Bàn về việc tổng hợp hình phạt đối với người được hưởng án treo phạm tội mới

30/11/2024 15:25

(kiemsat.vn)
Nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố đối với việc tổng hợp hình phạt đối với trường hợp người được hưởng án treo thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tác giả đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn, giải đáp để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

Trong thời gian qua, thực tiễn áp dụng pháp luật để tổng hợp hình phạt đối với trường hợp người được hưởng án treo thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách, theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của Bộ luật hình sự còn có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất, cụ thể:

Về cơ sở pháp lý, khoản 5 Điều 65 của Bộ luật hình sự quy định: “5.Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.”. Khoản 2 Điều 56 của Bộ luật hình sự quy định: “2.Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này”. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số: 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/8/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sau đây gọi là Nghị quyết 02) quy định: 1.Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật Hình sự;…”.

Theo quy định trên, trường hợp trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau đối với trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới, dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong việc tổng hợp hình phạt hay không tổng hợp hình phạt đối với trường hợp này. Cụ thể các quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo thực hiện hành vi phạm tội mới là trường hợp lần phạm tội mới này không nhất thiết phải đủ các yếu tố cấu thành tội phạm độc lập, trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật dưới mức tối thiểu cơ bản của tội phạm nhưng “đã bị kết án” chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì Tòa án vẫn phải buộc người đó chấp hành hình phạt tù của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự. Mặc dù lần phạm tội này đã dùng tình tiết “đã bị kết án” để định tội, nhưng xét về ý thức chấp hành pháp luật của người thực hiện hành vi thể hiện sự coi thường pháp luật, không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật. Do đó, khi xét xử người này về tội mới Tòa án buộc họ phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định thì mới đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Ví dụ: Ngày 13/9/2022 Tòa án nhân dân huyện P xử phạt Nguyễn Văn A 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng về tội “Đánh bạc”. Ngày 03/8/2023 A thực hiện hành vi đánh bạc với ba người khác. Tổng số tiền chứng minh được dùng vào việc đánh bạc là 4.500.000đ. Các đối tượng khác chưa có tiền án, tiền sự nên không bị khởi tố. Riêng Nguyễn Văn A thực hiện hành vi đánh bạc trong thời gian thử thách, nên huyện P xử phạt Nguyễn Văn A 06 tháng tù. Đồng thời buộc bị cáo A phải chấp hành hình phạt của bản án trước là 12 tháng tù. Tổng hợp hình phạt chung của hai bản án, Tòa án huyện P buộc Nguyễn Văn A phải chấp hành 18 tháng tù.

Để tổng hợp được với hình phạt tù của bản án trước, thì bản án mới chỉ có thể quyết định hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, quyết định hình phạt lần này không được cho bị cáo được hưởng án treo thêm một lần nữa và cũng không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính, vì hình phạt tiền và án treo không tổng hợp được với hình phạt tù của bản án trước.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo thực hiện hành vi phạm tội mới nghĩa là hành vi mới phạm phải đủ các yếu tố cấu thành tội phạm độc lập, không phụ thuộc vào nhân thân của người đó thì Tòa án mới phải buộc người đó chấp hành hình phạt tù của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự. Đối với trường hợp người được hưởng án treo thực hiện hành vi vi phạm dưới mức định lượng tối thiểu, khi định tội đã dùng tình tiết “đã bị kết án” làm cấu thành cơ bản của tội phạm, thì Tòa án không buộc họ phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước. Bởi lẽ, hành vi của họ không thuộc trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới mà chỉ là hành vi vi phạm hành chính mới. Trường hợp, Tòa án buộc họ phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước và tổng hợp hình phạt của 02 bản án đối với họ sẽ vi phạm nguyên tắc của Bộ luật hình sự là “Mỗi tình tiết chỉ được áp dụng một lần”, theo đó tình tiết “đã bị kết án” sẽ bị áp dụng hai lần. Do đó, khi xét xử người này Tòa án quyết định hình phạt của bản án mới với bất kỳ hình phạt nào và không phải tổng hợp với bản án trước đó, trường hợp này 02 bản án được thi hành song song.

Ví dụ: Tương tự ví dụ trên, khi xét xử Nguyễn Văn A về tội “Đánh bạc” lần này Tòa án quyết định hình phạt của bản án mới, theo đó xử phạt bị cáo 10 triệu đồng và 2 bản án được thi hành song song (không chuyển hình phạt tù cho hưởng án treo của bản án trước).

Trên cơ sở nội dung phân tích, lập luận của hai quan điểm trên, tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai; đồng thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn để các địa phương, các ngành thống nhất áp dụng, cụ thể:

Theo khoản 5 Điều 65 của Bộ luật hình sự quy định về điều kiện được hưởng án treo và tại khoản 2 Điều 56 của Bộ luật hình sự quy định về quyết định hình phạt đối với trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách. Đồng thời tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 02 hướng dẫn cụ thể các quy định trên của Bộ luật hình sự. Theo quy định trên, pháp luật đã quy định về điều kiện và hậu quả pháp lý đối với người được hưởng án treo phạm tội mới; do vậy cần phải nhận biết trường hợp nào thuộc trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới.

Tại Điều 8 của BLHS quy định về khái niệm tội phạm như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.

Theo quy định này thì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất,... xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật hình sự phải bị xử lý hình sự.

Hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị coi là tội phạm khi thỏa mãn đầy đủ các đặc điểm (dấu hiệu): về mặt khách thể, chủ thể, mặt khách quan và chủ quan của tội phạm. Trong đó, khách thể của tội phạm là những mối quan hệ xã hội được bảo vệ bởi pháp luật hình sự, bị tội phạm xâm phạm hoặc đe dọa gây thiệt hại. Mức thiệt hại (định lượng) phải được quy định trong bộ luật hình sự, nếu mức thiệt hại thấp hơn (không đủ định lượng) thì không đảm bảo yếu tố khách quan của một tội phạm độc lập. Trên cơ sở khái niệm về tội phạm, có thể khái niệm đượcPhạm tội là hành động thực hiện tội phạm”; có nghĩa là phạm tội là hành vi có dấu hiệu của tội phạm phải qua điều tra, truy tố, xét xử mới xác định được hành vi phạm tội đó có phải là tội phạm không.

Như vậy, có thể kết luận được trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới là hành động thực hiện tội phạm mới. Hành vi phạm tội được điều chỉnh bởi pháp luật hình sự, khác với hành vi vi phạm hành chính được điều chỉnh bởi pháp luật hành chính, ở mức thấp hơn. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới được hiểu là bằng hành động hoặc không hành động, thỏa mãn những dấu hiệu cấu thành tội phạm mới, độc lập được quy định trong bộ luật hình sự, không phụ thuộc vào nhân thân người phạm tội. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác nhẹ hơn.

Trường hợp người được hưởng án treo thực hiện hành vi phạm tội mới đáp ứng các dấu hiệu cấu thành tội phạm độc lập, khi đó lần phạm tội trước có thể xem xét là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm”, nếu hành vi lần này dưới mức tối thiểu cấu thành cơ bản của tội mới thì hành vi của họ không bị coi là thực hiện hành vi phạm tội mà chỉ là hành vi vi phạm hành chính. Việc tái phạm chỉ được đặt ra khi hành vi phạm tội mới của họ đáp ứng dấu hiệu cấu thành tội phạm độc lập, khi đó Tòa án phải áp dụng hình phạt nghiêm khác đối với họ và không cho họ được hưởng án treo thêm một lần nữa, vì họ không đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/8/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ví dụ: Tương tự ví vụ trên, trường hợp lần phạm tội sau Nguyễn Văn A cùng đồng phạm dùng số tiền đánh bạc trái phép từ 5.000.000đ chở lên thì lần phạm tội này thuộc trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới.

Hậu quả pháp lý của trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách là lần phạm tội mới này phải được Tòa án quyết định hình phạt mới độc lập, không phụ thuộc vào tình tiết “đã bị kết án”. Đồng thời hình phạt cho hưởng án treo của bản án trước sẽ được chuyển thành hình phạt tù và tổng hợp hình phạt chung của hai bản án.

Đối với trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng mức thiệt hại dưới mức tối thiểu cơ bản của Điều luật quy định, khi đó đã dùng tình tiết “đã bị kết án” để định tội đối với họ, thì trường hợp này không thuộc trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới được quy định tại khoản 5 Điều 65 của Bộ luật hình sự. Mặt khác, hành vi của họ chỉ vi phạm ở mức độ hành chính, mức độ thiệt hại cho xã hội không đáng kể, chỉ vì họ đã bị kết án trước đó, nên họ phải chịu trách nhiệm hình sự lần này. Lần phạm tội trước của họ đã được dùng làm dấu hiệu định tội cho lần này, nên không xem xét lần phạm tội trước là tình tiết tăng nặng đối với họ nữa.

So sánh giữa trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới, với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới rõ ràng có sự khác biệt cơ bản. Hành vi phạm tội mới được quy định trong Bộ luật hình sự và được điều chỉnh bởi pháp luật hình sự ở mức độ nghiêm khắc hơn. Còn hành vi vi phạm hành chính chỉ thuộc phạm vi điều chính của pháp luật hành chính. Do đó, hậu quả pháp lý của hai trường hợp này cũng phải khác nhau, không thể đánh đồng cùng hậu quả và tổng hợp hình phạt như nhau.

Như vậy, để giải quyết được các quan điểm trên trước tiên chúng ta phải xác định được đâu là trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới, đâu là hành vi hành vi vi phạm hành chính mới. Đối với trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới, theo quy định của pháp luật Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước, đồng thời chuyển hình phạt của bản án trước đó thành hình phạt tù và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự. Riêng đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm ở dưới mức tối thiểu cơ bản của điều luật quy định, không thuộc trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới, nên không thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 5 Điều 65 của Bộ luật hình sự và hình phạt của họ tại hai bản án sẽ được thi hành song song. Quy định này phù hợp với hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về sửa đổi, bổ sung Điều 2 Nghị quyết số 02/20118/NQ-HĐTP ngày 15/8/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều 65 của Bộ luật hình sự. Cụ thể: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:

“2. Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

a)

b) Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo”.

Theo hướng dẫn trên, trường hợp người bị kết án thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, khi định tội đã dùng tình tiết “đã bị kết án” thì họ cũng có thể được hưởng án treo thêm một lần nữa. Và án treo không phải là hình phạt, là biện pháp miễn trách nhiệm hình sự, do đó không thuộc trường hợp tổng hợp hình phạt theo quy định tại các Điều 56, 55 Bộ luật hình sự.  

Tuy nhiên, do hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, nên trong quá trình áp dụng pháp luật vẫn còn quan điểm e ngại mà tổng hợp hình phạt đối với cả hai trường hợp trên. Điều đó đã gây bất lợi cho người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ hành chính, chưa đảm bảo sự công bằng của pháp luật. Để giải quyết vấn đề này, tác giả kiến nghị với cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn, giải đáp việc tổng hợp hình phạt đối với  trường hợp người được hưởng án treo thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách.

Rất mong nhận được ý kiến góp ý, trao đổi của bạn đọc.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang