Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Vì môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp

25/05/2018 07:41

(kiemsat.vn)
Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua vào năm 2004, hơn 10 năm thực hiện, nhưng các chuyên gia kinh tế đánh giá Luật chưa phát huy được hiệu quả cũng như không tạo được sân chơi lành mạnh, chưa tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 Chương và 121 điều.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 24/5 về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), về việc Dự án luật có nên điều chỉnh cả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không, Đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nêu quan điểm tán thành với việc dự Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc có khả năng tác động đến hạn chế cạnh tranh của Việt Nam. 

ĐBQH Phạm Quang Thanh, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội. Ảnh Quốc hội 

Theo ĐB đoàn Hà Nội, thực tế thời gian qua đã có nhiều thương vụ tập trung kinh tế và thỏa thuận cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh trên thị trường trong nước. Tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới cho thấy, nhiều quốc gia ghi nhận thẩm quyền này của cơ quan cạnh tranh quốc gia và có chế tài xử lý.

“Gần đây nhất là thương vụ Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber ở khu vực Đông Nam Á, đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các tài xế tại Việt Nam. Các quốc gia Đông Nam Á khác đều đang điều tra thương vụ này. Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương cũng đã lên tiếng và tiến hành điều tra, dư luận cũng đang rất quan tâm theo dõi” - ĐB Phạm Quang Thanh nói.

Từ đó, ĐB này cho rằng, nếu không có cơ sở pháp lý để xử lý thì những hành vi tương tự trong tương lại sẽ lại xảy ra và cơ quan chức năng khó có thể can thiệp để đảm bảo môi trường cạnh tranh quốc gia lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quốc gia mình, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0 ngày càng lan rộng, phát triển mạnh mẽ.

Đi vào cụ thể một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám tỉnh Kon Tum bày tỏ sự quan đến nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khi tiến hành tố tụng cạnh tranh tại Điều 61. Theo đại biểu phân tích, khoản 9 Điều 3 giải thích từ ngữ thì vụ việc cạnh tranh là vụ việc vi phạm về cạnh tranh bị điều tra xử lý theo quy định của luật này bao gồm vụ việc hạn chế cạnh tranh, vụ việc vi phạm về tập trung kinh tế và vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng theo khoản 1 Điều 61 quy định quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh. Vậy theo quy định trên, Hội đồng này chỉ có nhiệm vụ giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum. Ảnh Quốc hội 

Theo đại biểu, về mặt trình tự thủ tục, phải có hành vi giải quyết rồi mới có hành vi giải quyết khiếu nại khi có khiếu nại. Bởi vậy, đề nghị giải quyết vấn đề này theo hướng giao quyền giải quyết vụ việc vi phạm tập trung kinh tế, vụ việc cạnh tranh không lành mạnh cho Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh quốc gia. Do đó nên bổ sung vào khoản 1 Điều 61 quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để giải quyết các vụ việc cạnh tranh; Bổ sung vào Điều 63 nhiệm vụ của Hội đồng này là xử lý vụ việc cạnh tranh chứ không phải chỉ là để xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh như dự thảo nêu. Bổ sung, chỉnh sửa như vậy sẽ đầy đủ hơn và như thế Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh được thành lập để xử lý cả 3 loại vụ việc, đó là hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế và cạnh tranh không lành mạnh.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) lần này đã có chỉnh sửa, điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu toàn diện các ý kiến góp ý của ĐBQH cũng như các chuyên gia. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật, Luật Cạnh tranh lần này đã có bước tiến, thay đổi rất nhiều để phù hợp với xu thế hội nhập sâu vào quốc tế, đồng thời cũng có tính kế thừa của Luật Cạnh tranh năm 2004 cũng như phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh Quốc hội 

Theo Bộ trưởng Công Thương, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật lần này, không còn hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam với các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế có thể gây tác động và có khả năng gây tác động đến cạnh tranh của thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, một điểm tích cực của Dự án Luật Cạnh tranh là đã dành riêng một chương quy định chi tiết về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường. Một doanh nghiệp được coi là có vị trị thống lĩnh nếu chiếm 30% thị phần; với nhóm 2 doanh nghiệp, thị phần vượt trên 50%, 3 DN chiếm 65% thị phần hoặc 4 DN chiếm 75% thị phần. Các nhóm này nếu bắt tay với nhau gây ra những hành động cản trở DN khác tham gia thị trường hoặc kiểm soát cung cầu, giá cả trên thị trường đều bị xử lý. 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang