Xe máy gây tai nạn trong vụ án giao thông là vật mang dấu vết tội phạm

12/09/2018 09:50

(kiemsat.vn)
Việc trả lại phương tiện gây tai nạn cho bị cáo là hợp lý. Tuy nhiên, việc áp dụng khoản 2 Điều 106 của BLTTHS là không có căn cứ. Vì vậy, cần quy định việc xử lý vật chứng đối với vật chứng là “vật mang dấu vết tội phạm”  và “vật có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội” trong Điều 106 BLTTHS.

Kiểm sát online ngày 31/8/2018 đăng bài viết: “Xử lý vật chứng trong vụ án vi phạm quy định về giao thông đường bộ thế nào?” của tác giả Dương Thanh. Tôi có ý kiến như sau:

Trong vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” để xác định phương tiện tham gia giao thông đường bộ do bị cáo điều khiển có phải là “vật chứng” không và có phải là “phương tiện phạm tội” hay không ta cần làm rõ khái niệm thế nào là công cụ phương tiện phạm tội và xác định vật chứng là những vật nào.

Ảnh minh họa

Theo quy định tại Điều 89 BLTTHS năm 2015 thì “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Phương tiện phạm tội là dạng cụ thể của công cụ phạm tội. Công cụ phạm tội là đối tượng vật chất mà người phạm tội sử dụng để tác động lên đối tượng, qua đó gây thiệt hại cho đối tượng bị tác động. Công cụ và phương tiện phạm tội chỉ đặt ra đối với những tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, còn đối với những tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý thì không coi là công cụ, phương tiện phạm tội mà coi đây là những “vật mang dấu vết tội phạm” hoặc “vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”.

Trở lại với nội dung vụ án, Nguyễn Văn T sử dụng chiếc xe máy để tham gia giao thông đường bộ với mục đích di chuyển trên đường, không phải để thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho ông Trần Hoàng H. Do đó, chiếc xe máy mà H điều khiển không phải phương tiện phạm tội nó là phương tiện gây tai nạn. Tác giả cho rằng, đây là “vật mang dấu vết tội phạm”  hoặc “ vật có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội”

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định việc xử lý vật chứng như sau: “Vật chứng là công cụ phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy”. Việc xử lý vật chứng là “vật mang dấu vết tội phạm”  và “vật có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội” chưa được quy định tại điều này.

Trong các vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” hiện nay, hầu hết các Tòa án đều vận dụng khoản 2 Điều 106 BLTTHS để trả lại phương tiện mà bị cáo sử dụng gây tai nạn cho bị cáo. Tác giả cho rằng việc trả lại phương tiện mà bị cáo sử dụng gây tai nạn cho bị cáo là hợp lý. Tuy nhiên, việc áp dụng khoản 2 Điều 106 của BLTTHS là không có căn cứ. Vì vậy, cần quy định việc xử lý vật chứng đối với vật chứng là “vật mang dấu vết tội phạm”  và “vật có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội” trong điều 106 BLTTHS.

Xem thêm>>>

Xe máy gây tai nạn không phải là phương tiện phạm tội

Hiểm họa tai nạn giao thông sau ánh đèn pha, đèn led siêu sáng

Một số lưu ý khi khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ xảy ra ban đêm                                                                        

        

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang