Học tập và làm theo Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm

28/10/2018 17:47

(kiemsat.vn)
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức nói chung và cán bộ ngành Kiểm sát nói riêng có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn có ý nghĩa trong việc bảo đảm pháp luật được thực thi.

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy và luôn căn dặn, nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đồng thời phải hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật...

Trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng Đảng, luôn cần những con người có tinh thần trách nhiệm, vì mỗi người dù làm nhà khoa học hay người nông dân, hoạt động trong lĩnh vực nào cũng đều phải có ý thức trách nhiệm. Đảng viên, cán bộ, nhân dân biết nêu cao tinh thần trách nhiệm thì mọi căn bệnh quan liêu, mệnh lệnh cửa quyền và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội sẽ bị loại trừ. Nhiều cá nhân biết sống, làm việc có trách nhiệm sẽ tạo ra một xã hội lành mạnh, văn minh. Vì vậy, Đảng viên, cán bộ, nhân dân phải học tập: Nêu cao tinh thần trách nhiệm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cán bộ, Kiểm sát viên VKSND tỉnh Tây Ninh xem phim tư liệu về Bác Hồ

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức nói chung và cán bộ ngành Kiểm sát nói riêng có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn có ý nghĩa trong việc bảo đảm pháp luật được thực thi.

Theo Bác, trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, địa phương, tập thể, các tổ chức, công dân của một nước…Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương… Trách nhiệm còn được hình thành do dư luận xã hội và bị chi phối bởi dư luận xã hội.Tinh thần trách nhiệm khác với ý thức trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Những người có nhận thức và hành động như thế được gọi là có tinh thần trách nhiệm cao. Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Người đã nêu lên hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới. Người đề cập đến đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, chuẩn mực đạo đức chung của mọi người và chuẩn mực đạo đức riêng của cán bộ, ngành nghề, lứa tuổi, cấp bậc, chức vụ,... Trong nội dung đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, có vấn đề về tinh thần trách nhiệm. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đạo đức công dân là tuân theo pháp luật nhà nước; tuân theo kỷ luật lao động giữ gìn trật tự ...

Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức là khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải "có gan phụ trách", dám nghĩ dám làm, chủ động, sáng tạo để có kết quả cao nhất. Nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v. là không có tinh thần trách nhiệm.

Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng, chuyên tâm, không chủ quan, đại khái.

Với vai trò là người đảng viên, cán bộ ngành Kiểm sát, tôi thiết nghĩ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay vì: Trong thực tế vẫn còn có không ít những Đảng viên vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, cố ý làm trái quy định của Nhà nước để trục lợi cho cá nhân…., vẫn còn có những ddảng viên, cán bộ chưa gương mẫu, chưa gắn trách nhiệm của bản thân, trọng trách của ngành với công việc chuyên môn, vẫn có biểu hiện quan liêu, hách dịch, sợ trách nhiệm và vẫn còn những việc làm sai do thiếu thận trọng… Những biểu hiện này tuy không nhiều nhưng nó đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và đội ngũ đảng viên.

Vì lẽ đó, trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt trọng trách mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã giao phó, ngành Kiểm sát đang đứng trước những yêu cầu mới về công tác xây dựng cán bộ, xây dựng ngành. Cán bộ ngành Kiểm sát cần phải nghiêm túc học tập, rèn luyện nêu cao tinh thần trách nhiệm theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cán bộ Kiểm sát càng có nhận thức cao về trách nhiệm của mình thì càng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, bảo vệ công lý, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời chính họ trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi, noi theo.

Cũng như cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước khác, người cán bộ Kiểm sát muốn có đạo đức nghề nghiệp trong sáng phải luôn phấn đấu tự hoàn thiện mình về mọi mặt.

Trong ngành Kiểm sát, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, gắn liền với việc phấn đấu thực hiện theo lời dạy của Bác về rèn luyện năm đức tính của người cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" và cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm". Theo đó, để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nêu cao tinh thần trách nhiệm”, cán bộ Kiểm sát cần phải nhận thức và thực hiện các nội dung sau:

Một là, cán bộ Kiểm sát phải trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng; kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu hết sức mình cho sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố của VKSND trong những năm trước đây và thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp hiện nay cũng vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới. Người cán bộ Kiểm sát chỉ có thể thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do Luật định khi có niềm tin và sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với nghề nghiệp của mình. 

Hai là, cán bộ Kiểm sát phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, cương lĩnh, kỷ luật của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kỷ luật của ngành; chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định và nội quy, kỷ luật của cơ quan.

Là người trực tiếp thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; cán bộ Kiểm sát trước hết phải là người chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của ngành.

Do tính chất của công việc và yêu cầu của nhiệm vụ; cán bộ Kiểm sát phải đối mặt với những khó khăn, thử thách và đối diện với những mặt trái của xã hội; vì vậy, cán bộ Kiểm sát phải nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng; bền bỉ phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, cán bộ Kiểm sát phải yêu ngành, yêu nghề, luôn trung thực, công minh, khách quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành giao cho.

Cũng như cán bộ các ngành, nghề khác; người cán bộ Kiểm sát có yêu ngành, yêu nghề thì mới dồn tâm huyết, trí tuệ và sức lực của mình cho công việc được giao và tìm mọi cách để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả và chất lượng cao nhất.

Người cán bộ Kiểm sát được giao một trọng trách rất lớn khi thực hiện công vụ, có liên quan đến nhiều người và nhiều mặt của đời sống xã hội; do vậy, phải luôn trung thực để làm đúng pháp luật. Người cán bộ Kiểm sát nếu không trung thực có thể dẫn đến việc làm trái pháp luật, để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, hoặc gây thiệt hại cho người khác. Trong công việc và cuộc sống, cán bộ Kiểm sát không được lợi dụng ảnh hưởng của mình để can thiệp, tác động trái pháp luật đến người có trách nhiệm giải quyết vụ, việc.

Bốn là, cán bộ Kiểm sát phải có bản lĩnh và ý chí bảo vệ công lý và pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống tội phạm; không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không làm sai pháp luật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.

Bản lĩnh của cán bộ Kiểm sát thể hiện ở sự chính trực trong khi thực thi nhiệm vụ, công vụ. Theo đó, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; cán bộ Kiểm sát phải lấy pháp luật làm căn cứ, làm chuẩn mực để xem xét sự việc một cách khách quan, trên quan điểm toàn diện cụ thể để xử lý các vụ việc đúng pháp luật, có lý, có tình.

Trong cuộc sống, cán bộ Kiểm sát cần vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; kiên quyết không để cám dỗ, mua chuộc bởi tiền tài, vật chất và những lợi ích thấp hèn. Chống oan sai và bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ quan trọng của cán bộ Kiểm sát, vì đó là chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao cho, ngoài Viện kiểm sát ra không có cơ quan nào có thể thay thế được.

Năm là, cán bộ Kiểm sát phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, khiêm tốn trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Cán bộ Kiểm sát phải thực hiện đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ công chức đã được quy định trong các văn bản pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật và các quy chế nghiệp vụ của Ngành về trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Người cán bộ Kiểm sát phải thận trọng, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải xem xét, suy nghĩ, cẩn thận, không để sai sót trong mọi việc. 

Người cán bộ Kiểm sát phải luôn khiêm tốn trong công việc và trong cuộc sống đời thường; phải tự đánh giá đúng bản thân, không tự mãn, tự kiêu, phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; là công bộc của nhân dân.

Sáu là, cán bộ Kiểm sát phải gương mẫu, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, đoàn kết, thân ái, nêu cao tinh thần thương yêu đồng chí, thương yêu nhân dân. Có thái độ văn minh, lịch sự, không gây phiền hà, sách nhiễu người khác; đề cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ.

Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát, không có gì thiết thực hơn, có sức cảm hoá và lôi cuốn hơn trước nhân dân bằng việc nêu gương tốt trước nhân dân. Cán bộ Kiểm sát phải gương mẫu, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Cán bộ Kiểm sát được Nhà nước giao cho những quyền năng pháp lý để thực thi nhiệm vụ, song lấy quyền uy của người cán bộ Kiểm sát để làm trái pháp luật thì không thể có được sự tin yêu, kính phục của người khác; chỉ khi nhân dân tin yêu, quý mến thì người cán bộ Kiểm sát mới được sự ủng hộ của nhân dân.

Như vậy, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi Đảng ta đã và đang triển khai thực hiện một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhằm tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc “nêu cao tinh thần trách nhiệm”, góp phần tích cực, thiết thực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự phát huy vai trò lãnh đạo tiên phong, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Mỗi cán bộ công chức chúng ta, với tư cách là “công bộc của dân”, trước hết hãy sống và làm việc có trách nhiệm. Trách nhiệm không chỉ đối với công việc, với cuộc sống của chính mình, mà còn là trách nhiệm đối với nhân dân, với Tổ quốc.

Thực hiện công cuộc cải cách tư pháp hiện nay do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần quyết tâm phấn đấu, rèn luyện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Làm được điều này chính là góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...”

Xem thêm >>>

Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên qua học tập kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang