VKSND huyện Châu Thành với công tác đào tạo cán bộ tại chỗ

09/10/2018 10:02

(kiemsat.vn)
Thời gian qua, VKSND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ theo hướng chú trọng chất lượng, biết và giải quyết được nhiều việc ở các khâu công tác khác nhau.

Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên theo yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay đã và đang là vấn đề cấp thiết của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và tại VKSND huyện Châu Thành nói riêng. Đơn vị xác định đây là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, hướng tới mục tiêu tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn của Ngành.

Bồi dưỡng và tạo điều kiện cho công chức trẻ      

Hiện tại, đội ngũ cán bộ của VKSND huyện Châu Thành cơ bản có trình độ chuyên môn đạt chuẩn so với yêu cầu vị trí công tác nhưng số lượng cán bộ trẻ đủ năng lực, kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện chức trách, nhiệm vụ vẫn còn hạn chế. Do đó, đây là đối tượng được đơn vị ưu tiên trong công đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ.

Ngay thời gian đầu khi chuyên viên còn làm việc theo hợp đồng đã được các Kiểm sát viên có kinh nghiệm hướng dẫn kiến thức, kỹ năng ở tất cả các khâu công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành; gắn với giáo dục tư tưởng, văn hóa công sở, đạo đức tác phong làm việc và bản lĩnh nghề nghiệp.

Chuyên viên được tiếp cận công việc chuyên môn ở hầu hết các khâu công tác chính. Có thể tự mình nghiên cứu hồ sơ, sau đó đề xuất với Kiểm sát viên về quan điểm giải quyết vấn đề. Bởi vậy, khi tham gia kỳ thi tuyển công chức có thể chủ động vận dụng kinh nghiệm thực tiễn vào bài thi. Nếu được tuyển vào ngạch công chức, chuyên viên có thể bắt tay ngay vào công việc mà không cần phải trải qua thời gian tìm hiểu. Chuyên viên được phân công giúp việc cho Kiểm sát viên chuyên sâu ở một khâu công tác chính, nhưng vẫn được Lãnh đạo Viện giao xử lý các công tác khác. Do đó, tại đơn vị, một chuyên viên trẻ có thể độc lập nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm ở nhiều khâu công tác khác nhau. Nếu có sự luân chuyển công tác, chuyên viên có thể tiếp cận dễ dàng và chủ động.

Viện trưởng, Lãnh đạo Văn phòng, Phòng TCCB VKSND tỉnh Tiền Giang đến thăm và làm việc tại đơn vị

Luân chuyển, bố trí cán bộ ở các khâu công tác

Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn giúp cán bộ có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn. 

Lãnh đạo Viện xác định công tác điều động, luân chuyển cán bộ là việc làm có tính nhạy cảm, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan. Trước khi thực hiện việc luân chuyển cán bộ, Chi ủy Chi bộ và Lãnh đạo Viện đã đánh giá đúng thực trạng cán bộ của đơn vị, từ đó có hướng luân chuyển vị trí công tác để vừa phù hợp với năng lực nghiệp vụ, vừa giúp cán bộ có cơ hội tiếp cận, tích lũy kinh nghiệm ở nhiều khâu công tác khác nhau.

Hầu hết những cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đều được lãnh đạo động viên, tạo điều kiện để yên tâm công tác, đồng thời cá nhân từng đồng chí sau khi nhận nhiệm vụ ở khâu công tác mới cũng đã thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu, năng động, dám nghĩ, dám làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị

Bên cạnh việc tự đào tạo tại đơn vị thì việc tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, lý luận chính trị cũng được Lãnh đạo Viện chú trọng, nhất là những cán bộ thuộc diện quy hoạch, đã có nhiều đóng góp cho đơn vị khuyến khích tham gia các lớp đào tạo sau đại học, lý luận chính trị. Từ đó, số lượng cán bộ của đơn vị tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên về chất lượng và số lượng. Từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã giới thiệu cử đi đào tạo sau đại học 07 trường hợp (đã tốt nghiệp 04, chuẩn bị bảo vệ luận văn 02, đang học 01); trung cấp chính trị - hành chính 06 (đã hoàn thành 05, đang giới thiệu 01); cao cấp chính trị - hành chính 02 (đã hoàn thành 01); nghiệp vụ kiểm sát 05 (Chuyên viên đã qua đại học luật); văn bằng hai - cử nhân Luật 02.

Ngoài ra, vào mỗi năm, Lãnh đạo Viện đều giới thiệu cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm sát do VKSND tối cao tổ chức. Việc bố trí này đảm bảo sao cho tất cả Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của đơn vị đều được tập huấn nâng cao trình độ, không chỉ ở khâu công tác đang đảm trách mà cả ở những khâu công tác khác.

Tính từ năm 2013 đến nay, nguồn Kiểm sát viên của VKSND huyện Châu Thành có 07 đồng chí.

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành

Lãnh đạo đơn vị cũng chú trọng đến công tác tự đào tạo thông qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Mỗi năm, Lãnh đạo Viện phối hợp với các đoàn thể phát động những phong trào thi đua ngắn hạn trong các khâu công tác, bên cạnh các phong trào thi đua do Ngành phát động; đưa ra những chỉ tiêu thi đua riêng, bám sát và vượt hơn so với những chỉ tiêu chuẩn của VKSND tỉnh Tiền Giang đề ra. Các đồng chí phụ trách bộ phận đều có đăng ký cụ thể việc thực hiện chỉ tiêu thi đua và chịu trách nhiệm thực hiện với Lãnh đạo. Nên sau khi đăng ký, tập thể mỗi bộ phận đều thống nhất với sự quyết tâm cao nhất, cố gắng hoàn thành bảng đăng ký thi đua để về đích sớm nhất. Thông qua đó, đã tạo ra sự lan tỏa, thúc đẩy phong trào tự học tập, tự nghiên cứu, trao đổi kỹ năng nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên của VKSND huyện Châu Thành “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, gắn với thực hiện tốt phong trào thi đua do VKSND tỉnh Tiền Giang phát động.

Cuối mỗi đợt thi đua, Lãnh đạo Viện đều có đánh giá kết quả đạt được. Khâu công tác nào hoàn thành với thành tích xuất sắc, có đóng góp tích cực vào kết quả thi đua chung của đơn vị sẽ được khen thưởng. Đây cũng là cơ hội để Lãnh đạo Viện kiểm tra năng lực của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, đánh giá sở trường của từng cán bộ một cách công tâm, công bằng; để bố trí, sắp xếp cán bộ hiệu quả.

Nhìn chung, việc tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ tại VKSND huyện Châu Thành đã dần đi vào nề nếp, linh hoạt giữa các khâu công tác nghiệp vụ, tạo điều kiện cho cán bộ, Kiểm sát viên nắm chắc nghiệp vụ, giúp người được đào tạo tiếp thu từng nội dung thấu đáo, có được chiều sâu. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ gắn với tổng hợp những kinh nghiệm, kỹ năng từ thực tiễn, đảm bảo phát triển năng lực toàn diện cho cán bộ, Kiểm sát viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, trình độ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Xem thêm>>>

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh bồi dưỡng cán bộ trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý

Một góc nhìn về công tác tự đào tạo cán bộ

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang