Xét xử vụ kiện Dự án Hòa Lân: Quy trình tố tụng kéo dài, doanh nghiệp thiệt hại nghiêm trọng

19/08/2020 16:41

(kiemsat.vn)
Vụ án có nguyên đơn đã bị Bộ Công an bắt giam và đã xin rút đơn kiện, đề nghị tòa đình chỉ việc thụ lý vụ án theo quy định pháp luật, đề nghị hủy toàn bộ ủy quyền đối với người không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, TAND quận 7 vẫn nhiều lần hoãn tòa, kéo dài thời gian xét xử?.

Hai bên không còn gì để đối chất

Sau khi tạm ngừng phiên tòa xử vụ kiện liên quan dự án Khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương), mới đây, tại phiên xét xử ngày 13/8, dù các bên đã khẳng định không còn điều gì tranh luận nữa, thẩm phán chủ tọa lại tuyên bố tạm ngừng phiên tòa, sẽ tiếp tục xử vào ngày 20/8.

Sau 3 ngày xét xử, vụ án lại tiếp tục bị hoãn đến ngày 20/8

Vụ việc bắt nguồn từ việc Công ty Thiên Phú (nguyên đơn) dùng dự án Hòa Lân để thế chấp, vay tiền của Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Agribank, chi nhánh 5. Do không trả được nợ, phía Ngân hàng đành phải tiến hành đấu giá tài sản để thu hồi vốn theo quy định của pháp luật hiện hành. Sau 12 lần “chật vật” đem tài sản đấu giá thì mới bán thành công. Đơn vị trúng đấu giá, giải cứu dự án này là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Kim Oanh TP HCM. Tuy nhiên, sau khi bán đấu giá thành công, phía Công ty Thiên Phú đã khởi kiện, yêu cầu hủy bỏ kết quả đấu giá, hủy bỏ toàn bộ những gì mình đã thỏa thuận và đã ký.

Nếu như ở phiên tòa trước, Thiên Phú bất ngờ đề cập đến một đơn vị là Cty phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House), là đơn vị tham gia đấu giá bị trượt vì trả thấp hơn Kim Oanh, nhưng lại đề nghị cho Thủ Đức House xin được mua dự án Hòa Lân. Đề xuất vô lý này đã ngay lập tức bị phía Ngân hàng bác bỏ, vì không thể ưu tiên cho một đơn vị trả giá thấp hơn, không trúng đấu giá, không có quyền lợi, nghĩa vụ gì trong vụ án này.

Tại phiên tòa ngày 13/3, phía Công ty Thiên Phú tiếp tục đưa ra những yêu cầu là nộp đơn yêu cầu HĐXX trưng cầu giám định tiền gốc, lãi, số tiền đã trả và hiện nay chính xác Thiên Phú còn nợ Agribank bao nhiêu tiền.

Yêu cầu này của Thiên Phú đã bị các bên phản ứng, vì “Các số liệu này phía Ngân hàng Agribank đã nhiều lần công khai, đại diện Thiên Phú cũng đã xác nhận. Nếu tính toán lãi suất đúng theo quy định, dù bây giờ Thiên Phú có vài dự án như Hòa Lân thì bán hết cũng không đủ trả ngân hàng. Mặt khác trong Báo cáo số 2568/NHNo-PC ngày 28/3/2019 của Agribank gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, từ 2003-2007 đã nêu rất rõ Thiên Phú đã vay của Agribank 305 tỷ và gần 19 ngàn lượng vàng. Tổng dư nợ sau quy đổi của Thiên Phú tính đến 2007 là gần 1118 tỷ đồng.

Theo bị đơn là Cty Nam Sài Gòn và các bên liên quan như Agribank, Kim Oanh thì Thiên Phú cũng không có quyền đưa ra yêu cầu trên trong vụ án này. Agribank cho biết việc hợp đồng tín dụng, thế chấp, Thiên Phú còn nợ Agribank bao nhiêu không thuộc thẩm quyền của TAND Quận 7. Hơn nữa, TAND Quận 7 thụ lý các yêu cầu của Thiên Phú về hợp đồng tín dụng, thế chấp; nhưng chưa xác định được tư cách tố tụng của Agribank nên tòa không thể tiếp tục chấp nhận những yêu cầu của Thiên Phú như trên.

Dự án Hòa Lân bị bỏ hoang nhiều năm nay khiến cho doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Sau khi kết thúc việc hỏi, thẩm phán đề nghị các bên tranh luận. Các bên đương sự cho biết không tranh luận thêm gì vì đã thực hiện tranh luận đầy đủ trong gần 3 ngày. Theo Điều 261, 262, 264 BLTTDS, sau khi các bên đương sự kết thúc phần hỏi, đến phần phát biểu của KSV kiểm sát phiên tòa và sau đó HĐXX sẽ nghị án. Tuy nhiên, khi các bên khẳng định không còn tranh luận nữa thì chủ tọa tuyên bố tạm dừng phiên tòa, phiên xử sẽ tiếp tục vào thứ Năm (ngày 20/8) mà không tiến hành trình tự tố tụng gì khác.

Theo Điều 15 BLTTDS, nguyên tắc xét xử là liên tục, nghĩa là xử một vụ án từ lúc khai mạc phiên tòa đến khi tuyên án phải diễn ra một cách liên tục, trừ thời gian nghỉ cần thiết. Luật quy định việc tạm dừng, tạm hoãn phải có lý do chính đáng. 

Là người đã theo dõi kỳ án trên một thời gian dài, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) khẳng định: “Chắc chắn phải có nguyên nhân”. “Chìa khóa” để giải câu hỏi này, đến từ thông tin đang có đơn kiện gửi đến một số cơ quan chức năng tại Bình Dương đòi giải quyết khiếu kiện liên quan chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty Thiên Phú được thực hiện hồi tháng 3/2020. “Phải chăng HĐXX đang cố tình được “câu giờ” để chờ đợi một quyết định nào đó của cơ quan chức năng giải quyết khiếu kiện liên quan chuyển nhượng phần vốn góp của Cty Thiên Phú được thực hiện hồi tháng 3/2020. Nếu điều đó xảy ra, vụ kiện sẽ có thể bị tạm đình chỉ với lý do chờ xử lý vụ khiếu kiện trên và các bên liên quan sẽ phải tiếp tục chờ đợi”, LS Hiệp nói.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: TAND quận 7 có làm trái với kết luận của Bộ Tư pháp?

Là người theo dõi vụ việc ngay từ đầu, Đại biểu Quốc hội- Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhận định, từ chỗ mua đấu giá và đã thanh toán đủ, qua đó góp phần thu hồi món nợ xấu cho Agribank, thu hồi 1.350 tỷ vốn nhà nước, hiện nay doanh nghiệp Kim Oanh bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng bởi vì biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án Nhân dân quận 7.

Trước đó, khi có khiếu nại, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra, công nhận tính hợp pháp của kết quả đấu giá. Vậy mà Kim Oanh phải chôn số vốn này đã hai năm, và nếu cứ tái diễn những diễn biến “bất thường” tại các phiên tòa như vừa qua thì có Kim Oanh có thể còn bị “chôn chân” lâu hơn nữa, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, đất thì bỏ hoang, chờ đợi một cách lãng phí, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Xin lưu ý, nợ của Thiên Phú là nợ xấu, phải được xử lý theo pháp luật về ngân hàng, tín dụng, theo đó phải ưu tiên thu hồi nợ nếu có cơ hội. Nếu hủy kết quả đấu giá của phiên thứ 12 để đấu giá lại sau 11 phiên đấu giá không thành thì giống như là ngân hàng “thả mồi, bắt bóng”, rủi ro làm mất tài sản nhà nước rất lớn và ngân hàng có thể bị vi phạm pháp luật vì việc này.

Hồ sơ đã phản ánh rõ theo quy định pháp luật và các hợp đồng đã ký giữa ngân hàng với nguyên đơn, ngân hàng hoàn toàn có quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất có thu tiền SDĐ, có quyền tổ chức đấu giá mà không cần có ý kiến của người vay khi người vay vi phạm hợp đồng và không trả được nợ. Điều này chẳng những đúng luật mà còn là thông lệ của hoạt động tín dụng ở Việt Nam và quốc tế.

Toàn bộ việc đấu giá đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp thanh tra theo đơn khiếu nại của nguyên đơn. Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước của toàn bộ hoạt động của các trung tâm đấu giá trên toàn quốc theo luật định. Sau khi thanh tra, Bộ đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ trả lời là việc này hoàn toàn thuộc quyền giải quyết của Bộ.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết, việc này Bộ Tư pháp đã có thanh tra và kết luận rõ ràng, không hề yêu cầu sửa chữa hay hủy bỏ kết quả đấu giá. Kể cả nếu có xảy ra việc đảo ngược lại kết quả đấu giá cũng sẽ không thể cho phép nguyên đơn nhận lại các lô đất này, vì theo pháp luật về ngân hàng và tín dụng, căn cứ Điều 62 và Điều 71, Nghị định số 163/2006 ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

Tuy nhiên, nếu TAND quận 7 hủy bỏ kết quả đấu giá này thì điều đó có nghĩa là đi ngược lại, thậm chí bác bỏ kết luận của Bộ Tư pháp. Làm như vậy thì sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng nhiều mặt, chẳng những về vật chất mà còn về ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư và tình hình kinh tế - xã hội, mất niềm tin của các nhà đầu tư vào pháp luật đấu giá tài sản của Việt Nam.

Thiên Phú cũng không thể nhận lại đất để tiếp tục làm chủ đầu tư, vì Thiên Phú đã nhận đất từ 2007 mà không có khả năng tài chính để thực hiện, hiện đang còn nợ Agribank 1.717 tỷ chỉ riêng cho các khoản vay cho Dự án Hòa Lân, chưa kể hàng ngàn tỷ của các hợp đồng vay khác. Thiên Phú cũng đã vi phạm Luật Đất đai và Luật Đầu tư vì trễ hạn sử dụng đất quá dài và cần phải bị thu hồi đất dự án để giao cho nhà đầu tư khác.

Mặt khác, việc một số cá nhân đang nhận chuyển nhượng vốn của Thiên Phú và đang làm thủ tục để trở thành cổ đông của Thiên Phú cũng không giúp cho công ty này cải thiện năng lực tài chính. Trước hết, các đương sự này phải chứng minh đã thực góp vốn và góp bao nhiêu vốn. Tiếp theo, nếu được công nhận là cổ đông mới, các đương sự này phải kế thừa trách nhiệm về các khoản nợ của Thiên Phú trong dự án này và các dự án khác.

“Nên nhớ rằng hiện nay, bà Phạm Thị Hường, là người đang mua lại vốn của Thiên Phú hiện đang bị C03 Bộ Công an điều tra vì phân lô bán nền trái phép hàng trăm ngàn m2 đất, và có dấu hiệu thâu tóm trái pháp luật hơn nửa triệu m2 đất khác” - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho hay.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang