Ý kiến trao đổi về chế định miễn trách nhiệm hình sự
Sau khi đọc được bài viết trao đổi của tác giả Nguyễn Xuân Hòa - Viện KSND tỉnh Đắk Lăk, về hai quan điểm khác nhau trong việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự trong quá trình xác minh, điều tra, xử lý đối với vụ án hình sự trên Tạp chí kiểm sát online ngày 27-09-2016 , tôi có một vài ý kiến cùng trao đổi với tác giả và bạn đọc.
Thế nào là đương nhiên được xóa án tích?
Góp ý về chế định miễn trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015
Hòa giải thành trước khi ra quyết định miễn TNHS
Hai quan điểm khác nhau trong việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự trong quá trình xác minh, điều tra, xử lý đối với vụ án hình sự của tác giả Nguyễn Xuân Hòa – Viện KSND tỉnh Đắk Lăk, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Miễn trách nhiệm hình sự được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Giai đoạn điều tra được bắt đầu từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Miễn trách nhiệm hình sự được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Giai đoạn điều tra được bắt đầu từ khi điều tra xác minh tin báo tố giác tội phạm, được quy định ở Phần thứ hai BLTTHS 2015 về khởi tố điều tra vụ án hình sự.
Từ hai quan điểm mà tác giả Nguyễn Xuân Hòa đưa ra, tôi có ý kiến trao đổi như sau:
Có thế thấy rằng, việc xác định rõ từng giai đoạn tố tụng hình sự, nhất là giai đoạn khởi tố và giai đoạn điều tra vụ án hình sự bắt đầu từ thời điểm nào và kết thúc vào thời điểm nào là mấu chốt quan trọng để áp dụng đúng chế định “Miễn trách nhiệm hình sự”.
Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên mà trong đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành việc xác định có (hay không) các dấu hiệu của tội phạm trong hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó.
Giai đoạn điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự thứ hai mà trong đó cơ quan Điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập và củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự, phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây nên và trên cơ sở đó quyết định: Đình chỉ điều tra vụ án hình sự hoặc là chuyển toàn bộ các tài liệu của vụ án đó cho Viện kiểm sát kèm theo kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can.
Như vậy, quá trình xác minh tố giác, tin báo tội phạm được quy định tại Phần thứ 2 BLTTHS 2015 về khởi tố, điều tra vụ án hình sự phải được hiểu đây là một hoạt động thuộc giai đoạn khởi tố vụ án hình sự chứ không phải thuộc giai đoạn điều tra vụ án hình sự.
Chiếu theo Điều 29 BLHS 2015 quy định: Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự:
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”
việc áp dụng chế định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử; vì thế, chỉ sau khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can thì mới áp dụng Điều 29 BLHS 2015 để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự. Trong giai đoạn xác minh giải quyết tin báo tố giác tội phạm thì không được áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự để ra quyết định không khởi tố vụ án. Đây là quan điểm thứ nhất của tác giả Nguyễn Xuân Hòa mà tôi đồng quan điểm.
Trần Kim Tuyến/VKS quân sự khu vực 41
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ
Bài viết chưa có bình luận nào.