Vụ "lộ đề thi" vào lớp 10: Xử lý như thế nào?
(kiemsat.vn) Ngay sau buổi thi, đơn vị tổ chức phải đứng ra gặp gỡ báo chí vì sự cố "lộ đề thi". Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GDĐT) cho rằng đây chỉ là “lọt đề” chứ không phải “lộ đề”.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay đang là điểm nóng quan tâm của dư luận. Ngoài lượng thí sinh tăng 22.000 em tạo sức ép rất lớn lên phụ huynh và thí sinh, việc để lộ đề cả hai môn Ngữ văn và Toán trong cùng ngày thi khiến không ít người hoang mang.
Như phản ánh của Tiền phong, sáng ngày 7/6, trong buổi thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019, sau khi giờ làm bài của môn Ngữ văn được 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp tờ đề thi môn Ngữ văn.
12h15 ngày 7/6, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức họp báo đột xuất liên quan đến nghi vấn lộ đề thi môn Ngữ văn. Theo phát ngôn của lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, đây chỉ là hiện tượng “lọt” đề thi chứ không phải “lộ” đề thi. Vậy mà đề thi môn Toán lại tiếp tục được phát tán trong buổi thi chiều, với thời gian xuất hiện còn sớm hơn môn Văn, tính từ thời gian bóc đề. Lần này, vụ việc càng trở nên nghiêm trọng, như thách thức dư luận, một cú sốc với các phụ huynh đang đội nắng bên ngoài cổng trường chờ đợi các con.
|
Theo thông tin của Vietnamnet, khi trả lời về vấn đề này tại buổi họp báo thứ 2 trong ngày, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội vẫn tiếp tục khẳng định đây chỉ là hiện tượng để lọt đề thi ra ngoài chứ không phải lộ đề. Vì lộ đề là phải xảy ra trước thời điểm bóc niêm phong đề thi, còn trường hợp với môn Văn và Toán, đề lọt ra ngoài khi đề đã được phát đến tay thí sinh. Và dù hai lần lọt đề thi trong ngày nhưng việc này được giải quyết nhanh chóng, không ảnh hưởng đến kết quả, thí sinh không phải thi lại.
Đồng thời, Sở GDĐT cho biết đã xác minh được người làm lọt 2 đề thi là giáo viên Nông Hoàng Phúc - Trường THCS Mai Đình, Sóc Sơn, cán bộ coi thi số 2 tại điểm thi Trường THPT Vân Nội. Vị này được cho là đã dùng điện thoại chụp lại đề gửi ra ngoài.
“Sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh xem hành động chụp, phát tán cho ai đầu tiên, mục đích làm gì, chứ chưa có kết luận cuối cùng. Hà Nội sẽ thực hiện đúng quy chế, xử lý nghiêm giáo viên phát tán đề thi. Tuy nhiên, phải căn cứ vào tình tiết cụ thể, mức độ vi phạm thế nào mới có hình thức xử lý”, dẫn lời ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội trên Tiền phong.
Đại diện Sở GD-ĐT thông tin về vụ việc (Ảnh: Vietnamnet) |
Lời giải thích của Sở GDĐT Hà Nội không thể làm an lòng gần 100 ngàn thí sinh và phụ huynh. Nhiều phụ huynh cùng chung bức xúc: “Đây là một kỳ thi căng thẳng, sự cố xảy ra lại càng làm cho chúng tôi hoang mang hơn. Thật là bất công cho các cháu học hành tử tế. Tôi đề nghị cần xử lý nghiêm thầy giáo này”.
Về trách nhiệm của sở GDĐT Hà Nội trong sự việc này, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GDĐT nói: “Không hiểu Sở GDĐT Hà Nội đã hướng dẫn, phổ biến quy chế thi ra sao mà giáo viên làm nhiệm vụ coi thi lại ngang nhiên mang cả điện thoại vào phòng thi, rồi dùng nó chụp đề, truyền ra ngoài như vậy. Rõ ràng công tác này Sở đã làm chưa đến nơi, đến chốn”, dẫn theo báo Lao động.
Xung quanh vấn đề này, trên báo Lao động, luật sư Vũ Thái Hà, GĐ Công ty Luật TNHH YouMe cho biết, căn cứ quy định tại Quyết định số 59/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì “Đề thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố” đều thuộc Danh mục bí mật Nhà nước và tối mật trong ngành giáo dục đào tạo. Theo quy chế thi, quá 2/3 thời gian làm bài thi, thí sinh được phép nộp bài và ra khỏi phòng thi. Nếu chưa hết thời gian này mà đề thi đã lọt ra ngoài thì có thể bị coi là lộ đề thi. Việc xử lý nghiêm đối với hành vi làm lộ đề thi là cần thiết nhằm đảm bảo tính công bằng trong thi cử.
Người làm lộ đề thi trước hết đã vi phạm về quy chế thi và nếu là người có chức vụ, quyền hạn, người làm nhiệm vụ trong công tác thi thì có thể sẽ phạm vào tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định tại Điều 337 Bộ luật hình sự 2015
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ
05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ
10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Xem thêm>>>
Tranh cãi việc bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10
-
1Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
-
2Luật Tư pháp người chưa thành niên chính thức được Quốc hội thông qua
-
3Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản
-
4VKSND quận Thanh Khê ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm đối với người dưới 18 tuổi
-
5Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
-
6Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
-
7VKSND quận Cẩm Lệ phối hợp với TAND cùng cấp xét xử lưu động các vụ án hình sự về ma túy và sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Bài viết chưa có bình luận nào.