Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

19/05/2018 16:11

(kiemsat.vn)
Do tính chất phức tạp của quá trình tổ chức thi hành án dân sự nên vẫn còn xảy ra những vi phạm của cơ quan Thi hành án dân sự và của Chấp hành viên, dẫn đến nhiều việc bị khiếu nại, tố cáo.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự là một lĩnh vực rộng nên trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu một số nội dung sau:

Cơ sở pháp lý của công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

Cơ sở pháp lý của công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự chủ yếu dựa vào ba văn bản sau: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014 (khoản 2, 3 Điều 4; khoản 1, 2 Điều 30); Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (Điều 159); Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của VKSND tối cao (Điều 26).

Thực trạng công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

Về trình tự, thủ tục kiểm sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được quy định rõ trong Luật Tổ chức VKSND, Luật Thi hành án dân sự và Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nhưng chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đạt được chưa cao do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nhiều đơn vị còn nhầm lẫn giữa giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự nên khi nhận được đơn là chuyển ngay cho cơ quan Thi hành án dân sự. Nhận thức này chưa đầy đủ vì vô hình trung đã bỏ qua chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo dẫn đến việc giải quyết của cơ quan Thi hành án dân sự có nơi, có việc chưa khách quan, chưa thuyết phục làm cho người dân khiếu nại, tố cáo nhiều lần; khiếu nại, tố cáo kéo dài (nhiều vụ việc kéo dài trên 15 năm chưa được xem xét giải quyết dứt điểm); khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Thứ hai, một số đơn vị còn nhận thức chưa rõ về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành nên khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thì chuyển ngay cho đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Thứ ba, một số Viện kiểm sát cho rằng, thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự là thuộc trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự, còn kiểm sát việc giải quyết những đơn đó là thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát. Vì vậy, khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thì đơn vị làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự đã phân công cán bộ Kiểm sát ngay từ đầu nên đã sớm phát hiện được những vi phạm của Chấp hành viên để yêu cầu khắc phục vi phạm, giúp cho cơ quan Thi hành án dân sự ra được quyết định giải quyết đơn đúng đắn, kịp thời, hạn chế được việc khiếu nại lên cấp trên. Trong trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát ban hành văn bản kiến nghị lên cơ quan quản lý cấp trên để có biện pháp quản lý, đôn đốc thực hiện hoặc coi đây là căn cứ để đơn vị giải quyết khiếu tố áp dụng các biện pháp kiểm sát gián tiếp đối với các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp.

Thứ tư, nhiều vụ việc cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án xong nhưng bản án phúc thẩm, giám đốc thẩm kết quả ngược lại bản án, quyết định mà cơ quan Thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành đến nay chưa có hướng giải quyết dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài gây bức xúc trong nhân dân nhưng đến nay liên ngành chưa có hướng dẫn giải quyết.

Thứ năm, do chưa có quy định đầy đủ về trình tự kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự nên đơn của người dân khiếu nại, tố cáo không được giải quyết dứt điểm; còn nhiều đơn bị chuyển đi, chuyển lại giữa các cơ quan mà không có kết luận giải quyết cuối cùng.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

Một là, Lãnh đạo VKSND các cấp cần quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Cần đầu tư một cách đúng mức về con người, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

Hai là, Vụ kiểm sát thi hành án dân sự thành lập Phòng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự để tiếp nhận, quản lý và tham mưu kiểm sát việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Theo dõi tiến độ và kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các Phòng, các VKSND địa phương, của cơ quan, đơn vị mà Vụ chuyển đơn đến để giải quyết theo thẩm quyền. Định kỳ hàng tháng báo cáo với Lãnh đạo Vụ phụ trách và Vụ trưởng tiến độ, kết quả giải quyết đơn và thông báo kết quả giải quyết cho Vụ 12 VKSND tối cao. Tham mưu, hướng dẫn sơ kết, tổng kết công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Vụ; tổ chức kiểm tra nghiệp vụ đối với các VKSND địa phương về công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu xây dựng đề tài khoa học, chuyên đề nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

Ba là, chú trọng đổi mới phương thức, nội dung kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Để có căn cứ xây dựng hướng dẫn về trình tự, thủ tục kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, VKSND tối cao cần tổ chức hội thảo toàn ngành để tranh thủ ý kiến đóng góp những kinh nghiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự của Viện kiểm sát địa phương, từ những kinh nghiệm hay đã được thực tế kiểm chứng xây dựng hướng dẫn về trình tự, thủ tục kiểm sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

Bốn là, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung) năm 2014 mới quy định mang tính chất định khung như: Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật, còn kiểm sát như thế nào cần phải được hướng dẫn. Do đó, VKSND tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về trình tự kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự để thống nhất thực hiện. Theo chúng tôi, cần tiến hành kiểm sát theo trình tự sau:

– Trường hợp nhận được đơn khiếu nại, tố cáo Chấp hành viên có sai phạm trong tổ chức thi hành án, nếu xét thấy khiếu nại, tố cáo đó chưa rõ ràng thì chuyển cho Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện để giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát.

– Trường hợp khi nhận được quyết định giải quyết đơn của Chi cục trưởng cấp huyện mà đương sự vẫn khiếu nại, tố cáo thì Viện trưởng VKSND cấp huyện cùng cấp phải rút hồ sơ để tiến hành kiểm sát; kết luận kiểm sát việc giải quyết đơn và trả lời cho đương sự. Trường hợp Kết luận của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện bị khiếu nại thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh phải xem xét giải quyết để trả lời cho đương sự.

– Trường hợp Cục trưởng Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh ra quyết định trả lời đơn mà đương sự vẫn khiếu nại, tố cáo thì Viện trưởng VKSND cấp tỉnh ra quyết định kiểm sát quyết định đó, kết luận và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết. Khi kết luận của Viện trưởng VKSND tỉnh bị khiếu nại thì Vụ kiểm sát thi hành án dân sự phải xem xét giải quyết và trả lời cho đương sự.

– Trường hợp Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp ra quyết định trả lời đơn mà đương sự vẫn khiếu nại, tố cáo thì Vụ trưởng Vụ 11 thuộc VKSND tối cao ra quyết định kiểm sát và kết luận trả lời đơn đương sự.

– Trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định trả lời đơn mà đương sự vẫn khiếu nại, tố cáo thì Viện trưởng VKSND tối cao kết luận việc giải quyết đơn và trả lời đương sự.

Năm là, mỗi Kiểm sát viên, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự phải không ngừng nghiên cứu, học tập, tìm hiểu pháp luật, coi kiến thức pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo là một bộ phận hợp thành kiến thức, trình độ năng lực của mình để tự chủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát trong kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Sáu là, VKSND tối cao cần rà soát toàn bộ kết luận kiểm sát việc giải quyết đơn của VKSND tỉnh, nếu phát hiện thấy việc tổ chức thực hiện kết luận của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh chậm thì phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp đôn đốc thực hiện./.

(Trích bài: “Nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự” của tác giả Đỗ Văn Kha, Phó Vụ trưởng Vụ 11, VKSND tối cao; Tạp chí Kiểm sát số 10/2017).

ĐB

Kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (tiếp theo)

(Kiemsat.vn) - Nghiên cứu, đánh giá và sử dụng các dấu vết hình sự trong các vụ tai nạn giao thông giúp ĐTV, KSV xác định được tính chất và quá trình diễn biến vụ tai nạn; nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, lỗi của các bên tham gia giao thông.
lên đầu trang