Tranh cãi việc bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10
Nhiều phụ huynh, học sinh đồng ý bỏ cộng điểm khuyến khích để cuộc thi vào lớp 10 công bằng hơn, nhưng không ít người cho rằng nên để.
Đề xuất bỏ cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đang tạo ra làn sóng tranh cãi trong dư luận, đặc biệt với phụ huynh, học sinh sắp thi vào 10.
Giữ cộng điểm cho học sinh giỏi cấp thành phố môn văn hóa
Diệu Anh, học lớp 11 tại một trường THPT chuyên ở Hà Nội, vẫn nhớ như in những ngày học thi học sinh giỏi thành phố hai năm trước. Đó là quãng thời gian em phải cố gắng gấp 2-3 lần bạn bè để vừa bắt kịp kiến thức các môn trên lớp, vừa học thêm 4 môn văn hóa chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, vừa ôn sâu Lịch sử để vượt qua 3 vòng thi cấp quận, đỗ giải thành phố. "Em dường như không có ngày nghỉ cuối tuần, nhất là 1-2 tháng trước thi. Có những khoảng thời gian em thức đến 1-2h sáng để học", nữ sinh nói.
Bắt đầu vào đội tuyển, Diệu Anh không hề biết nếu đạt giải thành phố sẽ được cộng điểm khuyến khích khi thi vào lớp 10. Lúc đó em vì thích tìm hiểu Lịch sử và muốn có hồ sơ đẹp để đăng ký vào cấp 3 chuyên. Thông tin về điểm cộng khuyến khích, khiến nữ sinh lớp 9 khi ấy có thêm động lực để vượt qua những vất vả khi phải học nhiều thứ và áp lực từ trọng trách đại diện cho trường, quận.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên giữ cộng điểm khuyến khích cho các học sinh đạt giải học sinh giỏi môn văn hóa cấp thành phố, trong tuyển sinh lớp 10. Ảnh minh họa. |
Mùa tuyển sinh lớp 10 năm ấy, Diệu Anh đỗ vào lớp chuyên Lịch sử của một trường THPT chuyên tại Hà Nội. Tuy nhiên, kỳ thi vào cấp 3 không chuyên chung của thành phố, em nhờ có 2,5 điểm khuyến khích (gồm 1,5 điểm nghề loại giỏi và 1 điểm cho giải 3 học sinh giỏi thành phố), mới đỗ nguyện vọng một vào THPT Yên Hòa.
"Để được giải học sinh giỏi môn văn hóa của thành phố, chúng em đã rất vất vả và thực sự phải có khả năng. Việc đạt giải không chỉ mang lại thành tích cho cá nhân mà cho cả nhà trường, quận. Do đó, học sinh giỏi các môn văn hóa xứng đáng được cộng điểm trong tuyển sinh lớp 10", Diệu Anh nói.
Nữ sinh Hà Nội cho rằng, Bộ Giáo dục không nên cào bằng các cuộc thi cấp địa phương để cấm cộng điểm khi tuyển sinh vào lớp 10. Em đề xuất, chỉ bỏ những cuộc thi ít mang lại giá trị về mặt kiến thức văn hóa cho người tham gia, có khả năng mua giải... để tránh cộng điểm cho người không xứng đáng.
Khánh, một học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông), cũng cho biết em và các bạn bè chưa từng thấy bất công khi các bạn tham gia cuộc thi học sinh giỏi được cộng điểm trong tuyển sinh lớp 10. "Các bạn đã quá vất vả và mang lại thành tích cho trường, quận, nên xứng đáng được đền đáp bằng điểm khuyến khích", nam sinh nói.
Hiệu trưởng một trường THPT của Hà Nội, qua nhiều năm tuyển sinh, đánh giá những học sinh đạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi văn hóa cấp thành phố đều thực sự có khả năng và ý thức học tập tốt. Phần lớn không cần cộng điểm để đỗ vào lớp 10. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ cộng điểm, sẽ khuyến khích được nhiều học sinh tham gia thi các môn khác Văn, Toán (2 môn thi của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 chung của Hà Nội), như Lịch sử, Giáo dục công dân..., tạo động lực phát triển nguồn nhân lực cao cho những môn này.
Ủng hộ bỏ cộng điểm nghề từ năm sau
Trong các cuộc thi được cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10 (theo quy định hiện hành của Sở Giáo dục Hà Nội, TP HCM...), có thi nghề phổ thông. Theo nhiều học sinh, phụ huynh và cán bộ quản lý giáo dục, nên bỏ quy định cộng điểm cho cuộc thi này. Lý do là việc học, thi nghề đang được thực hiện không đúng mục đích định hướng nghề nghiệp cho học sinh, bị hình thức trong học tập, thi cử.
"Con tôi thích học Công nghệ thông tin nhưng nhà trường lại buộc tất cả học sinh học nghề trồng trọt. Gia đình tôi không ở vùng nông thôn, bố mẹ và con đều không định hướng theo nghề này, nên việc học trồng trọt về cơ bản không có tác dụng gì trong hỗ trợ nghề nghiệp tương lai cho cháu", một phụ huynh trường THCS Trưng Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nói.
Kiều Đức Mạnh (17 tuổi, Hà Nội) không thể nhớ nổi đã được học những gì từ chương trình học nghề điện tại THCS Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng). Một cựu học sinh trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết được dùng phao thoải mái khi tham dự kỳ thi nghề này. Tất cả bạn bè của nam sinh tại THCS Văn Yên, sau khi học bắt buộc ngành điện, đến khi vào đại học đều không theo ngành này.
"Chúng ta phải phải nhìn thẳng vào sự thật là việc dạy nghề cho học sinh bậc THCS còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn hình thức nên không tạo được động lực cho các em trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp. Mặt khác, nhiều học sinh chọn thi nghề là vì điểm cộng chứ không phải vì định hướng nghề nghiệp. Vô hình trung việc thi nghề đã trở thành phao cứu cánh cho nhiều học sinh vào lớp 10, điều này khiến cho việc thi nghề không còn ý nghĩa như mục tiêu ban đầu", Giám đốc Sở Giáo dục Khánh Hòa Lê Tuấn Tứ nói.
Lãnh đạo Sở Giáo dục đồng tình bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Điều này nhằm tạo sự công bằng cho học sinh trong học tập, thi cử và giúp chất lượng học sinh vào lớp 10 sẽ thực chất hơn.
Có con thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay, ông Trương Minh Hoàng (phụ huynh trường THCS Dịch Vọng Hậu) cũng tán đồng việc bỏ cộng điểm nghề. Tuy nhiên theo ông học sinh lớp 9 đã mất một năm học tập và luôn tin tưởng sẽ được cộng điểm khuyến khích khi thi vào lớp 10. Do đó, nếu đột ngột bỏ cộng điểm sẽ gây hụt hẫng cho các em.
"Học sinh nào cũng phải học, thi nghề và đều được cộng điểm nên việc giữ hay bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10 sẽ không ảnh hưởng lớn đến kết quả thi. Tuy nhiên, nếu bỏ thì nên áp dụng từ năm sau vì suốt những năm qua, Bộ và Sở Giáo dục đều đã gieo niềm tin sẽ cộng điểm cho học sinh học nghề. Chỉ vài ngày nữa các em sẽ thi nghề phổ thông, giờ đột ngột loại bỏ niềm tin ấy, học sinh sẽ rất buồn", một phụ huynh trường THCS Khương Thượng nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến dư luận về dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Một trong những điểm mới của dự thảo là bỏ quy định cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh THPT. Quy chế trước đây cho phép Sở Giáo dục quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10. Dựa trên quy chế này, Sở Giáo dục Hà Nội quy định học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở tổ chức ở cấp THCS được cộng điểm khuyến khích. Loại trung bình là 0,5 điểm; khá là 1 điểm và giỏi là 1,5. Học sinh được cộng từ 0,5 đến 2 điểm khuyến khích nếu đạt giải từ cấp tỉnh trở lên trong các cuộc thi: học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa; thi viết thư quốc tế; giải toán trên máy tính cầm tay; thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (VIFOTEC); thi giải Toán và tiếng Anh trên Internet; thi Hội khoẻ phù đổng... Tổng điểm khuyến khích và điểm ưu tiên (không quá 6) là một trong ba thành tố để tính điểm xét tuyển thi lớp 10 THPT. Vụ phó Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, việc bỏ cộng điểm khuyến khích nhằm đảm bảo mục tiêu chọn được đúng học sinh có khả năng tiếp tục học ở cấp THPT. Đây cũng là cách khắc phục hiện tượng làm đẹp hồ sơ, khiến nhiều học sinh chạy theo điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10, có đăng ký học nghề nhưng thực tế chỉ mang tính hình thức, không thực chất. |
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Cơ hội vàng sở hữu căn liền kề đẳng cấp tại Danko City
-
3Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
4Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
5Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
6ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Bài viết chưa có bình luận nào.