VKSND TP. Hải Dương: Kháng nghị phúc thẩm đối với một bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP. Hải Dương

23/11/2022 10:29

(kiemsat.vn)
Một vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhà đất và các giao dịch dân sự khác” tại TP. Hải Dương đã bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lần 2 tiếp tục bị VKSND TP. Hải Dương ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Được biết, trước đó vụ án tranh chấp tài sản liên quan giữa nguyên đơn bà Phạm Thị Hương (địa chỉ: Số 12 Bắc Sơn, P. Quang Trung, TP. Hải Dương) và bị đơn bà Đinh Bích Hợp (địa chỉ: Số 5A, ngõ 347 Hoàng Quốc Việt, P. Nghĩa Đô, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã được TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử ngày 27/12/2018 và sau đó tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2017/DS-ST ngày 21/02/2017 của TAND TP. Hải Dương và Bản án dân sự phúc thẩm số 40/2017/DS-PT ngày 22/12/2017 của TAND tỉnh Hải Dương; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hải Dương xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Ngày 17/8/2022, TAND TP. Hải Dương đã tiến hành xét xử lại vụ án và ban hành Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2022/DS-ST; tuy nhiên sau đó, VKSND TP. Hải Dương đã Quyết định kháng nghị phúc thẩm, do nhận thấy Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2022/DS-ST ngày 17/8/2022 có nhiều vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ; vi phạm trong việc áp dụng pháp luật và những vi phạm trong việc không giải quyết hết yêu cầu và vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự.

Cụ thể, trong quá trình thu thập đánh giá chứng cứ, bản án xác định số tiền nợ của bị đơn bà Đinh Bích Hợp (người vay tiền) với nguyên đơn là bà Phạm Thị Hương (người cho vay) từ năm 2008 - 2013 bằng việc xác định giá trị nhà, đất ở khu biệt thự Đỉnh Long và 3.000.000.000đ giá trị căn chung cư Ciputra (TP. Hà Nội) là không có cơ sở vì giá trị nhà đất không phải là căn cứ xác định số nợ của các bên, số nợ của các bên chỉ là tiền để mua nhà đất. Việc xác định số nợ gốc phải dựa trên các giấy biên nhận vay nợ, các giấy thanh toán tiền vay và các giấy tờ khác liên quan đến việc vay nợ do các bên cung cấp, trên cơ sở đó xác định tiền lãi theo quy định của pháp luật.

Bản án nhận định “các khoản tiền bà Hương cho bà Hợp vay đều được tính lãi ngày với mức lãi suất từ 2,5% - 3%/tháng rồi cộng lãi vào gốc để tính lãi tiếp theo nên không thể căn cứ giấy biên nhận ngày 25/1/2013 để xác định số tiền nợ bà Hợp chưa thanh toán cho bà Hương”. Như vậy, HĐXX cũng đã xác định số tiền chốt nợ là 33.127.000.000đ không phải là tiền vay gốc, mà là số tiền được hình thành từ việc cộng lãi vào gốc rồi tính lãi chồng lãi. HĐXX căn cứ thỏa thuận này để xác định nợ gốc tương đương giá trị nhà đất do các bên thỏa thuận dùng để đối trừ nợ, như vậy là thừa nhận hiệu lực của giao dịch dân sự cho vay lãi cao vượt quá quy định và tính lãi chồng lãi trái pháp luật.

Mặt khác, theo VKSND TP. Hải Dương, các bên thống nhất đối trừ nợ bằng giá trị nhà đất tại thời điểm ngày 26/3/2013 nhưng HĐXX lại xác định giá trị tài sản tại ngày 4/11/2021 để tính số tiền nợ gốc là thu thập, đánh giá chứng cứ là không đủ, không đảm bảo quyền lợi của đương sự.

Căn biệt thự đang diễn ra tranh chấp tại khu Đỉnh Long (TP. Hải Dương).

Ngoài ra, bản án nhận định các giấy biên nhận thu thập được không phản ánh đầy đủ số lần, số tiền bà Hương cho bà Hợp vay nên không thể căn cứ các tài liệu này để xác định nợ gốc nhưng lại căn cứ vào các giấy tờ ghi chép thu thập được trong hồ sơ vụ án để tính số tiền bà Hợp đã trả cho bà Hương là đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện.

Đối với 04 giấy biên nhận khoản vay (ngày 22/7/2008 là 1.000.000.000 đồng, ngày 14/9/2008 là 300.000.000 đồng, ngày 25/11/2008 là 300.000.000 đồng và ngày 31/10/2012 là 200.000.000 đồng), bản án nhận định bà Hợp trình bày đã thanh toán xong các khoản nợ theo giấy biên nhận trên nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh, nên không có cơ sở chấp nhận.

Tại biên bản lấy lời khai của bà Hương ngày 29/10/2014 tại TAND TP. Hải Dương (bút lục 605-606) thể hiện: “Toàn bộ số tiền tại các giấy biên nhận nợ của các ngày 22/7/2008 bà Hợp vay 1 tỷ, ngày 14/9/2008 triệu, ngày 25/11/2008 vay 300 triệu và giấy biên nhận ngày 31/10/2012 do anh Nguyễn Văn Thành nhận tiền vay hộ bà hơn 200 triệu (anh Thành ký nhận) không nằm trong tổng số 33.127.000.000đ mà tôi và bà Hợp đã chốt nợ. Tất cả các khoản tiền trong các giấy biên nhận nợ trên bà Hợp đã trả cho tôi”.

Như vậy, tổng số tiền 1.800.000.000đ bà Hợp đã trả nợ bà Hương theo 04 giấy biên nhận nêu trên đã được các bên đương sự công nhận, là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh, nhưng HĐXX lại xác định bà Hợp chưa thanh toán các khoản vay này với căn cứ do bà Hợp không cung cấp được chứng cứ, là vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm, VKSND TP. Hải Dương cho rằng quá trình giải quyết lại vụ án, ngày 01/10/2019, nguyên đơn bà Phạm Thị Hương có đơn khởi kiện bổ sung đề nghị Tòa án buộc bà Đinh Bích Hợp phải trả lại cho bà quyền sử dụng 89,5m2 đất ở thuộc lô 15.3-17 (đường Phùng Chí Kiên, khu An Phú 3, khu đô thị phía tây TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Sau đó, ngày 22/10/2019, bà Hương thay đổi yêu cầu khởi kiện, đề nghị Tòa án công nhận bà Hương có quyền sử dụng hợp pháp đối với lô đất số 15.3-17 nêu trên. Bản án giải quyết xác định lô đất này là tài sản chung của bà Hương, bà Hợp, ông Thái và tiến hành chia tài sản chung là vi phạm nghiêm trọng tố tụng và áp dụng không đúng pháp luật.

VKSND TP. Hải Dương cho rằng: Yêu cầu khởi kiện bổ sung ban đầu của bà Hương là kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất đối với bà Hợp. Sau đó bà Hương thay đổi yêu cầu khởi kiện bổ sung thành yêu cầu công nhận bà Hương có quyền sử dụng hợp pháp đối với lô đất 15.3-17 nên đây là tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất, cần được hòa giải tại UBND cấp xã theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013. Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017 năm 2017 của HĐTP TANDTC, xác định bà Hương chưa có đủ điều kiện khởi kiện đối với nội dung này, cần đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện bổ sung của bà Hương trong vụ án này và bà Hương có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác.

Mặt khác, lô đất này hiện vẫn đang thuộc sự quản lý của Tập đoàn Nam Cường, chưa ký kết hợp đồng chuyển nhượng cho ai. Bà Hợp là người nộp tiền mua đất theo các phiếu thu nhưng chưa nộp thuế, phí, nên Tập đoàn Nam Cường chưa làm thủ tục chuyển nhượng cho bà Hợp.

Tài liệu trong hồ sơ thể hiện không có việc bà Hương và bà Hợp thỏa thuận mua chung thửa đất này. Cả bà Hợp và bà Hương đều không thuộc một trong các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 99 Luật Đất đai 2013. Bản án xác định lô đất này là tài sản chung của bà Hương, bà Hợp, ông Thái và tiến hành chia tài sản chung là không có căn cứ pháp luật, không phù hợp quy định của Luật Đất đai về điều kiện công nhận quyền sử dụng đất.

Với những nội dung trên, VKSND TP. Hải Dương đề nghị TAND tỉnh Hải Dương đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2022/DS-ST ngày 17/8/2022 của TAND TP. Hải Dương để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

VKSND tỉnh Tiền Giang kháng nghị phúc thẩm đối với một Bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP. Mỹ Tho

(Kiemsat.vn) - Nhận thấy Bản án dân sự sơ thẩm số 60/2021/DS-ST của TAND TP. Mỹ Tho về vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có nhiều sai sót về thủ tục tố tụng, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chưa có căn cứ vững chắc và phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, Bản án sơ thẩm nhận định và tuyên án không hợp lý; vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, VKSND tỉnh Tiền Giang quyết định kháng nghị vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang