Bài 3: So sánh và một số đề xuất nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo rà soát chu kỳ 2 của UNCAC
(kiemsat.vn) Kiemsat online trân trọng gửi đến bạn đọc nội dung cuối trong Báo cáo của Nhóm chuyên gia Ngô Thị Quỳnh Anh - Phạm Thị Trang - Khachik Harutyunyan về "Nghiên cứu so sánh và đề xuất nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản và phòng, chống rửa tiền nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo chu kỳ 2 thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (UNCAC)".
Báo cáo “Nghiên cứu so sánh và đề xuất nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản và phòng, chống rửa tiền nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo chu kỳ 2 thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (UNCAC)” được hoàn thành với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam” (Dự án UNCAC) do UNDP thực hiện và Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa kỳ tài trợ. Các kết quả và quan điểm thể hiện trong Báo cáo là của Nhóm tác giả, không nhất thiết đại diện cho quan điểm của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), của INL cũng như của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
1. So sánh
Qua nghiên cứu pháp luật của các quốc gia, một số nội dung sau cần được tham khảo để pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự Việt Nam tương thích với các quy định của luật pháp quốc tế và thực hiện các khuyến nghị của báo cáo rà soát chu kỳ 2 của UNCAC đạt hiệu quả.
1.1. Về thu hồi tài sản
1.1.1. Tương trợ tư pháp liên quan đến thu hồi tài sản
Việt Nam: Áp dụng tương tự như quy trình tố tụng trong nước nhưng không có quy định cụ thể.
Các quốc gia đã nghiên cứu:
Thụy Sĩ: Có thể ban hành lệnh ngăn chặn tạm thời ngay khi chưa nhận được yêu cầu chính thức; quy định rõ việc trao trả tài sản cho nước ngoài khi đảm bảo các điều kiện kèm theo; không coi tội phạm kép là điều kiện từ chối tương trợ; từ chối tương trợ khi tội phạm liên quan là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc chi phí để thực hiện tương trợ quá lớn.
Pháp: Việc tịch thu không dựa trên kết án có thể là cơ sở của yêu cầu tương trợ tư pháp đối với việc thu giữ hoặc tịch thu và chỉ được thi hành ở Pháp theo án lệ đã được thiết lập và chỉ sau khi cơ quan tư pháp của Pháp đã xác minh rằng các sự kiện làm cơ sở cho yêu cầu cấu thành một hành vi phạm tội theo luật của Pháp.
Vương quốc Anh: Luật hình sự (Hợp tác quốc tế) 2003 được áp dụng chủ yếu để thực hiện tương trợ tư pháp hình sự, xử lý và giải quyết những vấn đề mang tính thể chế chính của quy trình tương trợ. Phần còn lại về các thông tin (bao gồm định dạng yêu cầu, khung thời gian và cơ sở từ chối) do văn kiện hợp tác cụ thể (ví dụ: thỏa thuận quốc tế, thỏa thuận song phương, bản ghi nhớ v.v.) hoặc các đạo luật nội địa khác như Luật về Tài sản do phạm tội mà có 2002 và các văn kiện khác cho phép thu hồi tài sản thông qua tương trợ tư pháp. Nhìn chung, luật pháp của Vương quốc Anh về yêu cầu tương trợ tư pháp là rất phức tạp, do đó Bộ Nội vụ Anh đã tổng hợp và đơn giản hóa dưới dạng hướng dẫn.
Về khía cạnh thu hồi tài sản, các giai đoạn yêu cầu sự hợp tác tương trợ tư pháp mạnh mẽ là "phong tỏa và tịch thu tài sản" và "xử lý tài sản". Việc phong tỏa được thực hiện để bảo đảm tài sản ở Vương quốc Anh sẵn sàng trao trả theo các lệnh tịch thu của nhà nước yêu cầu. Liên quan đến việc tịch thu trong tố tụng hình sự, cơ quan Trung ương quyết định ai sẽ thực hiện yêu cầu và chuyển cho cơ quan có liên quan. Cơ quan thực thi sau đó đệ đơn xin đăng ký lệnh tịch thu bên ngoài lên tòa án. Yêu cầu tịch thu tài sản lại đòi hỏi yêu cầu tội danh kép. Yêu cầu tương trợ tư pháp quốc tế (MLA) về tịch thu phải đáp ứng một số điều kiện nhất định nhằm đảm bảo việc tịch thu tài sản là chính xác, đúng pháp luật.
Úc: Luật tương trợ tư pháp về hình sự Úc 1987 ban đầu quy định những nội dung tương trợ truyền thống. Kể từ khi Bộ luật về tài sản có nguồn gốc phạm tội năm 2002 ra đời, Luật tương trợ tư pháp về hình sự đã bổ sung các quy định về phạm vi tương trợ liên quan đến xử lý, thu hồi tài sản có nguồn gốc tội phạm. Nội dung tương trợ này bao gồm tiếp nhận, thi hành các lệnh của nước ngoài yêu cầu phong tỏa, hạn chế, giám sát hay tịch thu tài sản có nguồn gốc tội phạm tồn tại ở Úc hoặc tiếp nhận yêu cầu của nước ngoài đề nghị tòa án có thẩm quyền ở Úc ban hành các Lệnh nêu trên sau đó thi hành trên thực tế.
Trong mọi trường hợp, yêu cầu của nước ngoài phải được gửi đến Tổng chưởng lý. Nếu quyết định việc thi hành, Tổng chưởng lý chuyển yêu cầu cho Viện Công tố bang để thi hành. Sau khi được phép thực hiện yêu cầu, Viện Công tố bang ủy quyền cho Cảnh sát thực hiện yêu cầu. Nếu yêu cầu liên quan đến xin ban hành hay thụ lý Lệnh khám xét, thu giữ, phong tỏa, giám sát hay tịch thu tài sản thì Viện Công tố bang hoặc Cảnh sát nộp đơn xin tòa án ban hành hay thụ lý Lệnh. Cơ quan quản lý tài sản là cơ quan thi hành Lệnh của tòa án đối với tài sản liên quan đến yêu cầu. Việc áp dụng điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động tương trợ trên đều được viện dẫn từ Bộ luật về tài sản do phạm tội mà có năm 2002. Việc thụ lý các lệnh nước ngoài dựa trên cơ sở Tổng chưởng lý có đủ căn cứ xác định rằng một người đã bị kết tội về tội phạm đó và việc kết tội và Lệnh liên quan đến yêu cầu đã có hiệu lực pháp luật ở nước đó. Nếu một yêu cầu thi hành Lệnh của nước ngoài không phải là các Lệnh nêu trên và được lập theo các quy định khác không phải là quy định của luật tương trợ nhưng có bản chất giống các Lệnh nêu trên, thì cơ quan có thẩm quyền của Úc vẫn có thể tiếp nhận và thi hành các Lệnh đó.
Hoa Kỳ: Văn kiện pháp lý được áp dụng gồm Bộ luật Hoa Kỳ (U.S.C). Quy định cụ thể liên quan: Một phần của Luật Hình sự: Tịch thu (Hình sự và Dân sự), Quy định chung về Tịch thu, Luật Thuế (IRS Seizure), Luật Hải quan (Vi phạm Hải quan), Thực thi Ma túy (Đạo luật về Chất bị Kiểm soát), Luật Di trú (Vi phạm Nhập cư).Quy tắc tố tụng hình sự liên bang: Tìm kiếm và thu giữ.Quy tắc tố tụng dân sự liên bang: Hoạt động tịch thu đối với tài sản, Tạm giữ người hoặc tài sản.Các Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Sổ tay chính sách tịch thu tài sản 2023.
Yêu cầu tương trợ từ nước ngoài được gửi đến Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) - Văn phòng Quan hệ Quốc tế (OIA) để xem xét yêu cầu. Với yêu cầu xin Lệnh khám xét và tịch thu tài sản, nếu yêu cầu được chấp thuận, DOJ sẽ phối hợp với các Công tố viên Hoa Kỳ để xin lệnh tòa về việc khám xét và tịch thu tài sản. Các cơ quan thực thi pháp luật (FBI hoặc DEA) thi hành lệnh khám xét, thu giữ hoặc các biện pháp khác phù hợp khác. Ngay cả khi không có lệnh từ các quốc gia khác kèm theo yêu cầu tương trợ, tòa án có thể ra lệnh dựa trên tính chất của vụ việc khi đảm bảo được nguyên tắc có lý do xác đáng.
1.1.2. Cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội
Việt Nam: Không có
Các quốc gia đã nghiên cứu:
Thụy Sĩ: Có cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội và được quy định chung trong BLTTHS.
Pháp: Mặc dù luật của Pháp không có cơ chế tịch thu tài sản mà không bị kết án, nhưng cơ chế không hoàn trả tài sản hoặc phương tiện phạm tội tạo ra những tác động gần như tương tự. Hơn nữa, khi không thể điều tra hoặc truy tố bị cáo, cơ chế không hoàn trả rộng rãi hơn được quy định trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật. Những tài sản đó sẽ được sung công quỹ Nhà nước.
Vương quốc Anh: Đạo luật về tài sản do phạm tội mà có 2002 (POCA) là luật chính quy định việc thu hồi tài sản không dựa trên kết án tại Vương quốc Anh. Các cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành quy trình thu hồi dân sự để tạm giữ và tịch thu tài sản nếu có lý do hợp lý nghi ngờ rằng tài sản đó là tài sản cần thu hồi, có nghĩa là tài sản do phạm tội mà có. Việc thu hồi tài sản không dựa trên kết án được thực hiện thông qua thủ tục tố tụng dân sự. Nghĩa vụ chứng minh được giảm đi trong thủ tục dân sự, yêu cầu cơ quan chứng minh rằng có lý do hợp lý để nghi ngờ rằng tài sản là tài sản cần thu hồi, thay vì chứng minh tội danh ngoài sự nghi ngờ hợp lý như trong các vụ án hình sự. Cơ quan chức năng chỉ cần phải chứng minh rằng có khả năng cao rằng tài sản được nêu là thu được từ hoạt động bất hợp pháp. Lệnh kê khai tài sản chưa giải thích (UWOs) là một công cụ quan trọng khác trong việc thu hồi tài sản không dựa trên kết án được giới thiệu theo Luật Tài chính Tội phạm 2017. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cá nhân giải thích nguồn gốc tài sản của họ nếu có lý do hợp lý để nghi ngờ rằng tài sản của cá nhân đó không tương xứng với thu nhập đã biết. Việc không cung cấp giải thích hợp lý có thể dẫn đến việc thu hồi tài sản. Việc thu hồi tài sản không dựa trên kết án tại Vương quốc Anh là một công cụ mạnh mẽ để đối phó với tội phạm tài chính và thu hồi tài sản thu được từ hoạt động bất hợp pháp. Nó tập trung vào chính tài sản thay vì chỉ dựa vào kết án hình sự, cho phép chính quyền phá vỡ các mạng lưới tội phạm và làm suy yếu khả năng sinh lời của các hoạt động bất hợp pháp.
Úc: Lệnh tịch thu có thể được thực hiện, tịch thu tài sản cho Liên bang, nếu một số hành vi phạm tội đã được thực hiện. Không phải lúc nào cũng cần yêu cầu rằng một người đã bị kết án về một tội phạm hình sự. Lệnh được thực hiện trên cơ sở đề xuất của Viện Công tố bang gửi đến tòa án có thẩm quyền. Lệnh phạt tiền của nước ngoài được đăng ký tại tòa án có hiệu lực và có thể được thi hành như thể đó là lệnh phạt tiền mà được thực hiện bởi tòa án theo Luật tài sản do phạm tội mà có tại thời điểm đăng ký; và yêu cầu thanh toán cho Liên bang số tiền phải trả theo lệnh.
Hoa Kỳ: Hoa Kỳ có Luật Công nhận các phán quyết về tiền của nước ngoài (UFCMJRA). UFCMJRA cung cấp một khuôn khổ cho việc công nhận và thi hành phán quyết về tiền của nước ngoài trong các vấn đề dân sự. Mặc dù Luật này chủ yếu giải quyết các phán quyết về tiền, nhưng một số khu vực tài phán có thể sử dụng các điều khoản trong luật này để giải quyết việc công nhận và thi hành các loại phán quyết khác, bao gồm cả lệnh tạm giữ và tịch thu. Như vậy, có một cơ chế mà Tổng chưởng lý chứng nhận bản án hoặc lệnh của nước ngoài (kiểm tra xem có “vì lợi ích công lý” hay không) sau đó chuyển những bản án đó cho tòa án để công nhận và cho thi hành.
Thu hồi tài sản không qua kết án hình sự của Hoa Kỳ bao gồm thu hồi tài sản theo tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Việc thu giữ thường xảy ra trước khi có bất kỳ sự tham gia nào của tòa án.
Khi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành quy trình tịch thu, vụ việc có thể được đưa ra tòa án để xét xử. Tòa án đánh giá xem chính phủ có đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ chứng minh và bằng chứng cứ đáng tin vượt trội, rằng tài sản bị thu giữ có thể bị tịch thu hay không. Dựa trên các bằng chứng và lập luận pháp lý được đưa ra trong quá trình xét xử, tòa án đưa ra quyết định về việc tịch thu tài sản. Nếu tòa án đặt niềm tin vào cơ quan chính phủ có thẩm quyền, tài sản sẽ bị tịch thu. Nếu tòa án thấy các nguyên đơn có cơ sở, tài sản sẽ được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp và việc tịch thu tài sản bị hủy bỏ.
Thu hồi tài sản qua tố tụng hành chính không có mô tả quy trình cụ thể. Việc tịch thu hành chính được áp dụng trong một số trường hợp hạn chế. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ xem xét áp dụng hay không.
1.1.3. Cơ chế phân chia và trả lại tài sản
Việt Nam: Chưa có quy định cụ thể.
Các quốc gia đã nghiên cứu:
Pháp: Pháp luật Pháp quy định chia một nửa cho Nhà nước Pháp và một nửa cho Nhà nước yêu cầu khi số tiền bị tịch thu vượt quá 10.000 EUR. Việc quản lý, bán và chia tài sản bị tịch thu được thực hiện bởi Cơ quan quản lý và thu hồi tài sản bị tạm giữ và tịch thu (AGRASC). AGRASC tư vấn cho tòa án việc lập giấy chứng nhận phong tỏa và tịch thu. Theo điều 706-160 của BLTTHS, AGRASC đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý các yêu cầu tương trợ tư pháp đến, số tiền thu giữ ở Pháp theo yêu cầu của một quốc gia nước ngoài được tập trung trong tài khoản AGRASC, chịu trách nhiệm về xử lý và tiêu hủy tài sản bị tịch thu và phân phối số tiền bán được để thực hiện bất kỳ yêu tương trợ tư pháp hoặc hợp tác nào từ cơ quan tư pháp nước ngoài.
Vương quốc Anh: Tài sản được thu hồi sẽ được xử lý thông qua một trong ba quy trình:
1. Các trường hợp thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng thuộc các quy định của Công ước Liên hiệp quốc chống tham nhũng (UNCAC) sẽ được xử lý theo Điều 57 của Công ước đó;
2. Các trường hợp không thuộc các quy định của UNCAC có thể được chia sẻ với quốc gia được nhận nếu có quy định trong bất kỳ luật pháp quốc tế nào áp dụng hoặc nếu Vương quốc Anh ký kết một thỏa thuận chia sẻ tài sản;
3. Nếu không có thỏa thuận chính thức với một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, sẽ có những thỏa thuận hành chính cho phép chia sẻ tài sản trong từng trường hợp cụ thể.
Trong trường hợp không có thỏa thuận chia sẻ tài sản nào, tài sản sẽ được giữ lại bởi Vương quốc Anh và xử lý theo luật pháp nội địa.
Úc: Về trả lại tài sản do phạm tội mà có cho các Quốc gia khác: Luật chỉ nêu những quy định liên quan đến việc trả lại tài sản bị tịch thu cho bên thứ ba mà không quy định cụ thể về thủ tục trả lại tài sản do phạm tội mà có cho nước khác. Úc để ngỏ không gian cho Hiệp định quốc tế để tùy chỉnh phù hợp đảm bảo hài hòa pháp luật của Úc với quốc gia khác trong trong lĩnh vực này.
Việc phân chia tài sản bị tịch thu ở Úc tuân theo Luật Tiền thu được từ tội phạm 2002 (POCA). Theo Luật này, tài sản bị tịch thu được chuyển vào tài khoản tài sản bị tịch thu, từ đó chúng có thể được sử dụng để: Bồi thường cho các nạn nhân của tội phạm, cung cấp kinh phí cho các sáng kiến phòng ngừa tội phạm, gây quỹ can thiệp để giảm thiểu tác hại của ma túy hoặc rượu, gây quỹ cho các chương trình tài trợ cộng đồng.Trên thực tế, các chi tiết cụ thể về cách phân bổ các quỹ này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định. Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) cũng có quyền quản lý và định đoạt tài sản bị tịch thu tùy từng trường hợp cụ thể.
1.1.4. Bảo vệ bên thứ ba ngay tình
Việt Nam: Có quy định mang tính nguyên tắc.
Các quốc gia nghiên cứu:
Thụy Sĩ: Các tổ chức và cá nhân có quyền gửi đơn và chứng minh sở hữu hợp pháp tài sản đang bị tạm giữ và đề nghị được trả lại.
Pháp: Hệ thống pháp luật của Pháp quy định việc bảo vệ chủ sở hữu bên thứ ba một cách thiện chí, với việc tịch thu tài sản theo tự nguyện của người bị kết án chỉ có thể thực hiện được nếu chủ sở hữu tự nguyện đồng ý.
Úc: Viện Công tố bang phải thông báo bằng văn bản về đề xuất xin lệnh tịch thu cho bất kỳ người nào có yêu cầu quyền lợi đối với tài sản được đề cập trong lệnh đã đăng ký và bất kỳ người nào mà DPP có cơ sở để tin họ có thể có lợi ích đối với tài sản đó. Vào bất kỳ thời điểm nào trước khi quyết định cuối cùng về lệnh, Tòa án xem xét đề xuất xin lệnh có thể yêu cầu Viện Công tố bang cung cấp hoặc công bố thông báo về lệnh cho một người hoặc một nhóm hoặc nhiều người cụ thể.
Hoa Kỳ: Sau khi thu giữ tài sản, cơ quan chính phủ có thẩm quyền phải thông báo cho chủ sở hữu hoặc những người có quyền lợi đối với tài sản bị thu giữ. Chủ sở hữu hoặc bên quan tâm có thể nộp đơn yêu cầu khẳng định quyền sở hữu của họ đối với tài sản.
1.2. Về phòng chống rửa tiền
1.2.1. Quy định pháp luật về hành vi phạm tội rửa tiền
Việt Nam: Có quy định về hành vi rửa tiền trong Luật Phòng chống rửa tiền 2022, Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Nghị định 19/2023/NĐ-CP hướng dẫn luật Phòng chống rửa tiền, Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về tội rửa tiền.
Các quốc gia nghiên cứu:
Thuỵ Sĩ: Bộ luật Hình sự, Đạo luật về các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (gọi tắt Đạo luật rửa tiền AMLA) của Liên bang, Pháp lệnh của Liên bang về chống rửa tiền và Pháp lệnh chống rửa tiền của cơ quan giám sát thị trường tài chính Thuỵ Sĩ (FINMA).
Pháp: Bộ luật Hình sự Pháp, Chỉ thị của EU 2015/849 ngày 20 tháng 5 năm 2015 về việc sử dụng hệ thống tài chính cho mục đích rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố, được chuyển thành Pháp lệnh số 2016-1635 ngày 12/1/2016; Luật Tiền tệ và Tài chính Pháp (CMF); Hướng dẫn tuân thủ thực hành của đại lý năm 2010 của Hội đồng các nhà đấu giá (Conseil des Ventes) ban hành; Luật Hải quan (CD) áp dụng cho rửa tiền có nguồn gốc từ vi phạm hải quan.
Vương Quốc Anh: Đạo luật về Tài sản do phạm tội mà có 2002 (POCA); Các Quy định về Rửa tiền, Tài trợ cho Khủng bổ và chuyển tiền (thông tin về người trả tiền) 2017 và một số đạo luật khác có liên quan.
Úc: Bộ luật Hình sự năm 1995; Luật chống rửa tiền và tài trợ Khủng bố 2006; Luật về báo cáo giao dịch tài chính (FRT) năm 1988.
Hoa Kỳ: Bộ Luật Hoa Kỳ (18 U.S.C §§. 1956 và 1957; Đạo luật bảo mật ngân hàng.
1.2.2. Khái niệm rửa tiền và quy định hình sự hoá hành vi rửa tiền
Việt Nam, khái niệm rửa tiền được quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, tội phạm rửa tiền được hình sự hoá và quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Tội phạm rửa tiền theo Điều 324 là cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi thoả mãn khoản 1 Điều 324 BLHS. Từ đó, cấu thành tội phạm của tội rửa tiền đáp ứng dấu hiệu “do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Như vậy, chủ thể của tội rửa tiền bao gồm người thực hiện tội phạm nguồn (hành vi tự rửa tiền) và người không thực hiện tội phạm nguồn (là người giúp người thực hiện tội phạm nguồn che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do phạm tội mà có).
Các quốc gia nghiên cứu:
Thụy Sĩ: Tội rửa tiền được hình sự hoá tại Điều 305bis của SCC. Theo đó, để xác lập tội rửa tiền, cơ quan hình sự cần chứng minh một hành vi là vi phạm tội phạm nguồn. Theo Điều 305bis SCC, tội phạm nguồn là các tội đặc biệt nghiêm trọng (có hình phạt từ 3 năm trở lên) và các tội rất nghiêm trọng về thuế. Trong trường hợp tội phạm nguồn thực hiện ở nước ngoài và bị truy tố ở đó, thủ phạm vẫn sẽ bị truy tố và xét xử tại Thuỵ Sĩ với hành vi rửa tiền thực hiện tại Thụy Sĩ (art. 305bis no. 3 SCC), điều này bảo vệ yêu cầu tịch thu tài sản ở nước ngoài.
Pháp: Tội rửa tiền được hình sự hoá tại Điều L324-1 của CP. Việc truy tố tội rửa tiền cũng phải xác định tội phạm nguồn và mặt chủ quan của tội phạm (mens rea). Nghĩa vụ chứng minh này thuộc về các cơ quan Chính phủ. Tuy nhiên, một số trường hợp, nghĩa vụ chứng minh có thể đảo ngược. Quy định pháp luật của Pháp cũng quy định, ngoại trừ các tội khinh tội (petty offenses), bất kỳ tội phạm nào cũng có thể cấu thành tội rửa tiền, tức là tội phạm nguồn của tội phạm nguồn. Ngoài ra, toà án Pháp cũng có thẩm quyền xét xử bên ngoài lãnh thổ Pháp trong một số trường hợp nhất định.
Vương Quốc Anh: Tội rửa tiền được hình sự hoá tại Điều 327, 328 và 329 Đạo luật POCA 2002. Pháp luật cũng quy định, cơ sở xác định hành vi rửa tiền là xác định tài sản do phạm tội mà có. Tài sản phải là tài sản do phạm tội mà có tại thời điểm thực hiện hành vi rửa tiền, nếu không hành vi này không được coi là hành vi rửa tiền. Cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ cần chứng minh người bị buộc tội rửa tiền phải biết hoặc nghi ngờ rằng tài sản đó là tài sản phạm tội. Như vậy, khái niệm tài sản do phạm tội mà có của Anh khá rộng khi POCA quy định đó là một khoản lợi hoặc kết quả của khoản lợi có được từ hành phạm tội nguồn.
Úc: Một người phạm tội rửa tiền nếu thực hiện giao dịch tài sản hoặc tiền mà người đó tin rằng tiền hoặc tài sản đó do phạm tội mà có hoặc người đó có ý định sử dụng tiền hoặc tài sản đó là công cụ phạm tội. Các giao dịch này bao gồm việc nhận, sở hữu, che giấu, xử lý, nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền hoặc tài sản hoặc tham gia vào một giao dịch ngân hàng liên quan đến tiền hoặc tài sản đó. Đối với tiền hoặc tài sản là tiền do phạm tội mà có, nó phải có nguồn gốc (một phần hoặc toàn bộ) từ được bất kỳ người nào (trực tiếp hoặc gián tiếp) vi phạm pháp luật Liên bang hoặc tiểu bang, hoặc quốc gia nước ngoài. Để tiền hoặc tài sản trở thành công cụ phạm tội, nó phải được sử dụng để thực hiện hoặc được sử dụng để tạo điều kiện cho việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của Liên bang, tiểu bang hoặc quốc gia nước ngoài. Úc không giới hạn các loại tội phạm nguồn, thậm chí mở rộng tội phạm nguồn có thể là tội phạm thực hiện ở quốc gia khác.
Hoa Kỳ: Tội rửa tiền được quy định tại 18. U.S.C. §1956 (2) (3) là hành vi thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến tiền thu được từ các hoạt động phi pháp cụ thể với mục đích thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động phi pháp hoặc để trốn thuế hoặc yêu cầu báo cáo. Hoa Kỳ không có quy định cụ thể nào đề cập rõ ràng về việc giải thích “tội phạm nguồn” trong luật Hoa Kỳ. Tuy nhiên, “tội phạm nguồn” thường đề cập đến các hoạt động tội phạm tiềm ẩn tạo ra các khoản tiền bất hợp pháp là đối tượng của hoạt động rửa tiền.
1.2.3. Đơn vị tình báo tài chính FIU
Việt Nam: Đơn vị tình báo tài chính của Việt Nam là cơ quan có chức năng thực hiện phòng, chống rửa tiền là Cục phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Các quốc gia nghiên cứu:
Thụy Sĩ: Đơn vị tình báo tài chính FIU là Văn phòng Báo cáo Rửa tiền Thụy Sĩ (MROS) thuộc sự điều hành của Cảnh sát liên bang.
Pháp: Đơn vị tình báo tài chính là TRACFIN nằm trong Bộ Kinh tế và Tài chính.
Vương Quốc Anh: Đơn vị tình báo tài chính của Vương Quốc Anh là UKFIU. UKFIU thuộc sự quản lý của Trung tâm tội phạm Kinh tế Quốc gia NECC của Cơ quan Tội phạm quốc gia.
Úc : Đơn vị tình báo tài chính của Úc là AUSTRAC trực thuộc Chính phủ Úc.
Hoa Kỳ: Đơn vị tình báo tài chính của Hoa Kỳ là FinCEN trực thuộc Kho bạc Nhà nước (Department of Treasury).
2. Một số đề xuất kiến nghị
2.1. Hoàn thiện pháp luật
Trên cơ sở nghiên cứu pháp luật tương trợ tư pháp hiện hành gồm Luật tương trợ tư pháp 2007 và các quy định có liên quan trong BLTTHS 2015, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Luật phòng chống tham nhũng 2018; nghiên cứu, tham khảo pháp luật của các quốc gia trên thế giới, cho thấy cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
Nội dung về thu hồi tài sản do phạm tội mà có có thể được bổ sung vào một trong những bộ luật hiện hành của Việt Nam như BLTTHS, Luật tương trợ tư pháp hoặc ban hành Luật mới như Luật tương trợ tư pháp về hình sự, Luật về thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
2.1.1. Giải pháp xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự
Việc hoàn thiện có thể theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật tương trợ tư pháp 2007 hoặc tách các lĩnh vực tương trợ để xây dựng riêng các luật tương ứng như Luật tương trợ tư pháp dân sự, Luật dẫn độ, Luật về chuyển giao người chấp hành án phạt tù và Luật tương trợ tư pháp về hình sự. Nếu bổ sung Luật tương trợ tư pháp 2007 thì Luật mới sẽ cồng kềnh, trùng lặp về những quy định chung. Ngoài ra, nội dung các loại hình tương trợ lại hoàn toàn khác nhau mà tập hợp chung trong một luật là không phù hợp. Qua nghiên cứu, cho thấy phương án xây dựng riêng các luật tương trợ sẽ đảm bảo đầy đủ và rõ ràng hơn về nội dung cũng như trình tự, thủ tục tố tụng, đáp ứng hiệu quả hơn trong việc tra cứu và áp dụng pháp luật cho những người tiến hành tố tụng trong và ngoài nước.
Kết cấu Luật tương trợ tư pháp hình sự nên theo hướng chia thành 04 phần gồm:
(1) Nhóm những quy định chung (Đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng hay mục đích, nhiệm vụ của luật; giải thích từ ngữ; mối quan hệ với điều ước quốc tế; áp dụng nguyên tắc có đi có lại; cơ quan trung ương về tương tợ tư pháp hình sự; phạm vi tương trợ; căn cứ từ chối tương trợ, quy định về miễn trừ (bảo đảm an toàn); giới hạn sử dụng và bảo mật thông tin; chứng nhận và chứng thực;
(2) nhóm các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu tương trợ của nước ngoài;
(3) nhóm những quy định về trình tự, thủ tục đề nghị nước ngoài thực hiện tương trợ; và
(4) nhóm những quy định khác/điều khoản thi hành.
Phần các quy định chung nên thêm mục giải thích các thuật ngữ được sử dụng trong Luật này, những nội dung cần phải có trong văn bản yêu cầu tương trợ và những quy định rõ ràng hơn về ngôn ngữ và chi phí cho hoạt động tương trợ.
Về phạm vi tương trợ, ngoài những nội dung tương trợ truyền thống như quy định tại Điều 17 của Luật hiện hành, cần được bổ sung thêm những hoạt động tương trợ đang được sử dụng ngày càng nhiều giữa các quốc gia như nhận dạng và xác định chỗ ở của một người; tổ chức cho người làm chứng, người giám định, cán bộ có thẩm quyền sang nước ngoài hoặc đến nước mình tham gia hỗ trợ điều tra hoặc cung cấp chứng cứ; khám xét, thu giữ; đặc biệt quy định cụ thể nội dung tương trợ về xác minh, truy tìm, kê biên, phong tỏa, tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội mà có.
Quy định về từ chối tương trợ nên được mở rộng thêm theo hướng phân chia thành từ chối bắt buộc (tương tự các quy định hiện hành) và từ chối tùy nghi (có thể xem xét tiếp nhận thực hiện hay từ chối để tạo sự linh hoạt, hỗ trợ tối đa cho nước ngoài nhưng quyền từ chối vẫn thuộc về phía Việt Nam). Trong quy định về từ chối tùy nghi cần cân nhắc bổ sung nguyên tắc tội phạm kép chỉ áp dụng đối với những yêu cầu tương trợ mang tính cưỡng chế như thực hiện các biện pháp khám xét, phong tỏa, tạm giữ và tịch thu tài sản...
Về nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan trung ương, sự phối hợp giữa cơ quan trung ương và các cơ quan có liên quan trong việc tiếp nhận xử lý yêu cầu tương trợ của nước ngoài. Điều 64 Luật tương trợ tư pháp hiện hành cần được bổ sung quy định chi tiết và đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan trung ương (Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Theo đó, ngoài quyền hạn tiếp nhận, từ chối hay hoãn thực hiện một yêu cầu tương trợ, cơ quan trung ương đồng thời có quyền phân công một cơ quan có thẩm quyền thi hành yêu cầu tương trợ đó. Tùy trường hợp cụ thể, cơ quan đầu mối phối hợp với cơ quan thực hiện yêu cầu thực hiện nội dung yêu cầu theo hướng dẫn của cơ quan trung ương nhằm đảm bảo hiệu quả và tính kịp thời của hoạt động tương trợ.
Về trình tự, thủ tục tố tụng tương trợ cần quy định theo hướng tách riêng và quy định quy trình giải quyết yêu cầu cụ thể cho từng loại tương trợ gửi đến và yêu cầu từ Việt Nam gửi đi nước ngoài. Cân nhắc bổ sung thêm quy định về nội dung của yêu cầu tương trợ của nước ngoài gửi đến Việt Nam nhưng không coi là điều kiện từ chối tương trợ nếu yêu cầu gửi đến chưa đầy đủ như nội dung đã quy định.
Các quyền công dân cũng như của những người tham gia trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự được bảo đảm thể hiện trong quy định về miễn trừ; có thể bổ sung quy định về miễn trừ cho người nước ngoài sang Việt Nam hỗ trợ điều tra và cung cấp chứng cứ.
Cần bổ sung thêm điều khoản riêng quy định cho thực hiện yêu cầu về khám xét và thu giữ; yêu cầu về kê biên, phong tỏa, tịch thu, trao trả tài sản do phạm tội mà có, công cụ, phương tiện phạm tội. Theo đó, cần có quy định rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cụ thể cho từng cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ về thu hồi tài sản.
Bổ sung quy định về công nhận bản án, quyết định, lệnh của cơ quan tố tụng nước ngoài để thực hiện tương trợ trong nước.
Quy định ban hành lệnh khám xét, kê biên, phong tỏa, thu giữ, tịch thu trên cơ sở nội dung yêu cầu tương trợ của nước ngoài mà không kèm theo lệnh, quyết định của cơ quan tố tụng có thẩm quyền của nước ngoài.
Quy định chi tiết cơ chế trao trả tài sản, chia sẻ tài sản bị tịch thu.
Quy định cho phép áp dụng quy trình thu hồi tài sản không qua kết tội hình sự (thu hồi tài sản theo thủ tục dân sự) trên cơ sở những quy định này được bổ sung trong BLTTHS hoặc Luật về thu hồi tài sản do phạm tội mà có (mới).
Cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, bao gồm Cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền lập yêu cầu tương trợ gửi đi nước ngoài; đặc biệt là công tác phối hợp, tham vấn giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ của nước ngoài.
2.1.2. Giải pháp bổ sung, sửa đổi BLTTHS 2015
BLTTHS 2015 đã bổ sung các quy địnhliên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự đã tạo cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, điển hình là quy định mới về tương trợ thu hồi tài sản do phạm tội mà có, tổ chức cho cán bộ có thẩm quyền ra nước ngoài tham gia thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam. Việc thực hiện các quy định liên quan đến tương trợ tư pháp về hình sự trong Bộ luật này đã góp phần giải quyết tốt nguồn tin báo tố giác tội phạm và quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Mặc dù vậy, thực tiễn thi hành cho thấy những quy định này đã thể hiện những vướng mắc bất cập và cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cụ thể:
Thứ nhất, Điểm e, khoản 1 Điều 87 và Điều 103 quy định một trong những nguồn của chứng cứ là “kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác”. Quy định như vậy không cụ thể để xác định hoạt động hợp tác quốc tế khác là những hoạt động hợp tác quốc tế nào. Nhiều trường hợp, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra trực tiếp liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài ở Việt Nam, thông qua Văn phòng Interpol hoặc liên hệ trực tiếp với cảnh sát nước ngoài để thu thập tài liệu, chứng cứ. Các trường hợp thu thập tài liệu chứng cứ nêu trên không qua kênh ủy thác tư pháp về hình sự; như vậy, có được coi là kết quả hợp tác quốc tế khác không. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định cụ thể các kênh hợp tác quốc tế khác ngoài kênh tương trợ tư pháp để có thể sử dụng thu thập chứng cứ ở nước ngoài.
Thứ hai, Điều 507 quy định về xử lý tài sản do phạm tội mà có nhưng không quy định cụ thể trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền nên khó khăn khi thực hiện. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài về thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, do pháp luật không quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, đến nay Việt Nam chưa có trường hợp thực hiện kê biên, phong tỏa, tịch thu, trả lại tài sản do phạm tội mà có theo yêu cầu tương trợ của nước ngoài. Đã có nhiều yêu cầu tương trợ của Việt Nam đề nghị nước ngoài thu hồi, trả lại tài sản cho Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nước ngoài thường yêu cầu Việt Nam đáp ứng các chuẩn mực pháp lý, thực hiện các thủ tục tố tụng, đưa ra các nội dung cam kết và cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu. Quá trình đáp ứng những đòi hỏi trên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ sở pháp lý để đáp ứng đòi hỏi của nước ngoài cũng như để xác định cụ thể, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong nước đáp ứng những yêu cầu trên. Vì vậy, quy định này cũng cần được sửa đổi theo hướng cụ thể hơn và đặt trong mối quan hệ với các quy định tương ứng trong Luật tương trợ tư pháp về hình sự.
Thứ ba, Điều 508 quy định về hợp tác phối hợp điều tra, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Tuy nhiên, quy định này chỉ mang tính nguyên tắc chung, không quy định cụ thể trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền nên khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong nhận thức và áp dụng quy định tại Điều 508. Ví dụ: Hoạt động hợp tác này thuộc lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự hay thuộc kênh hợp tác quốc tế khác trong tố tụng hình sự? Cơ quan nào chủ trì, đầu mối triển khai hoạt động hợp tác này? Trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động hợp tác này như thế nào? Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng: (1) quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục, điều kiện và (2) phân biệt rõ nội dung hợp tác này thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự hay là hoạt động hợp tác quốc tế khác.
2.1.3. Giải pháp xây dựng mới Luật thu hồi tài sản do phạm tội mà có: Luật mới này sẽ tổng hợp các biện pháp thu hồi theo trình tự tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
2.1.4. Tăng cường ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự: Trong thời gian tới, hoạt động ký kết các Hiệp định này cần tập trung đàm phán, ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự song phương với các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước có quan hệ truyền thống, các nước láng giềng, các nước có đông người Việt Nam sinh sống, các nước có quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư phát triển với nước ta; về nội dung các điều khoản, cần tiếp tục đàm phán theo hướng mở rộng hơn về phạm vi hợp tác, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục thực hiện; cập nhật hơn xu hướng phát triển của pháp luật quốc tế trong cùng lĩnh vực.
2.1.5. Xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự
* Cơ chế phối hợp:
- Phối hợp trong quá trình giải quyết tương trợ tư pháp đến: Điều 23 Luật TTTP 2007 tuy có quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài uỷ thác cho Việt Nam thực hiện, nhưng chưa quy định thủ tục một cách cụ thể. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở cấp bộ, ngành trung ương và cơ quan tiến hành tố tụng địa phương trong quá trình triển khai thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài còn thiếu kịp thời. Hoạt động phối hợp liên ngành trong hướng dẫn, rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự tại các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương chưa được triển khai thường xuyên. Việc hướng dẫn địa phương thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự chưa nhiều.
- Phối hợp trong quá trình giải quyết tương trợ tư pháp đi: Công tác phối hợp liên ngành về hướng dẫn, rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự tại các địa phương chưa được triển khai thường xuyên. Công tác hướng dẫn địa phương thực hiện tương trợ tư pháp chưa nhiều, dẫn đến việc các địa phương có các vụ án liên quan cần có yêu cầu tương trợ tư pháp vấp phải lúng túng, vướng mắc và không kịp thời gửi yêu cầu tương trợ tư pháp được. Điều này dẫn đến việc vụ án bị bỏ lỡ tình tiết hoặc bỏ lọt tội phạm... Thêm vào đó, việc dịch hồ sơ, tài liệu sang các tiếng khác không phổ biến cũng làm hạn chế đến chất lượng hồ sơ uỷ thác và kéo dài thời gian thực hiện tương trợ tư pháp. Vì thế cần có cơ chế phối hợp cụ thể, rõ ràng hơn đối với các cơ quan có liên quan, cơ quan trung ương khi thực hiện thủ tục giải quyết tương trợ tư pháp đi.
- Phối hợp trong xử lý những trường hợp uỷ thác khẩn, vướng mắc, có tính chất nhạy cảm...: Tham khảo thông tư liên tịch số 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/3/2023 quy định về phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố. Quy chế phối hợp liên ngành trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự cần được quy định rõ quy trình, trách nhiệm của từng bộ ngành liên quan trong việc phối hợp xử lý những uỷ thác tư pháp khẩn, có vướng mắc và có tính chất nhạy cảm. Từ đó đảm bảo sự phối hợp, chỉ đạo kịp thời của cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
* Cơ chế chia sẻ thông tin: Quy chế phối hợp liên ngành cũng cần có quy định về cơ chế chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành có liên quan để đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Cần có quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, nội dung được chia sẻ và quy trình chia sẻ cụ thể, đảm bảo việc chia sẻ thông tin được kịp thời và hiệu quả.
2.2. Các giải pháp khác nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự
2.2.1. Tổ chức, triển khai thi hành
Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động phối hợp liên ngành trong hướng dẫn, rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự tại các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương chưa thực sự được triển khai thường xuyên. Việc hướng dẫn thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương đối với các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương chưa thực sự nhiều. Ngoài ra, nội dung một số quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tương trợ tư pháp 2007 cũng thể hiện những bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Sự thiếu gắn kết, chưa đồng bộ và chưa hợp lý của pháp luật tố tụng trong nước liên quan đến tương trợ tư pháp về hình sự cũng làm ảnh hưởng đến việc giải quyết kịp thời các yêu cầu tương trợ tư pháp. Sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở cấp bộ, ngành trung ương và cơ quan tiến hành tố tụng địa phương trong quá trình triển khai thực hiện một số yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam còn lúng túng, ví dụ như việc thực hiện yêu cầu chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự, cam kết liên quan đến không áp dụng án tử hình, các biện pháp phong tỏa, thu hồi tài sản do phạm tội mà có, thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử...
Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn và công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt tăng tính chủ động và kịp thời trong phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, giữa hai cơ quan này với Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc lập, gửi, bổ sung thông tin yêu cầu tương trợ cho nước ngoài. Bên cạnh đó, cần chú ý tăng cường mối quan hệ giữa Cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam và nước ngoài nhằm bảo đảm hiệu quả quá trình liên hệ, đôn đốc thực hiện, có kết quả tương trợ. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự trong đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên để nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này, nhất là sự cần thiết của hoạt động tương trợ tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản; nâng cao chất lượng lập, gửi hồ sơ yêu cầu gửi nước ngoài đề nghị thực hiện.
Cơ quan Trung ương cần chú ý công tác tổng kết thực tiễn, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác tương trợ tư pháp về hình sự cũng được quan tâm thực hiện, nâng cao chất lượng hướng dẫn, trả lời thỉnh thị. Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới các cơ quan tiến hành tố tụng về nội dung các văn bản pháp luật liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự và kinh nghiệm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Về giải pháp tăng cường liên hệ với cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài: Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chủ động phối hợp, tăng cường liên hệ, gặp gỡ và làm việc trực tiếp với các Cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự của các nước có phát sinh nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự (ví dụ như Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát tối cao Cộng hòa Séc, Cơ quan Tổng Chưởng lý Ô-xtơ-rây-li-a, Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lào, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Cơ quan tư pháp vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Cơ quan Tổng Chưởng lý Xinh-ga-po, Bộ Tư pháp Hàn Quốc, Cơ quan Tổng Chưởng lý Ma-lai-xi-a…) để phối hợp trong trao đổi thông tin; giải thích pháp luật và trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp của mỗi bên; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đôn đốc, thống nhất các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp mới cũng như các yêu cầu tương trợ tư pháp tồn đọng từ trước.
Thông qua làm việc và trao đổi trực tiếp, Cơ quan Trung ương các nước có thể thống nhất áp dụng các biện pháp kịp thời, linh hoạt, phục vụ hiệu quả cho việc thực hiện yêu cầu tương trợ. Trong tình hình mới liên quan đến đại dịch toàn cầu covid 19, cần thực hiện việc gửi yêu cầu tương trợ qua hộp thư điện tử chính thức bên cạnh việc gửi qua đường công văn; tăng cường thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, rà soát đối chiếu thường xuyên tình hình thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự để nâng cao tỷ lệ thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự.
Tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực về tư pháp hình sự nói chung và tương trợ tư pháp hình sự nói riêng nhằm mục tiêu tăng cường đối thoại và trao đổi thông tin liên quan đến các vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự. Trong quá trình tham gia hội nghị, việc chủ động kết nối để thiết lập mạng lưới cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tương trợ tư pháp về hình sự của các nước cũng được chú trọng nhằm xây dựng niềm tin, nâng cao hiểu biết về hệ thống pháp luật các nước, tạo kênh liên hệ nhanh phục vụ cho hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thời gian qua đã thực hiện các thủ tục gia nhập các mạng lưới hợp tác không chính thức phục vụ thực hiện nhiệm vụ Cơ quan trung ương, trong đó có Mạng lưới các cơ quan tư pháp khu vực ASEAN (SEA Just) và Mạng lưới liên cơ quan thu hồi tài sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ARIN-AP) và Mạng lưới toàn cầu về chống tham nhũng của các Cơ quan thực thi pháp luật (GlobE). Vì vậy, cần quan tâm đầu tư nguồn lực phục vụ hoạt động hợp tác thông qua các kênh hợp tác này, vừa đảm bảo tính thiết thực, vừa góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.
2.2.2. Tăng cường nguồn nhân lực
Cần tiếp tục bổ sung thêm cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về tương trợ tư pháp hình sự nhằm đảm bảo đáp ứng hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự mà ngày càng phức tạp về nội dung, gia tăng về khối lượng. Cán bộ chuyên trách về tương trợ tư pháp về hình sự ở cấp trung ương cần được bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn, kiến thức về pháp luật quốc tế và ngoại ngữ để có đủ kỹ năng đàm phán, trao đổi với đối tác nước ngoài cũng như giải thích, hướng dẫn cho các địa phương. Ở cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, việc phân công giải quyết án có yếu tố nước ngoài cần được tập trung vào một số cán bộ để có điều kiện tập trung đào tạo kỹ hơn. Cần có những lớp học hoặc khóa học chuyên về kiến thức luật pháp quốc tế, bồi dưỡng kinh nghiệm giải quyết án có yếu tố nước ngoài trong từng nhóm tội. Từ đó giúp cho những cán bộ này có đủ trình độ chuyên môn để giải quyết có hiệu quả các loại án có yếu tố nước ngoài cần phải sử dụng tương trợ tư pháp về hình sự.
2.2.3. Bảo đảm kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật
Cần tăng cường các điều kiện bảo đảm, nhất là điều kiện làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự. Cần bảo đảm thiết lập và duy trì tốt hệ thống hộp thư điện tử công vụ phục vụ cho hoạt động gửi và tiếp nhận yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, lắp đặt trang thiết bị truyền hình trực tuyến phục vụ hoạt động tham vấn thực hiện tương trợ, đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và thực hiện tương trợ lấy lời khai qua cầu truyền hình.
Cần bổ sung thêm trang thiết bị như các loại máy tính xách tay, máy in, máy photocopy, thiết bị liên lạc di động, tủ đựng tài liệu... giúp cho cán bộ có đủ khả năng làm việc đạt hiệu quả cao trong công sở cũng như di chuyển vì mục đích thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.