Viện trưởng Viện kiểm sát trong các đạo luật về tư pháp ban hành năm 2015

23/07/2020 08:25

(kiemsat.vn)
Viện trưởng Viện Kiểm sát là người đứng đầu cơ quan Viện kiểm sát, lãnh đạo Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của hiến pháp và pháp luật.

Là cơ quan giữ vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước Viện kiểm sát nhân dân được quy định là cơ quan hiến định trong Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001. Đồng thời, các Hiến pháp này quy định người lãnh đạo cao nhất của Viện kiểm sát là Viện trưởng.

Quy định về Viện trưởng Viện kiểm sát được cụ thể hóa trong Luật tổ chức VKSND các năm 1960, 1981, 1992, Luật sửa đổi năm 2002.

Ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Tiếp đó, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đòi hỏi phải tăng cường vai trò, vị thế của Viện kiểm sát theo định hướng xây dựng nền công tố mạnh, đặt ra yêu cầu đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Viện kiểm sát

Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. VKSND do Viện trưởng lãnh đạo (Điều 109). Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, các chức danh, đảm bảo hoạt động của VKSND. VKSND tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc tập trung, thống nhất theo ngành dọc. Viện kiểm sát chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng.

Theo quy định tại Chương III, IV Luật tổ chức VKSND năm 2014, Viện trưởng Viện kiểm sát bao gồm: Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên và chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao. Các Viện trưởng Viện kiểm sát đều có nhiệm kỳ là 5 năm.

Theo Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND ở từng cấp như sau: Viện trưởng VKSND tối cao (Điều 63), trong đó về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp: Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quyết định các vấn đề về công tác của VKSND tối cao; Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tổng kết kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; Kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật (khoản 1, 4, 9, 11); Viện trưởng VKSND cấp cao (Điều 65), Viện trưởng VKSND cấp tỉnh (Điều 66), Viện trưởng VKSND cấp huyện (Điều 67); Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương (Điều 69), Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương (Điều 70) và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực (Điều 71). Tại khoản 2 của các điều 65, 66, 67, 69, 70, 71 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng trong chỉ đạo, điều hành, quản lý. 

Điều 73 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định: Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện trưởng VKSND phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi, quyết định của mình trong việc khởi tố, bắt, giam, giữ, truy tố, tranh tụng, kháng nghị và các hành vi, quyết định khác thuộc thẩm quyền; nếu làm trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát trong các đạo luật về tư pháp ban hành năm 2015

Căn cứ Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành: Bộ luật Tố tụng hình sự  năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự  năm 2015, Luật tố tụng hành chính và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015. 

Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát trong TTHS, TTDS và TTHC đã có nhiều tiến bộ, Viện trưởng vừa là chủ thể tiến hành tố tụng vừa chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thể hiện vai trò thúc đẩy tiến trình tố tụng và chỉ đạo đối với hoạt động tố tụng thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp mình.

Trong BLTTHS năm 2015, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát trong TTHS thể hiện một cách khoa học, tách bạch riêng trong tổ chức, chỉ đạo hoạt động tố tụng với thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động TTHS. Khoản 1Điều 41 quy định: Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS; Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; Quyết định phân công hoặc thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Kiểm sát viên; Quyết định rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới; Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

Khi vắng mặt, Viện trưởng Viện kiểm sát ủy quyền cho một Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát về nhiệm vụ được ủy quyền.

Khoản 2 Điều 41 quy định khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động TTHS, Viện trưởng Viện kiểm sát: Yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản; Thủ trưởng CQĐT, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; phục hồi điều tra; ban hành các quyết định: khởi tố, không khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; nhập, tách vụ án; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp (ngăn chặn, cưỡng chế, điều tra tố tụng đặc biệt); việc gia hạn kiểm tra và xác minh nguồn tin về tội phạm, gia hạn tạm giữ, gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam, gia hạn truy tố; khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng; trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; hủy bỏ các quyết định, lệnh không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; truy tố bị can, trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại; áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh; chuyển vụ án; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra đối với bị can, phục hồi vụ án, phục hồi vụ án đối với bị can; Phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định, lệnh của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra; Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này; kiến nghị theo quy định của pháp luật; Ban hành quyết định, lệnh và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

Viện trưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình, không được ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát trong BLTTDS năm 2015 (Điều 57) là: Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS; Quyết định phân công Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS, tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự theo quy định của BLTTDS và thông báo cho Tòa án; quyết định phân công Kiểm tra viên tiến hành tố tụng đối với vụ việc dân sự bảo đảm đúng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 16 của BLTTDS; Quyết định thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của BLTTDS; Yêu cầu, kiến nghị theo quy định của BLTTDS; Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của BLTTDS; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, trừ quyền quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát trong Luật TTHC năm 2015 (khoản 1 Điều 42): Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính; Quyết định phân công Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động TTHC, tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Luật này và thông báo cho Tòa án biết; phân công Kiểm tra viên tiến hành tố tụng đối với vụ án hành chính bảo đảm đúng nguyên tắc theo quy định tại Điều 14 của Luật TTHC; Quyết định thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật TTHC; Yêu cầu, kiến nghị theo quy định của Luật TTHC; Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật TTHC; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật TTHC.

Khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, trừ quyền quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm.

Khác với 3 đạo luật nêu trên, CQĐT chỉ có ở VKSND tối cao và VKS quân sự Trung ương nên Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Điều 67 quy định trách nhiệm của Viện trưởng ở cấp duy nhất là VKSND tối cao và Viện trưởng không phải là người tiến hành tố tụng trong điều tra mà chỉ trong lãnh đạo, quản lý. Trách nhiệm của Viện trưởng VKSND tối cao là: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về điều tra hình sự để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do VKSND tối cao phụ trách; Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều tra hình sự trong VKSND; Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về điều tra hình sự trong VKSND; Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về điều tra hình sự trái với quy định của Hiến pháp, BLTTHS, BLHS, Luật này và pháp luật khác có liên quan; Quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của CQĐT của VKSND tối cao; trang bị phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ làm công tác điều tra trong VKSND tối cao; tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học về công tác điều tra trong VKSND; Thực hiện chế độ báo cáo về công tác điều tra hình sự theo quy định; Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về điều tra theo quy định của pháp luật./.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

(Kiemsat.vn) - Ngày 25/7/2020, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 18 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020; cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020. Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh:

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành

(Kiemsat.vn) - Chiều ngày 22/7, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020).
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang