Vu Lan báo hiếu - Một nét đẹp văn hóa

20/08/2018 14:43

(kiemsat.vn)
Lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành truyền thống của tinh thần hiếu thuận, có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn hóa Việt. Tháng 7 về mang theo lời nhắc nhở mỗi người về mùa báo hiếu, báo ân cội nguồn.

“Bông hồng cài áo” tỏa hương

Vào tháng bảy âm lịch hàng năm, một mùa lễ Phật giáo được tổ chức khắp Đông Nam Á với các hoạt động như: viếng thăm, dọn dẹp mộ phần của người đã khuất, dâng lễ vật lên phật, gia tiên và thần linh về tụ họp với gia đình... Ở Nhật gọi là lễ Obon; Trung Quốc phiên âm từ tiếng Phạn ra tiếng Hán là Vu Lan Bồn hoặc Ô Lam Bà Na; còn ở Việt Nam gọi là Lễ Vu Lan.

Mặc dù phần nghi lễ, thời gian không giống nhau giữa các nước, nhưng tất cả đều đề cao tinh thần hiếu kính và tri ân đối với người đã khuất, cũng như việc đền ơn và quan tâm đến cha mẹ đang sống bên mình.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một điển tích trong kinh Phật nói về đạo hiếu và sự báo đền công ơn với đấng sinh thành. Truyền thuyết kể rằng, Bồ Tát Mục Kiền Liên là một trong những đệ tử của Đức Phật, thông thạo nhiều phép thuật, nhưng không thể một mình cứu mẹ khỏi ải địa ngục. Được Đức Phật chỉ bảo, ông đã cúng dường phẩm vật lên mười phương chúng Tăng trong ngày Tự tứ (tức ngày rằm tháng bảy). Nhờ đó, ông đã cứu thoát được mẹ khỏi khiếp khổ ngạ quỷ và đưa mẹ về thiên giới. Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà được siêu thoát.

Từ tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát mục Kiền Liên, Lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á.

Nghi thức dâng trà cảm tạ công ơn dưỡng dục được cử hành trang trọng (Ảnh: Báo Tổ quốc)

Khi du nhập vào Việt Nam, tư tưởng, triết lí của Phật giáo đã có nhiều ảnh hưởng, tác động đến đời sống, tín ngưỡng cũng như phong tục tập quán văn hóa của người Việt.

Vào ngày 15/7 Âm lịch, mọi nhà đều chuẩn bị mâm cơm tươm tất dâng lên cửa Phật, thần linh, gia tiên để tỏ lòng thành. Ăn chay cũng là một cách cầu nguyện và tích đức. Với những người còn cha mẹ có thể dành tặng những lời chúc và nhiều món quà ý nghĩa. Trong ngày lễ Vu Lan, những người con xa quê đều cố gắng thu xếp thời gian để về tụ họp với gia đình.

Hiện nay, tại một số nghĩa trang cũng tổ chức lễ hội Vu Lan với chương trình cầu siêu cho những người đã khuất để nhắc nhở thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn.

Dịp Lễ Vu Lan, phật tử thường đến chùa cầu kinh, cầu nguyện cho những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ và ấm cúng, còn người đang sống có sức khỏe tốt để ở mãi bên con cháu.

Nghi thức gắn bông hồng cài áo còn là dịp thắp lên ngọn lửa ấm áp của lòng nhân từ, để lan tỏa ngọn lửa tình thương trong cuộc sống (Ảnh: Báo Tổ quốc)

Bên cạnh các nghi thức như: giảng kinh về đạo hiếu, phóng sinh thì những người đến chùa dự lễ còn được trân trọng cài lên ngực áo một bông hồng nhỏ. Sắc hồng dành cho những ai còn mẹ và hoa trắng tiếc thương cho đấng sinh thành đã khuất. Dù mang trên mình sắc hoa nào, trong giây phút thiêng liêng của lễ báo hiếu, khách thập phương đều cùng một lòng hướng đạo, tri ân công ơn của đấng sinh thành. Từng hồi chuông ngân lên, cùng những lời thuyết giảng về đạo hiếu, đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi phật tử.

Đây là một nghi thức hết sức sâu sắc trong lễ Vu Lan ở Việt Nam. Mỗi mùa Vu Lan về, những người con dù có bận rộn cũng tìm đến chùa, cài lên ngực áo một bông hoa để bày tỏ lòng tri ân, báo hiếu với đấng sinh thành. Nó trở thành hình ảnh đẹp nhất trong tiết trời thu của tháng 7.

Theo GS.TS- Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam), nghi thức “Bông hồng cài áo” xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1960. Trong chuyến đi công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng là biểu tượng cho lễ Vu Lan và viết ấn phẩm “Bông hồng cài áo” vào năm 1962.

Kể từ đó, trong các buổi lễ Vu Lan, mỗi người đến chùa đều không quên cài lên ngực mình bông hồng một cách đầy nâng niu, trân trọng xen lẫn sự xúc động. Bông hồng tượng trưng cho tình yêu và sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực một bông hoa ngát hương thể hiện tâm hướng về cha mẹ, cầu mong cho cha mẹ những điều an lành, cũng như tỏ lòng biết ơn sâu sắc.

Một mùa Vu Lan nữa lại đang đến, mỗi người dường như đều dành cho mình một khoảng lặng để nghĩ về chữ Hiếu và đau đáu nỗi niềm báo hiếu cha mẹ. Nhưng đừng đợi tới ngày lễ mới tỏ lòng thành tâm kính hiếu cha mẹ, mà hãy cứ biến mỗi ngày đang sống đều là một ngày lễ Vu Lan.

"Lễ hội văn hóa tình người"

Thả hoa đăng trong lễ Vu Lan tại chùa Tây Thiên, Vĩnh Phúc (Ảnh: Báo Lao động)

Pháp hội Vu Lan có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, tiên tổ trong nhịp sống gấp gáp của cuộc sống hiện đại. Bốn nguồn ân đức chúng ta luôn phải khắc ghi là: ơn cha mẹ sinh thành; công thầy cô dạy dỗ, truyền đạt tri thức; các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại của chúng ta. Ngày lễ Vu Lan mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Trong những ngày tháng 7 âm lịch, nhiều người ăn chay, niệm Phật, làm việc thiện nhiều hơn, âu đó cũng là một cách sống chậm để yêu thương. Mùa Vu Lan đến giúp chúng ta thấm thía hơn những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hóa Phật giáo: “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”.

Với ý nghĩa tốt đẹp đó, lễ Vu Lan được tôn vinh hơn và vượt ra khỏi khuôn khổ của một ngày lễ Phật để chuyển thành ngày “lễ hội văn hóa tình người”.

Qua hàng ngàn năm, ngày lễ Vu Lan báo hiếu thực sự đã trở thành một ngày lễ mang đậm nét nhân văn, ngày càng được tô bồi đẹp đẽ, càng ngày làm sáng hơn đạo lí đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam...

Lễ Vu Lan ở nước ta từ trước đến nay bao giờ cũng phải cúng ở chùa trước, sau mới đến cúng tại gia. Tại gia đình thường cúng hai mâm: Mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên, và cúng chúng sinh ở sân trước nhà, thời gian cúng có thể là vào buổi sáng, trưa hoặc chiều. Mâm cúng tổ tiên thường là một là một mâm cỗ mặn, có tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy(đồ mã) như quần áo, giày dép…

Mâm cúng chúng sinh lễ vật là quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹp vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu (có thể là nước ngọt, bia), cốc gạo trộn lẫn với muối (được rắc ra bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa… và những lễ vật khác dành cho cô hồn. Tất cả đều có mục đích báo hiếu, nhớ ơn, biếu tặng và chia sẻ, thương cảm với người cõi âm.

Xem thêm>>>

"Phật giáo và đời sống" qua ống kính nhiếp ảnh của Văn Thương

Giáo hội phật giáo đề nghị bỏ việc đốt vàng mã 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang