đây là một kỳ tích đối với một tỉnh có ít tài nguyên thiên nhiên, không có sân bay cũng không có cảng biển. Bình Dương là địa phương có sức thu hút mạnh mẽ đối với nguồn nhân lực có kỹ năng. Từ năm 1997 đến nay, dân số của tỉnh đã tăng gần 300%, điều này có nghĩa rằng: hơn 2 triệu người đã chọn đến Bình Dương sinh sống và làm việc.

Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại phiên hội thảo

Bình Dương cũng là điểm đến của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh là trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam, là số ít các địa phương có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất “tỷ đô”. Đặc biệt, Bình Dương có các doanh nghiệp rất thành công ở cả ba loại hình (nhà nước, ngoài nhà nước và FDI). Mới đây, Tập đoàn LEGO đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại nhất thế giới với công nghệ trung hòa carbon đầu tiên của họ với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đô-la ở Bình Dương cho thấy tỉnh là một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp thế giới.

Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh còn dưới 1%. Năm 2019, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch đề ra trước một năm. Tỷ lệ đô thị hóa tăng mạnh, đạt 82% vào năm 2020, hơn gấp 2,5 lần so với trung bình của cả nước. Cùng với quá trình công nghiệp hoá, sớm nhận thấy tầm quan trọng của đô thị hóa là một động lực quan trọng của tăng trưởng, tỉnh đã thực hiện chiến lược đô thị hoá phù hợp: xây dựng khu đô thị mới, hình thành Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị, phát triển đô thị thông minh; từng bước nghiên cứu, đầu tư mô hình Khu công nghiệp - đô thị khoa học - công nghệ, Vùng Đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những động lực phát triển mới cho tỉnh trong cả trung và dài hạn. Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã bốn lần liên tiếp vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong 21 khu vực (Top 21) có Chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.

Cơ cấu kinh tế hiện nay của Bình Dương theo các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tương ứng là 66,5%, 2,5% và 22,8%. Một cách toàn diện hơn, có thể nói, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp hóa, thu nhập trung bình cao. Bình Dương đã đi trước 10 năm trong hoàn thành mục tiêu phát triển đặt ra cho cả nước vào năm 2030 và hoàn toàn có tiền đề để trở thành tỉnh phát triển hiện đại, thu nhập cao trước năm 2045.

Không chỉ vượt trội trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, những kết quả đạt được trong các lĩnh vực văn hoá, phát triển con người, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…của tỉnh Bình Dương trong 25 năm qua cũng rất ấn tượng, với nhiều dấu ấn. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 của Bình Dương đạt 0,736 thuộc vào nhóm cao của cả nước.

Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã nỗ lực khắc phục các khó khăn và tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra, bảo đảm an sinh, an ninh và an toàn, sức khỏe cho người dân, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại buổi hội thảo GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét: Nhìn lại 25 năm qua, Bình Dương đã trở thành một hình mẫu về mở cửa, thu hút đầu tư và tiến hành công nghiệp hoá, đô thị hoá. Sự phát triển của Bình Dương không chỉ mang lại kinh nghiệm quý báu mà còn là động lực và nguồn cảm hứng to lớn cho các địa phương khác. Những thành tựu phát triển Bình Dương đạt được 25 năm qua là điểm sáng, phản ánh sinh động những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới của đất nước, với những quyết sách hệ trọng như: chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá.….đã đem lại những cơ hội mới cho các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình, gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động...cũng như huy động thêm các nguồn lực mới từ trong và ngoài nước.

Bình Dương sẵn sàng cho tầm nhìn định hướng đến năm 2050

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội thảo, sáng cùng ngày đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản phối hợp giữa Tỉnh uỷ Bình Dương với Hội đồng lý luận Trung ương thực hiện Đề án Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050.

Tỉnh uỷ Bình Dương ký kết Biên bản phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương thực hiện Đề án Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050. (ảnh: Duy Khánh)

Đề án sẽ đánh giá kết quả phát triển của tỉnh Bình Dương một cách toàn diện trên tất cả các mặt trong thời kỳ đổi mới; xác định, làm rõ những đặc trưng nổi bật của mô hình phát triển tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước; phân tích những nguyên nhân, nhất là cách làm dẫn đến sự thành công và rút ra những bài học kinh nghiệm từ kết quả đạt được của tỉnh Bình Dương; phân tích, dự báo những nhân tố tác động đến sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong 03 thập kỷ tới; xác định quan điểm, tầm nhì, mục tiêu, mô hình, định hướng chiến lược và lộ trình phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2050; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách để tỉnh Bình Dương có những đột phá phát triển trong tương tương lai.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương - Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại lễ ký kết Biên bản phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương thực hiện Đề án Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050.

Bình Dương đang ở tư thế sẵn sàng cho cuộc chạy đua lên đỉnh cao phát triển mới từ nay đến năm 2030, với tầm nhìn đến giữa thế kỷ. Bình Dương sẽ là một trong những tỉnh đầu tiên cần phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, để tiếp tục là hình mẫu cho các địa phương khác, tạo động lực cho cả nước đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện hoá mục tiêu đó, tại hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đã đưa ra một số đánh giá khách quan để Bình Dương có định hướng phù hợp cho việc phát triển kinh tế như:

Cơ cấu các ngành công nghiệp chế tạo của Bình Dương còn khá đa dạng. Có 3 nhóm ngành công nghiệp chế tạo có tỷ trọng trong tổng lao động của tỉnh ở mức cao nhất (trong khoảng từ 8% đến 12%) đều là các ngành thâm dụng lao động (chế biến gỗ, sản xuất bàn, ghế, giường, tủ; may; da giày…). Các ngành này sẽ gặp thách thức khi dân số già hóa, thu nhập người dân tăng lên nên mức lương mà người lao động yêu cầu sẽ tăng lên. Trong tương lai, các ngành này sẽ bị kẹt ở giữa một bên là các tỉnh khác ở Việt Nam hay ở một số quốc gia khác với giá nhân công rẻ hơn, với một bên là các nước phát triển có tri thức, công nghệ cao hơn, gần với thị trường tiêu thụ lớn hơn nên vẫn nắm giữ các khâu thiết kế, bán hàng đến người tiêu dùng cuối cùng, tức là nắm giữ các khâu có giá trị gia tăng cao nhất của các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Becamex IDC chủ trị phiên hội thảo chuyên đề Kinh tế - Phát triển đô thị

Bình Dương cần thu hút tối đa nguồn lực này cả ở trong và ngoài nước. Sự hiện diện của một số trường đại học công nghệ, kỹ thuật ở Bình Dương hiện nay là rất quan trọng, cần được tiếp tục nâng cấp; đồng thời Bình Dương cũng cần tiếp tục khuyến khích để có thêm nhiều trường đại học có chất lượng về với tỉnh. Phát huy truyền thống “chung lưng đấu cật” giữa chính quyền và doanh nghiệp, Bình Dương sẵn có nền tảng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, với sự tham gia của ba nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường.

Bình Dương cần tiếp tục khai thác lợi thế địa-kinh tế và tỷ lệ đô thị hóa cao của tỉnh, để trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nâng tầm phát triển các đô thị vệ tinh thông minh và đáng sống, có quy mô vừa và nhỏ, có các dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường sống…đạt tiêu chuẩn cao, kết nối đồng bộ với TP. Hồ Chí Minh cả về hạ tầng giao thông và hạ tầng số, góp phần giải nén dân cư cho TP. Hồ Chí Minh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Bình Dương có vị trí địa kinh tế rất thuận lợi là nằm ở khu vực Đông Nam Bộ - một vùng động lực kinh tế năng động và quan trọng nhất của cả nước, với tiềm năng kết nối dễ dàng với thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Lợi thế này giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận tải, chi phí thương mại, qua đó giúp tăng lợi thế cạnh tranh. Nhìn lại 25 năm qua, đầu tư hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối là một trong những ưu tiên cao nhất nhằm giải quyết điểm nghẽn trong tăng trưởng, giúp thu hút được các nguồn lực, qua đó tối đa hóa lợi thế địa - kinh tế của Bình Dương.

Toàn cảnh hội thảo phiên Kinh tế - Phát triển đô thị

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ thành tựu và triển vọng” đã nhận được 175 bài tham luận cho Hội thảo của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Tỉnh, cơ quan, đơn vị trong Tỉnh. Buổi hội thảo chiều 19-4 đã diễn ra các phiên chuyên đề: Xây dựng hệ thống chính trị và các bài học kinh nghiệp trong lãnh đạo, điều hành: Kinh tế - Phát triển đô thị; Con người - Văn hóa - Xã hội; Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ thành tựu và triển vọng”

Tại hội thảo các đại biểu đã tham luận với các nội dung tập trung phân tích làm rõ ý nghĩa lịch sử của sự kiện chia tỉnh Sông Bé thành 02 tỉnh Bình Dương và Bình Phước; đây không chỉ là sự kiện mở đầu còn là tiền để để Bình Dương phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, đưa Bình Dương trở thành hình mẫu lý tưởng của đất nước về công nghiệp hóa, đô thị hóa, xây dựng cuộc sống giàu mạnh cho nhân dân.

Từng tham luận có những nội dưng chính như: Về con người và văn hóa xã hội, các tham luận tâm đắc về luận điểm hết sức quan trọng là công nghiệp hóa, đô thị hóa, các quyết sách phát triển kinh tế xã hội ở Bình Dương luôn hướng đến con người, coi trọng lợi ích của nhân dân, quan tâm đến an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; nhiều tham luận quan tâm đến vấn đề xây dựng văn hóa, con người Bình Dương trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Về quốc phòng, an ninh, các tham luận đề cập đến việc quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng và chính sách của nhà nước về quốc phòng an ninh vào thực tiễn địa phương; thực hiện tốt phương châm “an ninh chủ động, quốc phòng từ xa”, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân.

Đại biểu chủ trì tại phiên hội thảo về chuyên đề Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại (ảnh: Duy Khánh)

Về hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, các tham luận phân tích, làm rõ sự chú trọng hội nhập, chủ động tiếp cận và tranh thủ phát huy những mặt tích cực của hội nhập quốc tế để phát triển của Bình Dương; trong đó có vai trò nổi bật của các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh trong liên doanh liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp của nước tiên tiến để vừa học, vừa làm từ cách quản trị, công nghệ, phương thức sản xuất kinh doanh; hoạt động đối ngoại của tỉnh không chỉ mang lại kết quả thiết thực trong sản xuất, kinh doanh mà còn để lại dấu ấn, tình cảm của Bình Dương đối với bạn bè quốc tế; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; Hình ảnh về đất và người Bình Dương ngày càng trở nên đẹp hơn, ấn tượng hơn trong lòng bạn bè quốc tế.

Các nhà khoa học và đại biểu thảo luận bên lề Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ thành tựu và triển vọng”

Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ thành tựu và triển vọng” là một trong những hoạt động đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tỉnh Bình Dương, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra là: Xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Phát biểu tại hội thảo GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cũng đánh giá cao Tổng Công ty Becamex IDC là mô hình công ty phát triển rất thành công, có một vai trò hết sức quan trọng góp phần định hình tiến trình phát triển của Bình Dương trong 25 năm qua. Thành công đó là điều mà đến nay chưa có tập đoàn kinh tế nào làm được ở những địa phương khác trong cả nước; và góp phần khẳng định một bài học kinh nghiệm: địa phương muốn phát triển kinh tế-xã hội rất cần có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn.
VSIP cũng là mô hình khu công nghiệp có dấu ấn nổi bật trong sự phát triển của Bình Dương. Từ điểm tựa thành công của khu công nghiệp đầu tiên tại Thuận An, đến nay, VSIP đã phát triển thành 11 khu công nghiệp ở khắp ba miền Nam, Trung, Bắc. Từ mô hình khu công nghiệp truyền thống, VSIP đã hình thành mô hình Khu liên hợp đô thị - công nghiệp – dịch vụ. Đặc biệt, sự ra đời của VSIP III tại Bình Dương đã trở thành hình mẫu mới về phát triển khu công nghiệp xanh gắn liền với định hướng tạo lập hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao.

Bình Dương: 25 năm chiến lược ngoại giao liên thành phố

(Kiemsat.vn) - Thời gian qua Bình Dương đã chủ động, sáng tạo và định hình những nét ngoại giao riêng, phản ánh trong đó là tính nhân văn, sự mộc mạc, khiêm cung, hòa lẫn với phong cách hào sảng của người Bình Dương, nhưng vẫn để những không gian linh động cho việc thẩm thấu các yếu tố văn hóa khác, từng bước định vị Bình Dương trở thành vùng đất ngoại giao đa văn hóa...

"Sân chơi đường phố" - Điểm hẹn cuối tuần sôi động tại Thành phố mới Bình Dương

(Kiemsat.vn) - Từ đầu tháng 4/2022, người dân Bình Dương đã có thêm địa điểm giải trí lành mạnh, gần gũi, thân thiện, chất lượng cao, một điểm hẹn mang tên “Sân chơi đường phố” Binh Duong new city tại Công viên trung tâm Thành phố mới Bình Dương.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang