Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ (từ 1960 đến 2020)

10/04/2020 08:34

(kiemsat.vn)
Những bài học kinh nghiệm của ngành Kiểm sát nhân dân

Qua 60 năm xây dựng và phát triển của Viện kiểm sát nhân dân có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau đây:

Môt là, nắm vững và thường xuyên quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong công tác kiểm sát.

Ngay từ những năm đầu khi mới được thành lâp, ngành Kiểm sát nhân dân đã xác định công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị. Viện kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ khác nhau đều dựa trên các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và căn cứ vào quy định của pháp luật để đề ra các nhiệm vụ trọng tâm công tác của mình. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát nhân dân phải luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của cách mạng trong từng giai đoạn, gắn nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. Chính vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Hai là, nhận thức đúng và đầy đủ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước.

Hiện nay, các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, quy định của Hiến pháp và pháp luật đều tiếp tục khẳng định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Do vậy, trước hết, Viện kiểm sát cần có các biện pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tổ chức và hoạt động để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Với tinh thần xây dựng một nền công tố mạnh, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong kiểm sát các hoạt động tư pháp; do đó, cần xác định rõ về lý luận cũng như về mặt tổ chức thực hiện trên thực tiễn nội dung của chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp cũng như mối quan hệ giữa hai chức năng đó; tạo cơ cở, căn cứ pháp lý vững chắc nâng cao chất lượng hoạt động của Viện kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Ba là, xác định nguyên tắc độc lập và nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Xuất phát từ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân là nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, do đó, các bản Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân từ năm 1959 đến nay đều ghi nhận Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức theo nguyên tắc độc lập và chế độ tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, không phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát cấp dưới đều thừa hành quyền lực của Viện trưởng Viên kiểm sát nhân dân tối cao để thực thi nhiệm vụ. Đây là một nguyên tắc mang tính đặc thù trong tổ chức và hoạt động, là cơ sở đảm bảo cho Viện kiểm sát nhân dân hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, các Viện kiểm sát địa phương không phải là một cơ quan tách rời mọi hoạt động của địa phương. Viện kiểm sát địa phương phải kết hợp chặt chẽ nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành trong thực thi chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo pháp chế thống nhất theo quy định của pháp luật với sự lãnh đạo và giám sát của cấp ủy đảng địa phương.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

Người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân các cấp được hiểu là Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Thực tiễn cho thấy, người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân các cấp là người chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức, hoạt động của đơn vị mình và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức, hoạt động của đơn vị. Do vậy, nếu người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân các cấp có tâm, có tầm và có phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành tốt sẽ đưa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát ngày càng được nâng lên và đưa ngành Kiểm sát nhân dân phát triển ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Năm là, không ngừng đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác kiểm sát, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân.

Chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân là nội dung được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật. Nhưng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong từng thời kỳ cách mạng đòi hỏi phải không ngừng đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác kiểm sát. Thực tiễn công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong những năm gần đây cho thấy, nhiều điểm nhấn về đổi mới về phương pháp công tác kiểm sát đã tạo sự chuyển biến tích cực mang tính đột phá trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân như: Yêu cầu Viện kiểm sát các cấp tăng cường trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao, coi đây là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của cơ quan, đơn vị mình; tập trung thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu; xác định nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Ngành, nhiệm vụ trọng tâm nhất của các đơn vị nghiệp vụ; xây dựng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;…

Sáu là, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh.

Thực tiễn khẳng định, công tác cán bộ luôn luôn giữ vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát vững vàng về chính trị, am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp là yếu tố quyết định thành công của hoạt động kiểm sát.

Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu cải cách tư pháp, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch và luân chuyển cán bộ theo tinh thần đổi mới. Cùng với công tác cán bộ phải tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy của ngành cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; thiết lập được cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả.

Bảy là, tăng cường quan hệ công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan, tổ chức khác.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, trước hết là phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đấu tranh chống các tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Thực tiễn chỉ ra rằng, ở nơi nào có sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan hữu quan thì ở nơi đó Viện kiểm sát mới có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trên cơ sở đó, đối với Viện kiểm sát các địa phương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt quan hệ công tác với cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động nắm, tham mưu, phối hợp xử lý kịp thời các vụ việc, khiếu kiện phức tạp, bức xúc, dư luận quan tâm, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan hữu quan, bảo đảm điều kiện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự giữa Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam với Viện kiểm sát, Viện công tố các nước trong khu vực và trên thế giới.

Mở rộng quan hệ hợp tác giữa Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam với Viện kiểm sát, Viện công tố các nước là xu hướng phát triển tất yếu trong điều kiện hội nhập quốc tế. Với nhận thức sâu sắc đó, trong 60 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân không ngừng tăng cường, mở rộng hợp tác tư pháp với các nước. Những năm gần đây, Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam đã tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trên nhiều lĩnh vực. Thông qua việc tăng cường và mở rộng quan hệ đa phương, song phương, Viên kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động ký nhiều thỏa thuận hợp tác với Viện kiểm sát, Viện công tố nhiều nước trên thế giới, tăng cường tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương với các tổ chức, cơ quan tư pháp trên thế giới. Những kinh nghiệm tốt thông qua các hoạt động này có tác dụng giúp Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam bổ sung và phát huy những bài học thực tế của mình trong quá trình tổ chức phương pháp công tác, rèn luyện và nâng cao chất lượng cán bộ; tạo điều kiện phát huy hơn nữa năng lực công tác của Viên kiểm sát nhân dân.

Chín là, tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Những năm qua, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cho các cơ quan tư pháp nói chung, Viện kiểm sát nhân dân nói riêng đã tạo sự chuyển biến đáng kể về cơ sở vật chất, điều kiện và phương tiện làm việc. Tuy nhiên so với yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới cần phải tiếp tục được đầu tư hơn nữa, tạo bước đột phá chuyển biến về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Viện kiểm sát các cấp, tương xứng với vị trí, trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp ở mỗi cấp kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp. Đặc biệt là, việc xây dựng, thuyết trình tính đặc thù trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để trên cơ sở đó các cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí đặc thù cho hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân.

Mười là, chú trọng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; nân cao nhận thức của nhân dân về Viện kiểm sát; tạo sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Tăng cường việc thông tin, tuyên truyền để các đơn vị, cán bộ Đảng viên trong và ngoài ngành Kiểm sát hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về Viện kiểm sát nhân dân; tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Đồng thời, việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cho cán bộ trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân nhằm cổ vũ phong trào thi đua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp.

Trải qua chặng đường lịch sử 60 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các quyền dân chủ của nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Nhà nước; thực hiện những mục tiêu mà sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đặt ra.

Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi còn không ít những khó khăn, thách thức nhưng tin tưởng rằng với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực hội nhập, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang