Bế mạc Phiên họp thứ Ba mươi hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

13/03/2019 20:00

(kiemsat.vn)
Chiều 13/3, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32.

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Thư viện; dự thảo Nghị quyết của QH về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất, kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách; xem xét và thông qua Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa dược quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết về việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: TTXVN)

Luật Thư viện không được làm phát sinh tổ chức, biên chế

Về dự án Luật Thư viện, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng hoạt động thư viện có những năm phát triển rất mạnh, gắn với phong trào độc nhưng những năm gần đây cảm nhận có sự lãng quên, xuống cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, ông đi nhiều nước và dù là nước rất giàu thì họ cũng không khoe GDP bình quân đầu người bao nhiêu, giàu thế nào mà thường mời đến xem các thư viện như thư viện Quốc hội, thư viện đại học... “choáng ngợp và phục vụ hiện đại” để thấy được nền văn hoá, trình độ văn hoá của họ.

Về nội dung dự luật, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo cần dày công nghiên cứu để quy định cụ thể và rõ ràng hơn.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu thực tế hiện nay rất nhiều thứ người đọc có thể tìm kiếm trên mạng internet, tuy nhiên nên có cách làm để thu hút người đọc người đọc, ví dụ người đọc chỉ có thể đọc được trên mạng phần giới thiệu khái quát một số điểm còn muốn tiếp cận bản đầy đủ, bản gốc thì phải đến thư viện hoặc trả phí. Đồng thời nhấn mạnh vai trò định hướng đạo đức, lối sống cho người dân qua văn hoá đọc, nhất là với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.

Đề cập quy định về các điều kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ nghiệp vụ chuyên môn của người làm trong thư viện ở trình độ nào, trung cấp, cao đẳng, đại học? Thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tinh gọn bộ máy, biên chế và xã hội hoá ra sao? Những vấn đề này phải tính đồng bộ.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật Thư viện để phát triển hoạt động thư viện là rất cần thiết. Tuy vậy, phải đảm bảo nguyên tắc luật ra đời không được làm phát sinh tổ chức, biên chế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế  (Ảnh: Công lý)

Cương quyết chống gian lận, trốn thuế, chây ỳ nộp thuế

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 35.303 tỷ đồng, chiếm gần 44,9% tổng số tiền thuế nợ. Nguyên nhân là do có việc một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự. Cả chục nghìn doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền nợ đọng cả nghìn tỷ đồng...

“Từ tình hình trên, để giải quyết toàn diện nợ đọng, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm “Phải đảm bảo công khai, công bằng, tránh tình trạng có người chây ỳ, gian lận để thời gian trôi đi thì được xoá thuế còn người nghiêm túc lại thiệt. Chúng tôi thấy rằng cần thời gian xem xét thận trọng hơn” đồng thời, đề nghị nên để sau khi Quốc hội thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi mới nghiên cứu xây dựng nghị quyết xử lý những vấn đề mà luật chưa bao quát hết.

Đồng tình việc cần có một nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu rà soát kỹ để không bị lợi dụng nhằm trốn thuế, tạo thành tiền lệ xấu. Trước mắt tập trung hoàn thiện dự án Luật quản lý thuế sửa đổi để Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, sau đó trình nghị quyết cho chặt chẽ.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, 10.000 tỷ đồng đã là công trình trọng điểm quốc gia trong khi các khoản nợ đọng thuế là con số tương đối lớn, do đó phải xem xét phải thận trọng.

“Đối tượng nào được xem xét, vì sao cần xem xét và xem xét ở mức độ nào? Rồi trách nhiệm của người nợ thuế, người thu thuế ra sao? Tác động thế nào tới chính sách quản lý thuế sau khi có nghị quyết, để tránh có hành vi lợi dụng trốn thuế sau này?” – ông Phùng Quốc Hiển nêu ra hàng loạt câu hỏi và nhấn mạnh chỉ xem xét đối với người chấp hành nghiêm nộp thuế nhưng gặp phải trường hợp bất khả kháng, còn người vi phạm thì phải xử lý.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định việc xoá nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp phải xem xét thận trọng, nghiêm túc, công bằng, công khai, đúng pháp luật.

“Chính phủ cần chỉ rõ trách nhiệm của người nộp thuế, của người quản lý thu thuế, của chính quyền để làm sao giảm được tỉ lệ nợ đọng thuế ở mức thấp nhất, cương quyết chống gian lận, trốn thuế, chây ỳ nộp thuế” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh 05 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết để kịp gửi đại biểu Quốc hội đúng quy định hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4; đồng thời, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết để ban hành.

UBTVQH ban hành Nghị quyết về nhân sự ĐBQH

(Kiemsat.vn) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh; đồng thời nghe Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với 2 đại biểu Quốc hội.

UBTVQH xem xét các báo cáo về giám sát và chất vấn

Báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV được UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào sáng 19/9.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang