VKSND tối cao tổ chức tập huấn xây dựng sơ đồ tư duy trong giải quyết án hình sự

10/09/2024 15:30

(kiemsat.vn)
Ngày 10/9/2024, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính VKSND tối cao đến điểm cầu các đơn vị trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có lãnh đạo và toàn bộ công chức một số đơn vị làm công tác hình sự thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao tại Hà Nội.

Cùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu các đơn vị trong ngành có tập thể lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm VKSND tối cao.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, trong những năm gần đây số lượng các vụ án hình sự đều tăng theo từng năm, tính chất, quy mô ngày càng phức tạp; do đó, việc vận dụng, sử dụng sơ đồ tư duy trong công việc được coi là một phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, giúp lãnh đạo, Kiểm sát viên nắm bắt nhanh chóng, chính xác bản chất hành vi phạm tội và những vấn đề cần chứng minh của vụ án, làm chủ hệ thống chứng cứ, tài liệu...

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến, thông qua việc giải quyết các vụ án hình sự bằng phương pháp sơ đồ hóa sẽ góp phần nắm chắc tiến độ, kết quả chứng minh vụ án để đưa ra yêu cầu điều tra, quyết định truy tố, tranh tụng tại phiên toà, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để năng cao chất lượng, hiệu quả công việc của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu thành phần trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân.

Việc tổ chức Hội nghị tập huấn nhằm phổ biến kịp thời, đầy đủ các nội dung hướng dẫn, nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự để triển khai, tổ chức thực hiện thực chất, hiệu quả; đồng thời, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận để giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, tổ chức thực hiện. Việc tổ chức Hội nghị tập huấn còn là cơ sở góp phần rút ra những kinh nghiệm, phương pháp cho Cuộc thi về xây dựng sơ đồ tư duy do ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức tới đây được tốt hơn.

Đánh giá cao chất lượng tài liệu cũng như tham luận của các đơn vị chuẩn bị tại Hội nghị, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến yêu cầu, đại biểu tham dự Hội nghị nghiêm túc, chủ động tìm hiểu, học hỏi nâng cao kỹ năng sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy trong giải quyết công việc. Sau Hội nghị, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục chủ động đưa ra biện pháp, giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ này theo đúng tinh thần tại Hướng dẫn số 10/HD-VKSTC ngày 29/5/2024 đảm bảo thực chất, hiệu quả.

Đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 3 VKSND tối cao trình bày tham luận “Một số vấn đề về Sơ đồ tư duy trong giải quyết vụ án hình sự và kinh nghiệm, kỹ năng về xây dựng sơ đồ tư duy trong giải quyết các vụ án kinh tế, chức vụ" và giải đáp một số những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận dụng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự tại các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Để bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự, theo tham luận của đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 3 VKSND tối cao trình bày tại Hội nghị, việc xây dựng sơ đồ tư duy vụ án hình sự, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức tiến hành xây dựng sơ đồ tư duy theo 5 bước. Cụ thể:

Bước 1: Xác định được mục đích của sơ đồ tư duy là gì? Loại sơ đồ tư duy nào sẽ được sử dụng để xây dựng sơ đồ. Ví dụ, sơ đồ đề xuất khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; sơ đồ tổng hợp chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội đối với bị can chối tội…

Bước 2: Nghiên cứu kỹ chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án hình sự.

Bước 3: Lựa chọn thông tin, từ khóa chính, quan trọng để làm rõ mục đích của sơ đồ tư duy mà Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đang xây dựng.

Bước 4: Lựa chọn công cụ để xây dựng sơ đồ tư duy và hoàn thiện sơ đồ tư duy.

Bước 5: Đánh giá những vấn đề được gợi mở từ sơ đồ tư duy. Ví dụ, trên cơ sở dữ liệu từ khoá đã được thể hiện trên sơ đồ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công có thể xác định được những vấn đề, nội dung để định hướng điều tra, yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp, bổ sung hoặc đề ra yêu cầu điều tra.

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng được nghe tham luận của các đơn vị Vụ 2, Cục 2 thuộc VKSND tối cao, của VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND Thành phố Hồ Chí Minh với các chủ đề: Một số kinh nghiệm và kỹ năng về xây dựng Sơ đồ tư duy trong giải quyết các vụ án trật tự xã hội; Kỹ năng sử dụng phần mềm xây dựng sơ đồ tư duy trong giải quyết vụ án hình sự; Một số kinh nghiệm và kỹ năng xây dựng sơ đồ tư duy trong giải quyết vụ án hình sự.

Những vấn đề rút ra từ thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2015, tác giả cho rằng, cần bổ sung vào Điều 113, thời hạn Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo; quy định cụ thể, rõ ràng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp xã; quy định thống nhất về thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát...
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang