Có được làm việc cho công ty đối thủ khi đã kí thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh?

16/05/2018 09:08

(kiemsat.vn)
Tôi đang làm việc tại một công ty xây dựng, gần đây, công ty yêu cầu toàn bộ nhân viên công ty ký kết lại HĐLĐ với điều khoản bổ sung: Trong thời gian thực hiện hợp đồng và 24 tháng kể từ sau khi chấm dứt hợp đồng, người lao động không được phép tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty cho tổ chức khác và không được phép tham gia một tổ chức có hoạt động kinh doanh tương tự. Điều khoản này có hợp lý không? Hiện tôi muốn nghỉ để làm việc tại một công ty xây dựng khác có được hay không

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Trường hợp bạn hỏi, Kiemsat.vn trả lời như sau:

Điều 15 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về HĐLĐ như sau: “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.” Như vậy, mọi điều khoản trong HĐLĐ đều được xác định dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong trường hợp việc làm được thỏa thuận có liên quan đến bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 23 BLLĐ:

“Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.”

Do đó, nếu vị trí việc làm của bạn có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh của công ty thì điều khoản bổ sung trong HĐLĐ công ty và bạn mới kí là không trái pháp luật.

Về việc bạn có được làm việc tại một công ty xây dựng khác sau khi nghỉ việc hay không. Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 23 BLLĐ nêu trên, thời hạn bảo vệ bí mật kinh kinh doanh, bí mật công nghệ là do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận nên sau khi chấm dứt HĐLĐ, điều khoản về bảo vệ bí mật kinh doanh vẫn còn giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, trong điều khoản mới bổ sung có nội dung quy định người lao động: “không được phép tham gia một tổ chức có hoạt động kinh doanh tương tự”  là vi phạm quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền lựa chọn việc làm của công dân: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.”. Do đó, điều khoản này vô hiệu, bạn có quyền làm việc tại công ty khác có cùng hoạt động kinh doanh với công ty cũ.

Tuy nhiên, khi làm việc tại công ty mới, bạn vẫn có nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh của công ty cũ trong thời hạn 24 tháng kể từ sau khi chấm dứt HĐLĐ như thỏa thuận đã kí. Trong trường hợp bạn vi phạm thỏa thuận này, công ty cũ có quyền yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại do hành vi tiết bộ bí mật kinh doanh gây ra dưạ trên những chứng cứ cụ thể và thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm của bạn gây ra.

Xem thêm>>>

Có được tiếp tục dùng thẻ BHYT khi đã chấm dứt hợp đồng lao động?

Từ 01/01/2018: HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên phải đóng BHXH bắt buộc

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang