Hà Nội: Các cơ sở giáo dục phải thiết lập “đường dây nóng” về bạo lực học đường

07/08/2018 07:17

(kiemsat.vn)
Đó là nội dung trong Công văn số 3519/UBND-KGVX về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành.

Thời gian vừa qua, tình hình bạo lực và vi phạm pháp luật tại một số cơ sở giáo dục có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng; có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng như chết người, gây thương tích nặng cho nạn nhân, làm ảnh hưởng xấu đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, giữ gìn môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, gây bức xúc và lo lắng trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân để xảy ra các vụ việc trên là do một bộ phận học sinh chưa nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật và hậu quả của hành vi; thiếu ý thức kỷ luật, có lối sống buông thả, thường xuyên bỏ học... Một số cơ sở giáo dục chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật; công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý, giáo dục học sinh giữa gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường và vi phạm pháp luật...

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các Quyết định và Kế hoạch của UBND TP thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ sở giáo dục, nhân dân, gia đình và toàn thể học sinh về công tác phòng ngừa, đấu tranh lên án hành vi bạo lực học đường và vi phạm pháp luật.

Lực lượng Công an các cấp chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác phòng ngừa (xã hội và nghiệp vụ), phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, giải quyết, ngăn chặn các mâu thuẫn, điều kiện nảy sinh hành vi bạo lực học đường và vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác nắm tình hình; thường xuyên kiểm tra hành chính tại các địa bàn, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự khu vực xung quanh các cơ sở giáo dục;

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, giải tỏa triệt để các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng đến môi trường sư phạm, gây mất an ninh, trật tự. Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật phải khẩn trương điều tra, kết luận và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phải chủ động phối hợp với lực lượng Công an cơ sở thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường và vi phạm pháp luật, đảm bảo các tin báo, tố giác tội phạm về bạo lực học đường và vi phạm pháp luật liên quan đến học sinh đều được tiếp nhận, nhanh chóng xác minh, kết luận và có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật; không để tình trạng vụ việc kéo dài gây tâm lý hoang mang cho giáo viên, học sinh và nhân dân, gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục phòng ngừa bạo lực học đường và vi phạm pháp luật với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực phù hợp với từng địa bàn, từng cơ sở giáo dục và từng cấp học, cụ thể: Gắn tuyên truyền với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và các chương trình phòng, chống tội phạm ma túy, phòng, chống mua bán người...

UBND TP cũng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của sở, ban, ngành trong thực hiện các nội dung, biện pháp phòng, chống bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật; trong quản lý, bồi dưỡng đạo đức, nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục.

Xem thêm >>>

Bộ Giáo dục chỉ đạo xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây mất an ninh trường học

Bạo lực trường học: Làm sao giải quyết?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang