Bạo lực học đường: Cần lập đầu mối tiếp nhận, tố giác hành vi xâm hại trẻ em

04/12/2018 14:55

(kiemsat.vn)
Ủy ban Quốc gia về trẻ em yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các giáo viên, người lao động có hành vi bạo lực, xâm hại thể chất, tinh thần đối với trẻ em và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra vi phạm.

Bé trai 4 tuổi bị buộc dây, cột vào cửa sổ lớp học ở ở Trường mầm non B Trực Đại, Nam Định (Ảnh cắt từ clip)

Trước tình hình các vụ bạo lực trẻ em xảy ra tại trường học các tỉnh Quảng Bình và Nam Định gây bất bình trong dư luận xã hội thời gian qua, Ủy ban Quốc gia về trẻ em vừa có Công văn số 5079/UBQGTE yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác bảo vệ; thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực trẻ em.

Theo đó, để thực hiện công tác bảo vệ trẻ em; phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, xâm hại, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đề xuất 05 nhiệm vụ các địa phương cần làm:

Thứ nhất, yêu cầu các địa phương có giải pháp phù hợp để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em, đặc biệt là Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định về quy tắc ứng xử tới cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động, nâng cao đạo đức nhà giáo. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra nề nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi bạo lực, xâm hại thể chất, tinh thần đối với trẻ em và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm.

Các tỉnh, thành phố cũng có trách nhiệm thiết lập đầu mối thông tin, thông báo, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; chủ động thông báo, phối hợp với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) trong việc tư vấn, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương.

Cuối cùng, các địa phương phải chủ động báo cáo Ủy ban Quốc gia về trẻ em (thông qua cơ quan thường trực là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về tình hình, những khó khăn, vướng mắc và biện pháp giải quyết trong công tác bảo vệ trẻ em.

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về một bé trai bị buộc dây vào cửa sổ lớp học ở Trường mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

Theo thông tin của VOV, ngày 30/11, ông Đặng Xuân Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã xác nhận sự việc cô giáo buộc dây vào người một bé trai và cột ở cửa lớp xảy ra mới đây tại Trường mầm non B, xã Trực Đại, huyện Trực Ninh trên mạng xã hội và truyền thông là có thật.

Theo đó, bé trai được xác định là N.T. P. (4 tuổi) ở xã Trực Đại. Cháu P. bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, vừa bị câm, vừa bị điếc.

Do cháu P. bị tăng động mạnh, nên hai cô giáo phụ trách lớp 4 tuổi đã lấy một đoạn dây vải buộc vào người cháu để đảm bảo an toàn cho cháu và các bạn xung quanh. Cách làm của các cô giáo thể hiện nhận thức hạn chế, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm nuôi dạy trẻ khuyết tật, làm tổn thương trẻ, tạo nên hình ảnh phản cảm.

Tại Quảng Bình, chiều 19/11, khi phát hiện em H.L.N, học sinh lớp 6.2, Trường Trung học cơ sở Duy Ninh (Quảng Bình) nói tục, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy là giáo viên chủ nhiệm đã yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em N. Cô ra quy định, nếu bạn nào tát nhẹ, người bị phạt sẽ tát ngược lại 10 cái .

23 bạn trong lớp dưới sự chỉ đạo của cô giáo đã tát bạn mình 230 cái và cái cuối cùng là do cô giáo trực tiếp tát. Hậu quả, em H.L.N phải nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, ngất xỉu, 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt.

Lý do của sự trừng phạt khủng khiếp này được cô giáo giải thích là vì "áp lực thi đua của trường", vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.

Nhiều  ý kiến cho rằng, đó là một "cái tát" vào ngành giáo dục, là hành động phản giáo dục, là mầm mống của bạo lực, đồng thời cho thấy thực trạng đáng báo động về sự thiếu hụt kỹ năng sư phạm của một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay.

Xem thêm>>>

Hà Nội: Các cơ sở giáo dục phải thiết lập “đường dây nóng” về bạo lực học đường

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang