Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên qua học tập kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm

30/08/2018 15:23

(kiemsat.vn)
Sau một công việc được giao, bất kỳ thành công hay thất bại, cán bộ, Kiểm sát viên đều cần phải ra sức nghiên cứu lại quá trình thực hiện công việc đó đến tận cội rễ: ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và cách sữa chữa… để mà lấy kinh nghiệm.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, rút kinh nghiệm sau mỗi một việc. Dù công việc bất kỳ thành công hoặc thất bại, người cán bộ cũng cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận, kết luận đó sẽ giúp phát triển công việc và giúp cho cán bộ tiến tới; phải kiên quyết bỏ hẳn thái độ xong việc thì thôi.

Theo Người, đã có kinh nghiệm, người cán bộ lại phải đem kinh nghiệm đó áp dụng vào thực tế công việc. Một mặt kinh nghiệm định hướng cho công việc thực tế; mặt khác, nếu có kinh nghiệm chưa đầy đủ hoặc sai lầm, thì nhờ thực hành mà sữa chữa cho đầy đủ hơn, đúng hơn. 

Người cán bộ còn phải biết khéo học tập kinh nghiệm của người khác, tức là phải đem kinh nghiệm ấy xem xét với hoàn cảnh thực tế của mình như thế nào? Nếu phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình, thì phải kiên quyết thực hành theo kinh nghiệm ấy để thu lấy kết quả thành công. Nếu như thấy người khác làm thế nào mình cũng một mực bắt chước làm theo thế ấy, không xét đến hoàn cảnh của mình, là sai lầm.

Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương còn phải được tổng kết, rồi phổ biến lại cho tất cả cán bộ, tất cả địa phương. Người viết: “Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho khắp tất cả các cán bộ, tất cả địa phương. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới”(1).

Trong việc huấn luyện nghề nghiệp cho cán bộ, “Kinh nghiệm” là một trong những môn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan lãnh đạo và người phụ trách phải có kế hoạch dạy cho cán bộ. Người “thí dụ: ban tuyên truyền thì gom góp tất cả những kinh nghiệm thành công hoặc thất bại trong công việc tuyên truyền, chép thành tài liệu huấn luyện, cho cán bộ tuyên truyền học”(2).

Những người không chịu nghiên cứu kinh nghiệm thực tế là sai lầm; những người chỉ bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ hoặc chỉ trọng kinh nghiệm mà khinh lý luận, cũng là sai lầm. Kinh nghiệm cần phải được gom góp lại, xem xét, phân tích rõ ràng cái đúng, cái sai, rồi kết luận thành ra lý luận, để lãnh đạo công việc thực tế. Người viết: “Lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận”(3).

Ảnh minh họa - Trang VKSND tỉnh Bắc Giang.

2. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.  Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”(4).

Để ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ hiến định, mỗi một cán bộ, Kiểm sát viên cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, phải cố thành những cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Muốn thế, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hăng hái làm việc, say mê học tập kinh nghiệm để nâng cao năng lực thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (THQCT và KSHĐTP).

Vậy, học tập kinh nghiệm trong công tác THQCT và KSHĐTP phải thế nào?

Trước hết, phải đánh thông tư tưởng, vì tư tưởng đúng, thì hành động mới đúng; tư tưởng không đúng, hành động sẽ sai lầm. Mỗi một cán bộ, Kiểm sát viên phải nhận rõ việc học tập, nghiên cứu kinh nghiệm để nâng cao năng lực công tác vừa là quyền lợi, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của mình. Xã hội ngày càng tiến, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ, Kiểm sát viên cũng phải ngày càng tiến. Không tiến tức là thoái, mà thế thì cán bộ, Kiểm sát viên không làm tròn trách nhiệm của mình.

Muốn có kinh nghiệm, cán bộ, Kiểm sát viên phải ra sức THQCT và KSHĐTP và nghiên cứu kinh nghiệm của cán bộ, kiểm sát viên khác một cách thường xuyên.

Có nhiều cách học tập kinh nghiệm. Nhưng có một cách học mà mỗi cán bộ, Kiểm sát viên có thể tham gia hàng ngày. Đó là cách học ngay trong khi làm việc, ngay trong khi THQCT và KSHĐTP. Tức là, sau một công việc được giao, bất kỳ thành công hay thất bại, cán bộ, Kiểm sát viên đều cần phải ra sức nghiên cứu lại quá trình thực hiện công việc đó đến tận cội rễ: ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và cách sữa chữa… để mà lấy kinh nghiệm. Nếu có tư tưởng xong việc thì thôi hoặc nghiên cứu một cách qua loa, hình thức thì vô ích, vì cán bộ, kiểm sát viên không học tập được kinh nghiệm gì, nên chẳng thể tiến bộ.

Đã có kinh nghiệm, cán bộ, Kiểm sát viên còn phải áp dụng kinh nghiệm đó sao cho công tác THQCT và KSHĐTP ngày càng được tốt hơn. Nếu những khuyết điểm, sai lầm trước đó vẫn lặp lại thì nguyên nhân là do nghiên cứu kinh nghiệm chưa thiết thực, chưa đến nơi đến chốn. Đồng thời, nếu có kinh nghiệm chưa đầy đủ hoặc có sai lầm, thì qua áp dụng kinh nghiệm đó vào thực tế công tác THQCT và KSHĐTP, cán bộ, Kiểm sát viên phát hiện để sữa chữa cho đầy đủ hơn, đúng hơn. 

Kinh nghiệm tự mình có được, lại còn cần học hỏi kinh nghiệm THQCT và KSHĐTP của cán bộ, Kiểm sát viên khác, bằng nhiều cách: Theo dõi phiên tòa do Kiểm sát viên khác thực hành quyền công tố; nghiên cứu sách, báo, tạp chí…Đối với cán bộ, Kiểm sát viên trẻ, thì việc học tập kinh nghiệm của cán bộ, Kiểm sát viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm là việc làm hết sức quan trọng để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao sự hiểu biết của mình.

Kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay, kinh nghiệm của mình và kinh nghiệm của cán bộ, Kiểm sát viên khác cũng phải được gom góp lại, rồi chia sẽ, trao đổi với nhau, cùng giúp nhau tiến bộ, đồng thời đóng góp vào kinh nghiệm chung của đơn vị. Nhất là đối với các cán bộ, Kiểm sát viên làm việc lâu năm, nhiều kinh nghiệm, cần phải chủ động, thường xuyên ghi chép lại và chia sẽ kinh nghiệm có được cho cán bộ, Kiểm sát viên mới, để giúp họ tích lũy kinh nghiệm, tiến bộ mau chóng.

Có kinh nghiệm trong công tác THQCT và KSHĐTP là chưa đủ, cán bộ, Kiểm sát viên còn phải học lý luận. Muốn học lý luận, mỗi cán bộ, mỗi Kiểm sát viên phải biết gom góp những kinh nghiệm thành công và kinh nghiệm thất bại; kinh nghiệm của mình và kinh nghiệm của người khác trong thực tế công tác THQCT và KSHĐTP; phân tích, so sánh, rồi kết luận những kinh nghiệm đó thành lý luận về THQCT và KSHĐTP.  Đã có lý luận, thì phải đem nó áp dụng vào công việc thực tế, nếu không thì thành lý luận suông.

Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là dịp học tập kinh nghiệm quý báu đối với toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên:

- Đối với Kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử: Qua hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa: công bố Cáo trạng, xét hỏi, trình bày luận tội, tranh luận… Kiểm sát viên tự mình phát hiện những ưu khuyết điểm của mình. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên xem xét, phân tích lại quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết vụ án, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho mình. Chẳng những thế, Kiểm sát viên đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử còn được cán bộ, Kiểm sát viên theo dõi phiên tòa giúp kinh nghiệm sữa chữa các khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Đã có kinh nghiệm, Kiểm sát viên phát huy những kinh nghiệm hay để tiến bộ hơn nữa và chú ý không phạm phải những khuyết điểm tại các phiên tòa sau. Qua nhiều phiên tòa, Kiểm sát viên sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm (kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công), tiến bộ không ngừng.

- Đối với cán bộ, Kiểm sát viên theo dõi các phiên tòa, cũng là một dịp học tập kinh nghiệm. Vì qua theo dõi các phiên tòa, cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp thấy được những cái hay, điều tốt của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử để học hỏi. Lại vừa nhìn nhận được các khuyết điểm, sai lầm của họ để tự mình rút kinh nghiệm và giúp họ sửa chữa khuyết điểm.

- Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến càng đem lại nhiều kết quả:

(1) Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử được lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát các địa phương khác chỉ ra những điểm tốt, những điều chưa đầy đủ… để mà rút kinh nghiệm. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm, người thấy mặt này, người thấy mặt khác, nên việc góp ý kiến cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sẽ toàn diện, đầy đủ trên tất cả các mặt; kết quả là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thu lượm được nhiều kinh nghiệm.

(2) Cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát địa phương này còn được trực tiếp học hỏi kinh nghiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát địa phương khác.

(3) Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp trên khi tham dự các phiên tòa sẽ trực tiếp đánh giá năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên Viện kiểm sát các địa phương… 

3. Lãnh đạo Viện kiểm sát các địa phương cần phải thường xuyên kiểm tra kết quả học tập kinh nghiệm của cán bộ, Kiểm sát viên thuộc quyền quản lý, chú trọng phát hiện những cán bộ, Kiểm sát viên có kinh nghiệm hay, đã áp dụng vào thực tế đạt kết quả tốt để làm kiểu mẫu cho cán bộ, Kiểm sát viên khác học tập, noi theo. Để phát hiện những nhân tố này, lãnh đạo Viện kiểm sát các địa phương phải sâu sát trong chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra quá trình làm việc, để ý phương pháp làm việc và đánh giá chính xác, khách quan kết quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên.

Định kỳ tiến hành tổng hợp kinh nghiệm của mỗi một cán bộ, Kiểm sát viên, đơn vị cấp dưới, xem xét lại, rồi đem phổ biến các kinh nghiệm đó cho toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên, đơn vị cấp dưới. Nếu phát hiện những kinh nghiệm hay, đem lại hiệu quả đặc biệt tốt, lãnh đạo Viện kiểm sát các địa phương cần báo cáo kinh nghiệm với Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét, phổ biến kinh nghiệm đó trong toàn ngành. Như thế, những cái hay cái tốt được phát triển, sai lầm khuyết điểm sẽ bớt dần. Muốn thực hiện được việc này, đòi hỏi phải có sự chủ động của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong việc chia sẽ kinh nghiệm mà mình có được khi THQCT và KSHĐTP; dù là kinh nghiệm thành công hay thất bại, cán bộ, Kiểm sát viên cần nêu ra để đóng góp vào kinh nghiệm chung của đơn vị. 

Ngoài ra, đối với những thông báo kinh nghiệm mà Viện kiểm sát cấp trên gửi về, Viện kiểm sát các địa phương phải tổ chức nghiên cứu các thông báo kinh nghiệm đó, vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương mình. Viện kiểm sát địa phương đã thành công thì tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm để thành công hơn nữa; Viện kiểm sát địa phương đã thất bại thì học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm để đổi thất bại sang thành công. Toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên phải say mê nghiên cứu các kinh nghiệm đó để mà phát triển công việc, tránh khỏi sai lầm. 

Viện kiểm sát các địa phương định kỳ gửi báo cáo tổng kết kinh nghiệm của địa phương mình, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp kinh nghiệm của tất cả cán bộ, Kiểm sát viên, các Viện kiểm sát địa phương làm thành kinh nghiệm chung của Ngành. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho tất cả cán bộ, Kiểm sát viên, các Viện kiểm sát địa phương. Các cán bộ, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát địa phương sẽ học tập kinh nghiệm hay để phát triển công việc và biết được những khuyết điểm, sai lầm mà tránh đi.

Những kinh nghiệm chung toàn ngành sau khi được tổng kết lại, phải được làm thành các tài liệu, sắp xếp theo từng lĩnh vực và xem như một môn học để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng thời thường xuyên sửa đổi, bổ sung tài liệu cho phù hợp với sự thay đổi và cập nhật các kinh nghiệm mới để làm phong phú thêm tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Ví dụ: những kinh nghiệm kiểm sát giải quyết vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích sẽ được gom góp, biên soạn lại thành một tài liệu, phân loại theo từng chủ đề (kinh nghiệm định tội danh, hỏi cung bị can, khám nghiệm hiện trường…), rồi đem bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên. Với những kinh nghiệm quý của cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các địa phương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần triển khai ngay đến toàn thể các Viện kiểm sát địa phương để kịp thời học tập, áp dụng vào công việc, như kinh nghiệm hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo vừa rồi(5).

Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên thông báo rút kinh nghiệm đối với các vụ án bị sữa, hủy, điều tra và xét xử lại… Nhưng việc thông báo về các kinh nghiệm thành công (các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp nhưng nhờ phương pháp lãnh đạo, cách tổ chức thực hiện tốt nên việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, việc giải quyết vụ việc đúng pháp luật; những kinh nghiệm, việc làm xuất sắc của Viện kiểm sát địa phương trong các lĩnh vực công tác của ngành; những gương cán bộ tiên tiến trong ngành…) lại còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường thực hiện thông báo này nhằm nhân rộng trong ngành những kinh nghiệm quý của cán bộ, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát địa phương, đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Tóm lại, mỗi một cán bộ, Kiểm sát viên phải có lòng hăng hái, chí cầu tiến, nghiêm túc học tập kinh nghiệm; lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp quan tâm đến công tác phát hiện, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm đến toàn thể các cán bộ, Kiểm sát viên. Như thế thì mỗi cán bộ, Kiểm sát viên sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, và kết quả là ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
-------------------------------------------------------

(1), (2), (3). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.268, 270, 701.

(4). Điều 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

(5). Thông báo 410/TB-VKSTC ngày 09/11/2016 của VKSND tối cao về việc thông báo kinh nghiệm hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của VKSND tỉnh Lào Cai.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang