Bảo đảm quyền và các chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam

10/08/2023 11:10

(kiemsat.vn)
Theo Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của VKSND tối cao có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2023, quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật được Viện kiểm sát đảm bảo thông qua công tác kiểm sát các cơ sở giam giữ.

Bảo đảm quyền và các chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam

Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát việc cơ sở giam giữ bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định tại Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ; bảo đảm nhân đạo, không bị tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Viện kiểm sát cũng đồng thời kiểm sát việc cơ sở giam giữ bảo đảm thực hiện các chế độ ăn, ở, mặc và tư trang; gửi và nhận thư, sách báo, tài liệu; chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; các chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người bị kết án tử hình đang bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lộc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ - Công an huyện Gia Lộc.

Trong kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát kiểm sát chặt chẽ về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Khi phát hiện việc tạm giữ, tạm giam vi phạm về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu xử lý; đồng thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để chỉ đạo, phối hợp giải quyết.

Khi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phát hiện vi phạm của Tòa án nhân dân cấp cao về căn cứ, thủ tục hoặc thời hạn tạm giam thì ban hành kiến nghị yêu cầu khác phục vi phạm theo quy định tại Điều 5 và Điều 22 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; đồng thời gửi kiến nghị đến Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để theo dõi. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao không thực hiện kiến nghị, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để xem xét, quyết định.

Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu phát hiện vi phạm của Tòa án quân sự trung ương về căn cứ, thủ tục hoặc thời hạn tạm giam thì ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm theo quy định tại Điều 5 và Điều 22 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; đồng thời gửi kiến nghị đến Viện kiểm sát quân sự trung ương để theo dõi. Trường hợp Tòa án quân sự trung ương không thực hiện kiến nghị, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu báo cáo Viện kiểm sát quân sự trung ương để xem xét, quyết định.

Viện kiểm sát kiểm sát việc cơ sở giam giữ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, trong đó, chú trọng kiểm sát việc thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án trước khi hết thời hạn và việc kiến nghị khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam; việc trả tự do cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam bị thay đổi, thay thế, hủy bỏ hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với Kiểm sát việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ, Viện kiểm sát kiểm sát việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ của cơ sở giam giữ theo quy định của pháp luật; trong đó, chú trọng một số nội dung cụ thể: Việc phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc thực hiện chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ; việc quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn; việc giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết.

Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Theo Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, đơn từ tất cả các nguồn đều phải được phân loại, xử lý và quản lý thống qua đơn vị, bộ phận kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo quy định, quy chế của ngành Kiểm sát nhân dân.

Khi kiểm sát tại cơ sở giam giữ nếu nhận được đơn khiếu nại, tố cáo hoặc có người trực tiếp khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải lập biên bản ghi nhận sự việc với cơ sở giam giữ; trường hợp khiếu nại, tố cáo bằng lời nói thì hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo viết đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại, tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại, tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Sau đó, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên báo cáo, đề xuất phân loại, xử lý đơn theo quy định.

Quy chế mới về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2023

(Kiemsat.vn) - VKSND tối cao vừa ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự theo Quyết định số 259/QĐ-VKSTC, thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017. Trong đó quy định rõ đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh và phạm vi công tác kiểm sát.

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu

(Kiemsat.vn) - Ngày 23/6/2023, Quốc hội đã ban hành Luật số 22/2023/QH15, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Luật Đấu thầu năm 2023 gồm 10 Chương, 96 Điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý:
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang