Người phá bỏ lệ làng
(kiemsat.vn) Sinh ra và lớn lên trong một bản làng mà phần lớn trẻ em đều bỏ học giữa chừng; con gái, con trai được dựng vợ, gả chồng từ năm 13 -14 tuổi; Tráng A Trư đã phá bỏ mọi rào cản, vượt mọi khó khăn để theo đuổi ước mơ trở thành người cán bộ Kiểm sát.
Khi ước mơ trở thành hiện thực, cũng là lúc anh có thể phát huy mọi khả năng, lợi thế để đóng góp tích cực cho ngành Kiểm sát, cho vùng đất đã nuôi anh khôn lớn trưởng thành. Giờ đây anh là niềm tự hào của bản, là người tiếp thêm nghị lực để những cô bé, cậu bé người Mông tiếp bước anh phá vỡ những rào cản, thoát khỏi hủ tục lạc hậu để theo đuổi những ước mơ, hoài bão của mình.
Với lợi thế là người dân tộc Mông, thông thạo địa hình, tiếng nói và phong tục tập quán của người dân sở tại, Tráng A Trư nhanh chóng trở thành chiếc cầu nối quan trọng giữa Viện kiểm sát với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã bà bà con các dân tộc trên địa bàn. |
Là con út trong một gia đình người Mông có tới 9 người con ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tuổi thơ của Tráng A Trư chìm trong gian khó. Bố mất sớm khi Trư mới lên 10, kinh tế gia đình trông chờ vào những mùa rẫy du canh. Bởi vậy, cũng như hầu hết đám trẻ con trong bản, các anh chị em của Trư phần lớn đều thất học. Tráng A Trư may mắn hơn khi được đến trường. Bố mất sớm, gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai gầy của mẹ, nên hàng ngày ngoài giờ lên lớp, Tráng A Trư không quản ngại khó khăn lên rừng lấy củi, làm nương để phụ giúp mẹ nuôi sống gia đình.
5 năm tiểu học trôi qua, nhờ có kết quả học tập tốt, Trư được cử đi học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Mộc Châu. Bước vào một môi trường học tập hoàn toàn mới, được ăn học tập trung, mọi chi phí được Nhà nước đài thọ, Trư đã có thể hoàn toàn chuyên tâm vào việc học nên đã đạt được những thành tích đáng nể trong học tập: 4 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, năm 2003 đạt giải nhì học sinh giỏi cấp huyện.
Những ước mơ cũng dần được nhen nhóm trong tâm hồn của cậu học trò nhỏ, Trư mơ ước được bước vào cánh cổng trường Đại học, nơi từ nhiều đời nay chưa một thanh niên nào trong bản dám mơ ước và thực hiện được ước mơ của mình.
Khi Tráng A Trư đang miệt mài với đèn sách thì ở nhà bạn bè cùng trang lứa đã lần lượt được bố mẹ dựng vợ, gả chồng. Trư cũng được mẹ nhắm cho mấy cô bé trong bản và nhiều lần giục con trai về cưới vợ. Thương mẹ, nhưng Tráng A Trư quyết theo đuổi ước mơ của mình với tâm nguyện lúc trưởng thành sẽ trở về báo đáp công sinh thành, dưỡng dục của mẹ.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Tráng A Trư đăng ký dự thi vào Trường Đại học Luật Hà Nội. Không đủ điểm vào trường, anh trở về bản nhỏ nhưng vẫn canh cánh trong lòng giấc mơ vào đại học. Nhiều lần khuyên con lấy vợ không thành, thương con, mẹ anh đành phải đồng ý cho anh xuống Việt Trì, Phú Thọ ôn thi.
Mang theo mấy quyển vở và mấy trăm ngàn đồng, một mình xuống phố, Tráng A Trư lao vào học tập. Sự vất vả đã được đền đáp xứng đáng, anh trúng tuyển vào Đại học luật Hà Nội, trở thành người đầu tiên trong bản được bước chân vào cổng trường Đại học.
Đang học năm thứ nhất thì một biến cố lớn xảy ra: mẹ anh ốm nặng và qua đời. Không còn chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất, anh phải tự lo toan để kiếm tiền ăn học. Rửa bát, trông xe... anh đều không nề hà, miễn có tiền ăn học.
Có những cái Tết, không có tiền về quê, Trư đành ở lại Hà Nội xin làm chân trông giữ xe ở các điểm du lịch để có thêm thu nhập.
Cảm thương cho hoàn cảnh của cậu sinh viên mồ côi, hiền lành, hiếu học, ông Trần Ngọc Hòa, một cán bộ hưu trí ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội đã cho anh mượn một chiếc xe máy để tranh thủ những lúc rảnh rỗi chạy xe ôm lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhiều năm đã trôi qua, Tráng A Trư vẫn xem ông như một ân nhân cứu rỗi mình trong lúc khó khăn, để anh có thể theo đuổi ước mơ trở thành người cán bộ thực thi pháp luật.
Ra trường đúng vào lúc huyện Vân Hồ được thành lập, Trư được tuyển dụng vào công tác tại VKSND huyện Vân Hồ.
Có được kiến thức lý luận khi học ở trường lại được lãnh đạo và anh em đồng nghiệp tận tình hướng dẫn chỉ bảo, anh nhanh chóng tiếp cận và làm quen với công việc của người cán bộ kiểm sát.
Ở huyện Vân Hồ gần 70% án hình sự trên địa bàn liên quan đến ma túy, đối tượng phạm tội phần lớn là người dân tộc Mông. Nhờ thông thạo tiếng Mông, hiểu rõ tâm lý của tội phạm, nên trong nhiều vụ án hình sự, Trư đã góp phần quan trọng đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma túy, buộc đối tượng phải khai nhận hành vi phạm tội.
Công việc của người cán bộ Kiểm sát, ngoài việc kiểm sát giải quyết các vụ án thì còn rất nhiều hoạt động gắn liền với cấp ủy, chính quyền địa phương, với thôn bản và quần chúng nhân dân.
Với lợi thế là người dân tộc Mông, thông thạo địa hình, tiếng nói và phong tục tập quán của người dân sở tại, Trư nhanh chóng trở thành chiếc cầu nối quan trọng giữa Viện kiểm sát với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã bà bà con các dân tộc trên địa bàn.
Năm 2016, Tráng A Trư được lãnh đạo Viện phân công tham gia tổ tuyên truyền vận động bà con theo đạo tại bản Cột Mốc, xã Tân Xuân tham gia bầu cử Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhiều hộ gia đình trước đó bị các thế lực phản động xúi giục không tham gia bầu cử, nhưng khi được Tráng A Trư và các thành viên trong tổ đến tuyên truyền, đã hiểu rõ bản chất, luận điệu của các thế lực phản cách mạng nên đã tích cực tham gia bầu cử đạt tỉ lệ 100%.
Gần đây nhất, vào cuối năm 2017, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng trục đường chính vào trung tâm hành chính huyện, một số hộ dân người Mông do chưa hiểu hết chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước cũng như những lợi ích mà con đường mang lại đối với đời sống dân sinh và sự phát triển của toàn huyện nên không đồng ý di dời.
Được lãnh đạo đơn vị cử tham gia tổ tuyên truyền, Tráng A Trư đã đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động. Tiếng nói của người cán bộ cùng dân tộc đã mang lại hiệu quả rõ rệt, các hộ gia đình có nhà ở lòng đường và hành lang giao thông của dự án đã đồng ý di chuyển đến nơi khác trả lại mặt bằng để thi công con đường đúng theo tiến độ.
Những cố gắng, nỗ lực của Tráng A Trư trong công việc đã góp phần cùng tập thể cán bộ, kiểm sát viên VKSND huyện Vân Hồ, dù là một đơn vị mới thành lập, nhưng đã giành được nhiều thành tích cao, nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua được ngành và cấp ủy chính quyền địa phương khen thưởng.
Ở bản Hua Tạt, Tráng A Trư không chỉ là người đã phá bỏ hủ tục lạc hậu tảo hôn để theo đuổi con đường học vấn, trở thành người đầu tiên trong bản có bằng Đại học, mà trong tình yêu anh cũng là người dám vượt qua lệ làng để đến với tình yêu đích thực.
Từ trước đến nay ở bản Hua Tạt, người Mông thường tảo hôn và chỉ lấy người cùng dòng họ. Tráng A Trư cưới vợ năm 25 tuổi khi đã toại nguyện ước mơ trở thành cán bộ và vợ anh là cô gái người dân tộc Tày, quê ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, cách Vân Hồ quê anh 500 km. Quen biết nhau từ ngày cùng ôn thi để theo đuổi ước mơ vào Đại học, giữ tình bạn thân thiết dù hai người đỗ vào hai trường Đại học ở hai tỉnh khác nhau; thế rồi tình yêu đến với họ lúc nào không hay.
Tốt nghiệp xong đại học Hoàng Thị Thu Trang theo chồng về làm dâu ở bản Hua Tạt. Chưa xin được việc, Trang làm đủ nghề để kiếm sống từ làm nương, bán quà sáng, nấu cỗ thuê, bán vải vóc... Tình yêu đã giúp họ vượt qua tất cả để được bên nhau. Giờ đây, những khó khăn đã lùi lại phía sau khi Trang toại nguyên ước mơ trở thành cô giáo dạy văn ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vân Hồ.
Câu chuyện của Tráng A Trư thực sự không chỉ truyền cảm hứng cho cán bộ trẻ ngành Kiểm sát, mà còn tiếp thêm nghị lực cho thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số ở huyện Vân Hồ dám phá bỏ mọi rào cản để theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình trên bước đường lập thân, lập nghiệp.
-
1VKSND TP. Cần Thơ điều động, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt
-
2Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
-
3Công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ)
-
4VKSND thị xã Điện Bàn trao tặng máy lọc nước cho trường cấp 1, cấp 2
-
5Quảng Nam: Ban Pháp chế HĐND làm việc với VKSND tỉnh
-
6VKSND quận Liên Chiểu kiến nghị Chủ tịch UBND quận về công tác phòng ngừa tội phạm cho lứa tuổi chưa thành niên
Bài viết chưa có bình luận nào.