Chống sách giả, sách lậu – cuộc chiến dai dẳng

05/05/2018 13:25

(kiemsat.vn)
Hiện tượng làm sách giả, sách lậu là một vấn nạn của ngành xuất bản Việt Nam. Khi các cơ sở làm sách lậu còn mờ mắt vì lợi nhuận khổng lồ từ hành vi này, đồng thời khi chế tài xử lý của pháp luật còn hạn chế, nạn sách lậu sẽ còn hoành hành.

Tràn lan sách lậu

Tình trạng in lậu và buôn bán sách lậu đang ngày càng trở nên công khai, thách thức các cơ quan chức năng. Có một thực tế là hơn một nửa trong tổng số các đầu sách bán chạy nhất ở Việt Nam bị in lậu với số lượng lớn.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Dạo qua một vài tuyến phố ở Hà Nội như Phạm Văn Đồng, Đường Láng, Tô Hiệu..., có thể thấy sách được bày bán tràn lan không chỉ trong cửa hàng, mà ngay trên vỉa hè với mức giá khá rẻ, chiết khấu 40-50%, thậm chí một số cuốn còn lên đến 60% so với giá ghi trên bìa sách. Đây cũng được xem là "thiên đường" sách giá rẻ cho giới học sinh, sinh viên. Các đầu sách ở đây khá phong phú từ sách giáo khoa, sách tham khảo, giáo trình, sách chuyên ngành đến tiểu thuyết, truyện ngắn, sách thiếu nhi… của các nhà xuất bản quen thuộc như Kim Đồng, Nhã Nam, Bách Việt, Văn học...

Không chỉ ở vỉa hè, sách lậu còn tràn vào Hội chợ sách Quốc tế vừa diễn ra tại Hà Nội. Những bản in lậu của “Búp sen xanh” (Sơn Tùng), “Thú chơi sách” (Vương Hồng Sển), “Văn hóa Việt Nam” (Trần Quốc Vượng)… từng gây xôn xao dư luận cũng đã vô tư lọt vào hội chợ và bày bán công khai bên cạnh những cuốn sách có bản quyền.

Nhiều xuất bản phẩm lậu vi phạm quyền tác giả nhưng giá còn cao hơn sách thật. Giá in bìa là thật chỉ có 20.000 đồng nhưng sách lậu sẵn sàng đối phó bằng cách in giá lên 30.000 đồng và chiết khấu xuống sâu, để vẫn bán 20.000 đồng. Người tiêu dùng cứ nghĩ đó là sách thật được chiết khấu cao. Đơn cử, năm 2016, cuốn sách “Đắc nhân tâm” của nhà xuất bản Trí Việt bị phát hiện có đến 13 phiên bản sách lậu và nhiều cuốn giá cao hơn sách thật ít nhất từ 10.000 đồng/cuốn.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Sở dĩ tình trạng in lậu phát triển phức tạp là do lợi nhuận của nó mang lại rất lớn. Khi nắm được nhu cầu của thị trường, đối tượng in lậu sẽ móc nối với cơ sở in để để cho ra đời “phiên bản” của các cuốn sách đang “hot”. Không phải chi phí quản lý phí, không thuế, không tiền bản quyền, không phải chi trả tiền cho dịch giả, người hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày bìa… Chỉ việc scan và in ra bán, sản phẩm đúng nghĩa “một vốn bốn lời”.

Ai gánh hậu quả?

Hệ quả của in lậu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của tác giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các nhà xuất bản, làm thất thu ngân sách nhà nước. Chưa có con số thống kê cụ thể từ cơ quan chức năng nhưng theo ước tính của giới kinh doanh sách, thiệt hại do sách lậu mỗi năm đến hàng chục tỷ đồng.

Thiệt hại về phía các công ty sách và các nhà xuất bản thì đã rõ, về cả kinh tế và uy tín. Họ bỏ tiền ra mua bản quyền, dịch, hiệu đính, biên tập, trình bày và cho ra đời những đứa con tâm huyết với bao công sức và trí tuệ nhưng lại bị cướp trắng trợn, bị hớt tay trên, bị làm hạ giá trị.

Phía tác giả là những người chịu thiệt hại nặng nề. Sách lậu lan tràn đồng nghĩa với việc công ty hay nhà xuất bản giữ bản quyền cuốn sách không bán được sách và như vậy, tiền bản quyền cho tác giả cũng giảm đáng kể. Đây chắc chắn là một trong những nguyên nhân làm cho các tác giả nản lòng.

Người mua sách giả bị thiệt hại vì bỏ tiền mua 1 sản phẩm kém chất lượng. Sách bị sao chụp mờ khiến chữ nhòe, đứt nét, màu sắc không đồng đều, sử dụng giấy mỏng và không dập nổi, ép nhũ, cán mờ, bóng điểm… hoặc chỉ làm bìa mềm, không làm tay gấp cho bìa, không làm áo ôm/đai sách... Thậm chí, do sản xuất cẩu thả, sách lậu còn có những lỗi sai nghiêm trọng về kiến thức.

Đối với xã hội, mối nguy hại lớn nhất mà sách lậu, sách giả mang lại chính là việc mọi người chấp nhận sách lậu, nghĩa là đang chấp nhận thói ăn cắp tri thức, chấp nhận những cuốn sách sai lệch về nội dung và yếu kém về hình thức.

Khó để dẹp bỏ triệt để

Rất nhiều vụ việc in sách lậu bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhưng rút cục chỉ như “đá ném ao bèo”. Cuộc chiến với sách giả , sách lậu còn lâu dài và gian nan. 

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Biện pháp thường được áp dụng hiện nay của nhiều đơn vị xuất bản là các phương pháp chống làm giả như: làm bìa cứng, bìa nổi; dán tem chống hàng giả, in tem chìm ngoài bìa bốn. Song Tem chống giả vẫn bị làm giả. Các cơ sở làm sách lậu đã nhanh chóng "nhái" được mẫu mã.

Các cơ quan chức năng liên quan cũng đã, đang có những nỗ lực để xử lý vấn nạn sách lậu, sách vi phạm bản quyền. Hiện nay, ngoài Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương gồm các Bộ: Công an, Tài chính, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch do Bộ Thông tin và Truyền thông làm thường trực, còn có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập Đội liên ngành ở địa phương nhằm thanh tra, kiểm tra phát hiện kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực in lậu.

Nhưng sau nhiều năm liên tiếp bỏ công sức đấu tranh mà không mang lại kết quả thiết thực, phần lớn các nhà xuất bản, đơn vị làm sách đã ngậm ngùi chấp nhận “sống chung cùng sách lậu”.

Lý do là tâm sức, tiền của bỏ ra đi bắt sách lậu thì nhiều, song việc xử lý hành chính không đủ sức răn đe. Ngay cơ quan quản lý nhà nước là Cục Xuất bản cho đến Hội xuất bản, trong các đợt tổng kết hoạt động cuối năm đều nhận định sách lậu đã trở thành vấn nạn song không tìm được giải pháp ngăn chặn vì chế tài xử phạt quá nhẹ (tối đa 30 triệu đồng). Số tiền phạt chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lợi nhuận mà các cơ sở, cá nhân in lậu sách thu được. Do đó, nhiều cơ sở vi phạm sẵn sàng nộp phạt, sau đó lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp ngăn chặn từ gốc. Có thể là tăng nặng xử phạt hành chính, cấm hoạt động, đình chỉ hoạt động... nếu cơ sở, cá nhân in lậu bị phát hiện. Thậm chí cần bổ sung điều luật vào trong Bộ luật Hình sự.

Việc quản lý cần chặt chẽ hơn từ khâu cấp phép in ấn đến kiểm tra, phát hành (chỉ cấp giấy đăng ký xuất bản khi đơn vị xuất bản cung cấp được đầy đủ tài liệu/văn bản hợp pháp chứng mình nguồn gốc và quyền hợp pháp trong in ấn, phát hành bản thảo) và xử lý triệt để các cơ sở, cá nhân vi phạm.

Nhưng rút cục, nhân tố quyết định sự thành bại trong "trận chiến" cam go này chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách. 

Hãy chung tay tẩy chay sách lậu bằng cách mua sách ở những nhà sách, hiệu sách uy tín. Chỉ khi độc giả ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, là bảo vệ lợi ích chính đáng của mình khi mua sản phẩm đảm bảo chất lượng, nạn sách lậu mới được giải quyết triệt để.

Khoản 1,2,3 điều 27 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về hành vi Vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm

1.Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, phát hành, xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp dưới 50 bản;

b) Bán xuất bản phẩm thuộc loại không kinh doanh hoặc lưu hành nội bộ;

c) Phát hành xuất bản phẩm nhưng không đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không đủ điều kiện theo quy định.

2.Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 50 bản đến dưới 100 bản;

b) Tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm không có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép;

c) Phát hành trái phép các sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm.

3.Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chuyển nhượng, tẩy xóa giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm;

b) Hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép đối với văn phòng đại diện của tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam.

4.Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm nhập khẩu hoặc xuất bản trái phép;

b) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm bị đình chỉ phát hành, có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy;

c) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 100 bản đến dưới 300 bản;

d) Phát hành trái phép xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm được in gia công cho nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Xem thêm >>>

Đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại bằng thang điểm

Hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại lộng hành do đâu?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang